UBND tỉnh Kon Tum vừa có Thông báo loại bỏ 21 vị trí thủy điện ra khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Trong 21 vị trí thủy điện bị loại bỏ có tám vị trí thuộc huyện Kon Plông; một thuộc huyện Ngọc Hồi; bốn thuộc huyện Đắc Hà; một thuộc huyện Sa Thầy; sáu thuộc huyện Đắc Glây và một thuộc huyện Tu Mơ Rông.
Nguyên nhân loại bỏ là do các thủy điện này có quy mô nhỏ lẻ, tính hiệu quả không cao, khó khăn về hạ tầng giao thông, hệ thống truyền tải điện chưa có, khi thực hiện chiếm dụng một lượng lớn diện tích đất (gần 400ha đất màu, đất rừng, đất của người dân và đất khác), ảnh hưởng lớn đến một số công trình quan trọng trên địa bàn như quốc lộ 14C, khu trung tâm huyện mới.
Quảng Ninh: Đẩy mạnh việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa ban hành Chỉ thị số 17 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng.
Để việc mua, đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng tiếp tục đi vào nền nếp, đạt hiệu quả cao, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng, đảng viên, hội viên nghiên cứu, học tập lý luận từ tài liệu tuyên truyền chính thống như: Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản và Báo Quảng Ninh. Giao văn phòng Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về kinh phí mua báo, tạp chí của Đảng, bảo đảm mỗi chi bộ, đảng bộ, trưởng khu, thôn, bản đều có Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản và Báo Quảng Ninh. Các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, đơn vị cần bố trí nguồn ngân sách hợp lý, chi đúng theo quy định để thực hiện tốt việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng trong thời gian tới.
Trà Vinh: Dạy nghề cho lao động nông thôn
Tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt kế hoạch dành nguồn ngân sách hơn 7,2 tỷ đồng để thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; phấn đấu số lao động ở vùng nông thôn được đào tạo sơ cấp nghề và học nghề ngắn hạn là 14.300 người trong năm 2013. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyển sinh, liên kết, đa dạng phương thức đào tạo; tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề sâu rộng đến người dân, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh để giải quyết việc làm sau đào tạo. Chuyển hướng đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động sang đào tạo nghề theo nhu cầu của người sử dụng lao động. Cùng với đó, Trà Vinh tăng cường đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề theo hướng công nghệ hiện đại, phù hợp với dây chuyền công nghệ của các doanh nghiệp, bảo đảm người học nghề sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp./.
Theo Nhân dân