Ngày 29-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng. Các thành viên Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng qua tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội được phát huy và đạt kết quả.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2012. Ảnh: Đức Tám - TTXVN |
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ báo cáo trước Trung ương và Quốc hội có khả năng thực hiện được. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trước mắt còn rất lớn, vì vậy, không được chủ quan, thỏa mãn mà cần phát huy kết quả đạt được, tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phấn đấu đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Theo đó, cần tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, duy trì mức tăng trưởng hợp lý trong năm nay để tạo đà cho năm bản lề 2013. Cần khẩn trương chuẩn bị kế hoạch, nhiệm vụ của năm 2013 ngay từ bây giờ, trong đó đặc biệt lưu ý nhiệm vụ kiểm soát giá cả, lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội năm 2013. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ giá cả của các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa, xăng, dầu,... Đồng thời, tiếp tục lộ trình giảm lãi suất theo chiều hướng giảm dần của lạm phát, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, vừa kích thích, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Rà soát các khoản thu, chi ngân sách bảo đảm cân đối, tập trung mạnh vào xử lý nợ xấu và hàng tồn kho, chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản; có biện pháp tháo gỡ, "phá băng" thị trường bất động sản; các ngân hàng phải có biện pháp mạnh tự xử lý nợ xấu bằng cách trích lập Quỹ dự phòng rủi ro. Chú ý thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, nhất là các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ứng trước của năm 2013, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn FDI, ODA; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, bảo đảm hiệu quả trong đầu tư công. Các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu phương án phát hành trái phiếu, tạo nguồn vốn để xúc tiến triển khai nhanh việc cải tạo, mở rộng quốc lộ 1A và quốc lộ 14 ngay trong mùa khô đầu năm tới, góp phần kích cầu xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngay từ bây giờ, phải xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, trong đó lưu ý thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chương trình Tết cho người nghèo, gia đình chính sách; kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ; bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp cuối năm... Đồng thời, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hội họp, tổng kết, hạn chế việc đi nước ngoài học tập, công tác nếu chưa thật sự cần thiết.
Theo Bộ KH và ĐT, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 thấp hơn nhiều so tốc độ tăng giá tiêu dùng các năm trước, dự báo, cả năm nay, chỉ số CPI tăng khoảng 7,5%. Đây là kết quả của việc thực hiện kịp thời các biện pháp ổn định giá cả thị trường, đặc biệt là việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng về quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực, chỉ số tồn kho giảm dần và thấp hơn nhiều so với đầu năm. Sản xuất nông nghiệp vẫn đạt khá mặc dù chịu thiệt hại do bão số 8, khó khăn trong chăn nuôi đang từng bước được khắc phục, tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. An sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm; xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, cân bằng cán cân xuất nhập khẩu.
Các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định, vững chắc, vẫn còn tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao trở lại; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chậm được xử lý và có nguy cơ tăng; việc triển khai cơ cấu lại một số ngân hàng yếu kém còn chậm; hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của người lao động... Trong thời gian tới, tốc độ tăng CPI có thể sẽ tăng do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết tăng mạnh, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Chính phủ phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ chỉ số CPI cả năm nay chỉ tăng khoảng 8%.
Một số thành viên Chính phủ đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm, cung ứng đủ nhu cầu thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ trục lợi, găm hàng, đẩy giá lên cao trong dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện khuyến khích sản xuất; có cơ chế hỗ trợ tiêu thụ, xử lý hàng tồn kho,... Các thành viên Chính phủ cũng nhấn mạnh về chính sách an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trước hết, phải tăng cầu cho thị trường bất động sản theo hướng hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở, cơ cấu sản phẩm phù hợp khả năng thanh toán của người thu nhập thấp, tạo nguồn vốn cho thị trường bất động sản cả về trung hạn và dài hạn.
Tại phiên họp này, Chính phủ cũng xem xét, thảo luận về Đề án Cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2012-2020; Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú./.
Theo Nhân dân