Quảng Ngãi: Gần 70 tỷ đồng bình ổn giá và tặng quà Tết

09:02, 20/02/2013

Sáng 18-2, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã họp giao ban đầu năm về tình hình trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Trước Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã phân bổ 28 tỷ đồng cho doanh nghiệp để dự trữ hàng hoá thiết yếu, nhờ vậy hàng hoá và bình ổn giá trong dịp Tết được bảo đảm, hàng hoá dồi dào, tăng 10-15% so với năm trước, UBND tỉnh cũng đã trích hơn 24 tỷ đồng tổ chức đi thăm và tặng quà hơn 72.500 người có công với cách mạng thực hiện cấp không thu tiền các mặt hàng thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số với số tiền gần 5 tỷ đồng và hỗ trợ 1.000 tấn gạo cứu đói trong dịp Tết. Tổ chức thăm hỏi, tặng hơn 30.000 suất quà Tết cho người nghèo với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng.

Thừa Thiên - Huế: Tiếp tục bán hàng bình ổn giá sau Tết

Nhằm thực hiện bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến sau Tết Nguyên đán, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá theo cam kết hoặc bán giảm giá từ 5 đến 10% so giá bán thị trường. Từ ngày mồng 3 Tết, tại các chợ, siêu thị đã hoạt động trở lại, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, hải sản, hàng rau, củ, quả... có sức mua tăng mạnh trong các ngày từ mồng 5 đến 8 Tết. Trên thị trường, giá cả những mặt hàng này đã tăng mạnh, nhưng chưa xảy ra tăng đột biến và hụt hàng. Tại các điểm bán hàng bình ổn giá trong tỉnh, lượng khách hàng đến mua sắm khá đông, bởi lượng hàng hóa phong phú và vẫn giữ mức giá như cam kết, một vài mặt hàng đã giảm hơn mức giá thị trường đến 20%.

Đắc Lắc: Huy động 8.976 tỷ đồng phát triển sản xuất

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Đắc Lắc đã huy động 8.976 tỷ đồng đầu tư cho phát triển sản xuất, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ cho chương trình là 1,79 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 68 tỷ đồng và vốn tín dụng hơn 8.650 tỷ đồng. Thông qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Đắc Lắc đã đào tạo nghề cho 3.675 lượt người, xây dựng được 346 mô hình và 17 đề án phát triển sản xuất. Được biết, sau hai năm thực hiện chương trình, đến nay tỉnh Đắc Lắc đã có 110/152 xã, phường, thị trấn và 3/15 huyện, thành phố, thị xã hoàn thành xây dựng đề án, trong đó 52 đề án cấp xã được phê duyệt./.

Theo Nhân dân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com