Bình ổn thị trường vàng để tránh đầu cơ trục lợi

08:05, 07/05/2013

 

Về mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn rất cao, Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tối 5-5 cho biết: Trong các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như Nghị định 24 mới nhất về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cũng đã nêu rõ mục tiêu là ổn định thị trường, chứ chưa phải là mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Điều đó xuất phát từ chính lý luận về tiền tệ, cũng như thực tiễn trong thời gian qua. Với Việt Nam, thị trường ngoại hối trong nước và thị trường ngoại hối nước ngoài không liên thông. Nếu thị trường ngoại hối không liên thông, mà để thị trường vàng liên thông, thì sẽ làm cho tỷ giá trong nước bị chao đảo theo giá vàng thế giới. Đó là thực tế trước đây khi chưa có Nghị định 24, mỗi lần giá vàng thế giới chao đảo lại làm cho tỷ giá và thị trường ngoại hối ở trong nước cũng chao đảo. Từ khi ban hành Nghị định 24 và nhiều văn bản khác, nhằm làm cho thị trường vàng trong nước tương đối ổn định so với thị trường vàng ở nước ngoài, đặc biệt giai đoạn vừa qua giá vàng thế giới biến động rất lớn, nhưng không còn ảnh hưởng nhiều và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô ở trong nước. 

Trao đổi về việc có làm cho chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thu hẹp lại được không và phải làm thế nào? Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: Mục tiêu trước mắt và mục tiêu trực tiếp của chúng ta là bình ổn thị trường vàng nói chung, trong đó có bình ổn giá vàng trong nước để tránh hiện tượng đầu cơ trục lợi từ việc giá vàng lên xuống thất thường. Nếu làm tốt việc bình ổn giá vàng, cộng với tiếp tục ổn định nền kinh tế vĩ mô, thì một điều có thể tin tưởng chắc chắn rằng, về trung hạn và dài hạn giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ sát lại gần nhau hơn. 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ rõ: Theo các văn bản của Nhà nước, vàng là mặt hàng Nhà nước không cấm kinh doanh nhưng cũng không khuyến khích kinh doanh. Hoạt động kinh doanh vàng thu hút một lượng ngoại tệ rất lớn của đất nước, nhưng vì còn tồn tại thị trường vàng nên vẫn phải dùng một lượng ngoại tệ nhất định để tạo nguồn cung hàng hóa. Nếu như trước đây, cho phép tư nhân, các tổ chức kinh tế nhập vàng… thì toàn bộ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là do các đối tượng kinh doanh này được hưởng, người dân không được hưởng gì. Đến nay, các hoạt động này do Nhà nước đảm nhiệm nên toàn bộ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là thuộc về Nhà nước, thuộc về ngân sách Nhà nước, để đầu tư lại cho nền kinh tế, để thực hiện các công trình phúc lợi xã hội./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com