Trong nhiều năm liền, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hưng Yên triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều ban hành chỉ thị; UBND tỉnh có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng kết hợp chặt chẽ với bảo vệ Đảng, bảo vệ vững chắc chính trị nội bộ.
Hưng Yên đã phát huy mọi nguồn lực, phấn đấu và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện làm nòng cốt để xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho 44.471 cán bộ thuộc các đối tượng phân cấp, 152 lãnh đạo các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 272 chức sắc, chức việc tôn giáo. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các biện pháp xây dựng, bảo vệ tiềm lực quốc phòng của địa phương; xây dựng lực lượng vũ trang địa phương; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ.
Đác Nông: Huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
Tỉnh Đác Nông thực hiện quyết liệt công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư, tăng thu cho ngân sách. Đối với những dự án quan trọng có tác động lớn tới kinh tế - xã hội của tỉnh, Đác Nông sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp, đề ra các giải pháp đồng bộ, thiết thực, phù hợp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; có giải pháp hiệu quả huy động thêm nhiều nguồn lực khác từ xã hội hóa đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn… Đác Nông cũng tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Triển khai nhiều giải pháp kiên quyết, cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát vốn, chọn một số công trình để tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, giá thành công trình.
Bắc Ninh: Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hài hòa, bền vững
Sau năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được nhiều kết quả. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng hàng hóa quy mô lớn; trình độ khoa học trong sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng cao; hạ tầng cơ sở được củng cố và phát triển theo hướng đô thị hóa; đời sống nông dân được cải thiện. Đến nay, toàn tỉnh có 74 trang trại đạt tiêu chí mới; 133 làng nghề, thu hút 23% số hộ nông thôn tham gia; 574 HTX nông nghiệp, nông thôn. Các trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao, chợ nông thôn... được quan tâm đầu tư. Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt gần hai triệu đồng/người/tháng.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết, tỉnh Bắc Ninh xác định tập trung phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng hài hòa, bền vững. Phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng năng suất, chất lượng và bảo đảm tính cạnh tranh; xây dựng hạ tầng nông thôn đồng bộ, theo hướng đô thị và giàu bản sắc văn hóa; xây dựng hệ thống chính trị nông thôn vững mạnh./.
Theo Nhân dân