Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật

06:02, 10/02/2020

Ngày 7-2-2020, UBND tỉnh có Công điện số 1/CÐ-UBND gửi UBND các huyện, thành phố và các ngành chức năng về tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh nguy hiểm ở động vật. Nội dung Công điện như sau:

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới, từ đầu năm 2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều ổ dịch bệnh cúm gia cầm tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Ấn Ðộ, Trung Quốc, Nigeria, Séc, Ðức, Hungary, Ba Lan, Rumani, Slovakia, Nam Phi và Ðài Loan (Trung Quốc), đặc biệt ngày 1-2-2020 đã xảy ra ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại quận Song Thành, thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, số gia cầm đã tiêu hủy là 17.828 con. Nguy cơ bệnh lây lan giữa các nước rất cao. Tại Việt Nam, năm 2019 bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 24 tỉnh, thành phố, đã tiêu hủy trên 133 nghìn con gia cầm; hiện nay, cả nước có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại tỉnh Quảng Ninh chưa qua 30 ngày.

Tại Nam Ðịnh, từ năm 2019 đến nay không xảy ra dịch cúm gia cầm, tuy nhiên kết quả giám sát tháng 12-2019 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phát hiện lưu hành vi-rút cúm gia cầm A/H5N6 (mẫu được lấy tại chợ Cổ Lễ, huyện Trực Ninh và chợ Năng Tĩnh, thành phố Nam Ðịnh). Ðồng thời hiện nay tổng đàn gia cầm của tỉnh rất lớn (gần 8,5 triệu con); điều kiện thời tiết lạnh, ẩm kéo dài làm giảm sức đề kháng của vật nuôi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thực phẩm phục vụ vào thời điểm đầu năm tăng cao... là nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm đặc biệt là dịch cúm gia cầm phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh rất cao.

Ðể chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, không để xảy ra hiện tượng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút Corona (nCoV) trên người đang xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nội dung tại Công điện khẩn số 735/CÐ-BNN-TY ngày 3-2-2020 của Bộ NN và PTNT về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, Công văn số 167/TTg-NN ngày 5-2-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm A(H5N1) trên gia cầm và ở người. Ðịa phương nào chủ quan, lơ là trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để dịch bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng thì người đứng đầu chính quyền phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên theo lĩnh vực và theo địa bàn phụ trách; các sở, ngành, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công.

3. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân về nguy cơ, tác hại của các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật như bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh. Ðặc biệt tuyên truyền để nhân dân giám sát, phát hiện, đấu tranh không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; sử dụng sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khai báo dịch và xử lý xác chết gia súc, gia cầm theo quy định; biện pháp phòng dịch lây nhiễm sang người theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn…

4. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người chăn nuôi, thú y cơ sở, chính quyền thôn, xóm và cộng đồng dân cư trong việc giám sát, phát hiện, báo cáo kịp thời cho chính quyền và cơ quan chuyên môn thú y khi phát hiện các trường hợp động vật ốm, chết bất thường. Cơ quan chuyên môn thú y tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định chính xác mầm bệnh trên cơ sở đó hướng dẫn, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

5. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn; ký cam kết với các hộ giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật không được giết mổ, tiêu thụ động vật ốm, chết làm thực phẩm, thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca giết mổ; nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gia cầm nhập lậu; việc buôn bán, giết mổ gia cầm tại chợ phải được bố trí tập trung vào một khu vực và được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi buổi chợ.

6. Tổ chức Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường; đặc biệt chú ý các vùng trọng điểm chăn nuôi, vùng có ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao trên địa bàn để tiêu diệt các loại mầm bệnh; thời gian đồng loạt ngay từ đầu tháng 2-2020.

7. Sở NN và PTNT:

7.1. Phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật; lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi mắc bệnh để xác định rõ nguyên nhân bệnh, báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh dương tính; tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân năm 2020, chỉ đạo tiêm phòng ngay vắc-xin cúm cho đàn gia cầm chưa đến tuổi xuất bán nhất là đàn vịt.

7.2. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại tuyến cơ sở, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

7.3. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm ngặt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và các biện pháp chủ động phòng dịch.

8. Sở Thông tin và Truyền thông, Ðài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Ðịnh phối hợp với ngành Nông nghiệp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Các cơ quan truyền thông thông tin tình hình dịch bệnh chính xác, kịp thời để người dân chủ động phòng chống dịch, không gây hoang mang, lo lắng.

9. Các sở, ngành: Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389, Giao thông Vận tải căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp với ngành Nông nghiệp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về vận chuyển, tiêu thụ, kinh doanh động vật nhất là đối với gia cầm nhập lậu.

10. Sở Tài chính phối hợp với Sở NN và PTNT tham mưu UBND tỉnh kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật khi có dịch xảy ra; hướng dẫn Sở NN và PTNT tổ chức mua vắc-xin, hóa chất, dụng cụ, vật tư phục vụ phòng, chống dịch theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung trên./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com