Đó là nhận định của Tổ Điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương). Nhận định này dựa trên các yếu tố tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng này, có tính đến những biến động giảm trong tháng 3. Các chuyên gia cho rằng, trong tháng 4 một số mặt hàng quan trọng (than, điện…) tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường; cùng với việc giá xăng tăng mạnh cuối tháng 3 và nhất là giá hàng hóa, dịch vụ nhiều khả năng sẽ tăng cao vào cuối tháng trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Tuy nhiên, rất có thể CPI tháng 4 vẫn không tăng mạnh do giá các mặt hàng thực phẩm, lương thực, nhiều mặt hàng tiêu dùng đang ở thế tương đối ổn định. Cạnh đó, lãi suất ngân hàng đang giảm dần. Trước đó, Tổng cục Thống kê đã đưa ra con số: CPI của cả nước trong tháng 3 giảm 0,19% so với tháng 2. Trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - vốn chiếm quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa dịch vụ tính CPI - có mức giảm 0,53% (lương thực giảm 0,59%, thực phẩm giảm mạnh 0,95% riêng ăn uống ngoài gia đình tăng 0,87%). Liên quan đến chỉ số hàng tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng chỉ số giá khu vực nông thôn khi tăng thường tăng cao hơn, trong khi giảm thì mức giảm lại thấp hơn so với khu vực đô thị. Điều đó cho thấy các hộ gia đình khu vực nông thôn sẽ chịu tác động nhiều cả khi giá lên lẫn khi giá xuống./.
Theo daidoanket.com.vn