Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ xuân 2019 trong điều kiện thời tiết ấm

07:02, 19/02/2019

* Chủ tịch UBND tỉnh điện khen về việc hoàn thành gieo trồng vụ xuân 2019

Đến ngày 18-2, toàn tỉnh đã gieo và sạ được trên 70,5 nghìn ha lúa xuân, đạt 95% tổng diện tích gieo cấy; trong đó diện tích sạ đạt 40,8 nghìn ha. Cơ bản không có tình trạng cấy mạ già quá tuổi.

Trước đó ngày 14-2-2019, Chủ tịch UBND tỉnh có Điện khen số 01/CĐ-UBND biểu dương nhân dân và cán bộ các địa phương, nhất là các huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện gieo cấy nhanh gọn lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất.

Để đảm bảo giành thắng lợi sản xuất vụ xuân 2019, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các công ty khai thác công trình thủy lợi tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nội dung: duy trì mực nước nông thường xuyên trong ruộng lúa cấy, tuyệt đối không để ngập úng hoặc khô hạn lúa sạ. Thực hiện tốt việc khoanh vùng, điều tiết nước hợp lý cho từng vùng và chủ động dự trữ nước trong hệ thống để tạo điều kiện thuận lợi cho việc gieo cấy, chăm sóc cây trồng vụ xuân. Ngay sau khi hoàn thành gieo cấy lúa xuân chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Thực hiện đúng hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chăm sóc lúa xuân trong điều kiện vụ xuân ấm và các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi vụ xuân 2019.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết vụ xuân 2019 ấm hơn trung bình nhiều năm, trong tháng 2 và tháng 3 nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,5-20C và không có rét đậm kéo dài. Vì vậy, nếu không được chăm sóc kịp thời và đúng kỹ thuật, lúa xuân 2019 có nguy cơ trỗ bông sớm và giảm năng suất. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các huyện, thành phố tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình thâm canh lúa xuân 2019 trong điều kiện vụ xuân ấm: Bón lót đủ lượng phân trước khi cấy hoặc sạ; duy trì mực nước nông thường xuyên trong ruộng lúa cấy; không để ngập úng hoặc khô hạn ruộng lúa sạ; tổ chức bón thúc kịp thời theo nguyên tắc “cân đối dinh dưỡng; bón nặng đầu - nhẹ cuối; kết thúc bón đạm cho lúa trước ngày 5-3”. Cụ thể, đối với lúa cấy: sau cấy 7 ngày phải bón thúc lần 1 là 4kg urê và 2-3kg kali/sào; nếu chưa bón lót đủ 20kg super lân/sào trước cấy thì bổ sung 5kg super lân; nếu bón phân hỗn hợp NPK cần bón 12kg NPK Đầu trâu (15:4:16) hoặc 12kg NPK Việt Nhật (16:16:8) hoặc 15kg NPK Tiến Nông (12:2:12). Sau cấy 16-18 ngày phải bón thúc lần 2, bón xong trước ngày 5-3 toàn bộ lượng phân còn lại theo quy trình cho từng nhóm giống lúa, đảm bảo lượng bón tương đương 2-3kg urê và 2-3kg kali. Đối với lúa gieo sạ khi lúa đạt khoảng 2,5 lá phải bón thúc lần 1: bón 10kg NPK Việt Nhật (16:16:8) hoặc 10kg NPK Đầu trâu (15:4:16) cộng 10kg super lân hoặc 12kg NPK Tiến Nông (12:2:12) cộng 10kg super lân. Khi lúa 5-6 lá phải bón thúc lần 2: 15kg NPK Việt Nhật (16:16:8) hoặc 15kg NPK Đầu trâu (15:4:16) hoặc 17kg NPK Tiến Nông (12:2:12). Chăm sóc, bảo vệ tốt lượng mạ dư đến đầu tháng 3 để dự phòng và cấy dặm; hoàn thành trồng cây màu xuân trong tháng 2. Tổ chức tốt các nội dung chủ động phòng trừ bệnh lùn sọc đen trên lúa theo kế hoạch của UBND tỉnh và hướng dẫn chuyên ngành bảo vệ thực vật. Trước mắt cần làm tốt công tác giám sát mật độ rầy, thu thập, giám định vi-rút lùn sọc đen và diệt chuột, ốc bươu vàng./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com