Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời", ngày 9-6, Bộ trưởng Bộ KH và CN Nguyễn Quân đã giải đáp phần nào những câu hỏi liên quan đến cơ chế nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ công nghệ cho người nông dân cũng như doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. Ảnh: chinhphu.vn |
Về câu hỏi của một người dân "Khi nào Nhà nước sẽ có hỗ trợ công nghệ bảo quản sau thu hoạch để người nông dân không thất bát, mặc dù được mùa"? Bộ trưởng Nguyễn Quân trăn trở: Công nghệ bảo quản, chế biến vẫn chưa theo kịp được trình độ và năng lực sản xuất của nông dân, chính vì thế tình cảnh “được mùa, mất giá” xảy ra phổ biến. Trước đây, chúng ta đã chứng kiến quả vải thiều Lục Ngạn, bây giờ là dưa hấu. Hiện nay, thông qua hợp tác quốc tế, chúng tôi đang nghiên cứu và đưa vào Việt Nam công nghệ bảo quản tiên tiến nhất của Nhật Bản, Israel để đảm bảo cho nông dân có được sản phẩm có giá trị tối đa.
Trả lời câu hỏi khi nào thì những nghiên cứu này có những kết quả đầu tiên để có thể mang vào áp dụng cho nông dân, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Riêng bảo quản rau quả hiện chúng ta đang hợp tác với đối tác của Nhật Bản và họ đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ bảo quản cho Việt Nam. Đây là công nghệ rất hiện đại, với tổng vốn đầu tư lên tới 1 triệu USD. Sắp tới nếu thành công, tin rằng quả dưa hấu của Hải Dương không chỉ bảo quản được vài tháng, thậm chí có thể bảo quản tới vài năm.
Trước câu hỏi, tại sao hạt gạo của chúng ta lại rẻ hơn so với các nước như Thái Lan, Nhật Bản… khiến nhiều nông dân đang phải bán lúa dưới giá thành. Tại sao chúng ta chưa có công nghệ chế biến đối với những mặt hàng nông sản chiến lược như gạo, cà phê, điều, cao su… vốn chủ yếu là xuất khẩu thô với giá trị thấp? Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Khi chúng ta chạy theo sản lượng, việc đảm bảo độ đồng đều về giống, chất lượng của hạt gạo cũng như bảo quản chế biến sau thu hoạch chưa theo kịp. Tôi cho rằng thời gian tới không nên chạy theo sản lượng mà nên nâng cao chất lượng của hạt gạo thì có thể doanh thu từ xuất khẩu gạo của chúng ta tiếp tục tăng, trong khi lại không phải mở rộng diện tích. Điều này buộc các nhà khoa học phải tạo ra được loại giống phù hợp, đồng thời toàn bộ diện tích trồng lúa phải tương đối thuần nhất về giống để đảm bảo chất lượng hạt gạo xuất khẩu đồng nhất thì mới có được giá xuất khẩu tốt.
Đương nhiên công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch vô cùng quan trọng, đặc biệt là khâu chế biến. Hiện nay gạo Thái Lan hơn gạo Việt Nam là do khâu chế biến của họ đảm bảo cả hình thức lẫn chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng của hạt gạo. Do vậy chúng ta phải đi theo con đường này để đảm bảo không chỉ gạo mà cả cà phê, hồ tiêu… chế biến được và có thương hiệu chất lượng đồng đều và duy trì trong thời gian dài.
Theo Chương trình sản phẩm quốc gia được Thủ tướng phê duyệt, chúng ta đã lựa chọn ra một số sản phẩm kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp để tập trung đầu tư theo chuỗi công nghệ từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng. Chúng ta hy vọng với sự đầu tư tập trung sẽ có những sản phẩm quốc gia mang thương hiệu Việt Nam, mang lại giá trị gia tăng cho kinh tế và tránh hiện tượng đầu tư dàn trải. Trước mắt, lúa gạo, cá da trơn cũng như nấm (nấm ăn và nấm dược liệu) là 3 mặt hàng trong nông nghiệp được coi là sản phẩm quốc gia, hy vọng là chúng ta sẽ có những sản phẩm thương hiệu Việt Nam từ những mặt hàng nông sản này.
Tới năm 2015 chúng ta sẽ hoàn thành việc nghiên cứu. Sau giai đoạn 2015-2020 sẽ chuyển sang sản xuất ở quy mô lớn.
Trước câu hỏi phóng viên nêu: Liên quan đến nhu cầu có sản phẩm khoa học công nghệ cấp thiết, một doanh nghiệp yến sào cho biết từ khi có thông tin về nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm qua chim yến, ngành sản xuất và xuất khẩu yến lao đao, chịu nhiều thiệt hại. Tuy nhiên không có sự hỗ trợ nào từ phía các Viện nghiên cứu, Sở KH và CN hay Bộ KH và CN. Ngay cả khi một doanh nghiệp phát minh ra máy sát khử khuẩn không khí thì một số doanh nghiệp cũng băn khoăn về việc sử dụng công nghệ này khi chưa có khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Doanh nghiệp băn khoăn về vai trò của Bộ trong những thời điểm cấp bách nói trên? Bộ trưởng Nguyễn Quân ghi nhận: Có thể nói vấn đề đặt ra rất thời sự, phản ánh được thực trạng khoa học, công nghệ của Việt Nam hiện nay, tức là chúng ta nghiên cứu ứng dụng công nghệ không theo kịp sự phát triển kinh tế cũng như nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, việc triển khai phòng chống cúm gia cầm đòi hỏi rất nhiều thời gian. Trong khi đó, biến thể từ cúm gia cầm phát triển nhanh chúng ta lại chưa có vắc xin để khống chế. Việc nghiên cứu các loại vắc xin hoặc những giải pháp phòng trừ dịch bệnh không phải là ngày một ngày hai mà có được. Nhưng ở đây vẫn có phần yếu kém của cơ chế, đó là tính đáp ứng kịp thời. Nếu chúng ta không áp dụng cơ chế quỹ trong hoạt động khoa học, công nghệ thì khi xảy ra tình huống như dịch cúm chim yến thì quy trình, thủ tục để có đề tài nghiên cứu cho ra được sản phẩm, kết quả sẽ mất rất nhiều thời gian. Có khi chúng ta làm ra được một giải pháp phòng dịch hoặc là vắc xin thì dịch cúm đã lùi vào quá khứ từ lâu.
Với câu hỏi trong trường hợp dịch cúm ở chim yến, nếu có cơ chế quỹ, việc xử lý của các cơ quan khoa học công nghệ sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng? Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: Nếu có cơ chế quỹ thì không chỉ dịch cúm mà tất cả những vấn đề về khoa học, công nghệ, các loại dịch bệnh trên giống cây trồng, vật nuôi, các vấn đề tự nhiên như lũ quét, lở đất… sẽ có kinh phí kịp thời để các nhà khoa học có thể đưa ra những giải pháp trong thời gian ngắn nhất./.
Theo chinhphu.vn