Ngày 7-8-2013, tại Hà Nội, Bộ TT và TT đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Quyết định 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cho Người phát ngôn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra).
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Ánh |
Qua 5 năm thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được ban hành theo Quyết định 77/2007/QĐ-TTg ngày 28-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ, công tác này đã đạt những kết quả tích cực. Cơ chế phát ngôn và thông tin cho báo chí được thực hiện ngày một tốt hơn, giúp cho các cơ quan báo chí nhanh chóng tiếp cận được thông tin chính thống và chính xác. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số địa phương, cơ quan cố tình né tránh, không cung cấp thông tin cho báo chí. Bên cạnh đó, do tổng hợp tin tức không đầy đủ, một số cơ quan đã cung cấp những thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân.
Quy chế phát ngôn và cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 4-5-2013 có nhiều điểm mới so với Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành năm 2007 theo Quyết định 77/2007/QĐ-TTg ngày 28-5-2007. Quy chế mới đã quy định rõ ràng hơn việc quy định Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước. Đó là người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước là Người phát ngôn (ở cấp bộ là Bộ trưởng; ở địa phương là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố) hoặc Người phát ngôn là người được người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước có thể uỷ quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn (gọi là người được ủy quyền phát ngôn), hoặc phối hợp cùng Người phát ngôn để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao. Về vấn đề cung cấp thông tin của cá nhân thuộc cơ quan hành chính Nhà nước, Quy chế mới cũng quy định rõ hơn tại khoản 4 Điều 2: “Các cá nhân của cơ quan hành chính Nhà nước được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật, nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính Nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật; trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp”. Thời hạn cung cấp thông tin cũng được quy định rút ngắn hơn so với Quy chế cũ. Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cũng được quy định mới, cụ thể: Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính, kể cả trong trường hợp ủy quyền cho người khác. Quy chế mới còn bổ sung quy định về trường hợp từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về các vụ việc đang trong quá trình thanh tra; nghiên cứu giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan, đơn vị Nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định không được cung cấp cho báo chí. Trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo cũng được bổ sung thêm về trách nhiệm pháp lý trong việc thông tin đúng nội dung phát ngôn. Quy chế quy định cơ quan báo chí và nhà báo có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực nội dung, thông tin do Người phát ngôn hoặc người được uỷ quyền phát ngôn cung cấp và ghi rõ họ tên, cơ quan hành chính Nhà nước của Người phát ngôn. Trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà Người phát ngôn, người được uỷ quyền phát ngôn cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó… Quy chế mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Hội nghị còn được tìm hiểu về kỹ năng cơ bản của Người phát ngôn, công tác phát ngôn về thông tin đối ngoại cũng như tuyên truyền về biển đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia./.
Đức Toàn