Còn nhiều quan điểm khác nhau về tần suất và diện cán bộ được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm

07:09, 17/09/2012

Tiếp tục phiên họp thứ 11, ngày 14-9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tiến hành thảo luận, cho ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật của QH, dự thảo đề án đã đưa ra các phương án cụ thể xin ý kiến Ủy ban TVQH về diện cán bộ được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, thời điểm tiến hành, cách thức công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm và hướng xử lý nếu kết quả lấy phiếu tín nhiệm không đạt quá 50% tổng số người tham gia bỏ phiếu. Góp ý về các phương án nêu trong đề án, các thành viên Ủy ban TVQH cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ là cần thiết và kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải được công bố công khai, minh bạch. Về tần suất lấy phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu tán thành với quy định lấy phiếu tín nhiệm hai năm một lần, nhằm có đủ thời gian để đánh giá trình độ, năng lực và kết quả công tác của cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, nên quy định lấy phiếu tín nhiệm hằng năm theo đúng tinh thần Nghị quyết TW 4, khóa XI, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý sai sót của cán bộ trong quá trình công tác.

Về diện cán bộ được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu tán thành với phương án chỉ tập trung vào một số người giữ chức vụ chủ chốt, phù hợp yêu cầu tổng quát của Nghị quyết TW 4, khóa XI là các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Ở Trung ương từ cấp bộ trưởng trở lên, ở địa phương gồm thường trực HĐND và các thành viên UBND. Việc lấy phiếu tín nhiệm theo phương án này có tính khả thi cao, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị nên mở rộng diện cán bộ được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Điều này thể hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của QH, HĐND, với tư cách là các cơ quan quyền lực Nhà nước ở TW và địa phương, thay mặt cử tri xem xét, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với tất cả các chức danh do mình bầu hoặc phê chuẩn.

Liên quan quy định về mức độ tín nhiệm, nhiều đại biểu cho rằng không nên đưa ra ba mức độ khác nhau là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp như trong dự thảo đề án, mà chỉ nên quy định hai mức độ là tín nhiệm và không tín nhiệm.

Sau phiên họp này, Đề án sẽ tiếp tục được chỉnh lý và trình Bộ Chính trị cho ý kiến, sau đó chỉnh lý và trình QH thảo luận.

Cũng trong ngày làm việc hôm qua, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi)./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com