Ngày 3-1-2013, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2012. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, Ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại tỉnh ta, tham dự hội nghị có đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên Ban ATGT tỉnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Năm 2012, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng việc đầu tư cho phát triển, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông vẫn được quan tâm. Một số dự án cầu đường thuộc các tuyến giao thông huyết mạch cả đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa được tăng cường. Các bộ, ngành và nhiều địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp tổ chức giao thông, góp phần giảm nhanh tình trạng ùn tắc giao thông tại các tỉnh, thành phố đông dân như: Hà Nội giảm 46% điểm ùn tắc, Thành phố Hồ Chí Minh giảm 86,6% điểm ùn tắc so với năm 2011. Đặc biệt, tình hình TNGT trên toàn quốc đã giảm sâu ở cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Năm 2012, có 40 tỉnh, thành phố giảm trên 10% số người chết vì TNGT, so với năm 2011 có 4 tỉnh giảm trên 30% ở cả 3 tiêu chí là: Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Kiên Giang, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, kết quả còn chưa bền vững; các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng có giảm so với năm 2011 nhưng tính chất và mức độ nghiêm trọng vẫn còn, số người chết và số người bị thương vẫn ở mức cao. Năm ATGT 2013, với chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông” Ban ATGT Quốc gia đề ra mục tiêu: giảm 5-10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương vì TNGT. Các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện 5 giải pháp: Triển khai thực hiện Chỉ thị 18-CT/BBT ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT và Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Tăng cường công tác giáo dục, phát động phong trào thi đua nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT, tăng cường biện pháp đấu tranh ngăn chặn tiêu cực trong thi hành nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm; Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT; Đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về ATGT; Chống ùn tắc giao thông. Tại tỉnh ta, công tác bảo đảm trật tự ATGT cũng đạt được nhiều kết quả mới trên mọi lĩnh vực; tình hình TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2011, giảm 20,6% số vụ, số người chết giảm 6,9%, số người bị thương giảm 25%.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Để đạt các mục tiêu đề ra trong Năm ATGT 2013, các cấp, các ngành, các địa phương phải tăng cường thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT. Ngành Công an phải huy động mọi lực lượng, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự ATGT đường bộ, đường thủy theo quy định; xây dựng nghị định về các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ; ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ; xây dựng quy định xử phạt hành chính về giao thông đường bộ qua tài khoản ngân hàng, nghiên cứu sửa đổi thông tư về hướng dẫn lệ phí trước bạ và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc sang tên đổi chủ giải quyết tình trạng không chuyển quyền sở hữu phương tiện. Ngành GTVT phải tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và chất lượng kiểm định phương tiện giao thông, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, nâng cao điều kiện an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Ngành GD và ĐT tiếp tục tổ chức có hiệu quả cuộc thi “Giao thông thông minh”, bảo đảm trong năm học 2012-2013 có ít nhất 3 triệu học sinh tham gia, nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức ATGT trong trường học, nghiên cứu, đề xuất lộ trình và chuẩn bị các điều kiện để năm học 2014-2015 đưa việc giảng dạy về ATGT vào chương trình học chính khóa. Ngành Y tế phối hợp với ngành Công an xây dựng thông tư liên tịch về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức về sơ cứu ban đầu cho người bị TNGT trong cộng đồng. Ngành KH và CN xây dựng Thông tư về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm. Ngành TT và TT, đặc biệt là các cơ quan báo chí, truyền hình đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT. Ủy ban ATGT Quốc gia triển khai chương trình và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của các địa phương trong nhiệm vụ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về trật tự ATGT, tổ chức hiệu quả các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ an toàn đường bộ” lần thứ 2 và “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT”, phát động phong trào thi đua xây dựng “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn” năm 2013./.
Nguyễn Thanh Thúy