Sáng 25-2, Ban Chỉ đạo (BCÐ) Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh tổ chức cuộc họp tổng kết công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2018; triển khai nhiệm vụ năm 2019 và các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Ðồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCÐ chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp có các thành viên BCÐ; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. |
Năm 2018, UBND tỉnh, BCÐ Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch, cấp kinh phí mua vắc-xin, hóa chất hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch. Các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền, BCÐ phòng, chống dịch bệnh động vật các huyện, thành phố đã tập trung triển khai tích cực các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh động vật được tăng cường. Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật cơ bản được thực hiện đúng quy định pháp luật, hạn chế dịch bệnh lây lan từ tỉnh ngoài vào. Trong 3 đợt “tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm”, tỉnh đã cấp cho các địa phương hơn 16 nghìn lít hóa chất khử trùng; các địa phương và người chăn nuôi tự mua 4.458 lít thuốc sát trùng và 148,4 tấn vôi bột; tổ chức 251 đội phun tập trung để phun khử trùng những khu vực công cộng đã hạn chế dịch bệnh phát sinh. Nhìn chung các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, khống chế. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh rải rác xuất hiện một số ổ dịch bệnh động vật cúm gia cầm; bệnh lợn tai xanh và dịch lở mồm long móng. Ngay khi phát hiện dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp bao vây, khống chế dịch, nhanh chóng, không lây lan ra diện rộng, giảm nhẹ thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi; không để dịch từ động vật lây lan sang người. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh còn một số tồn tại, hạn chế như: tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, đặc biệt tiêm vắc-xin dại cho đàn chó đạt kết quả thấp; chưa thực hiện tốt kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm; cấp ủy, chính quyền một số xã, thị trấn chưa quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho đàn vật nuôi; nhiều hộ chăn nuôi chưa nhận thức rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh động vật.
Theo thông báo của Cục Thú y, từ đầu tháng 2-2019 đến nay đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi tại 4 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng và Thanh Hóa. Trong thời gian tới các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật phục vụ các lễ hội và các hộ chăn nuôi tái đàn tăng mạnh; lượng khách du lịch vào tỉnh ta rất lớn; thời tiết chuyển mùa ảnh hưởng xấu tới sức khỏe đàn vật nuôi. Do vậy, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh nguy hiểm khác ở gia súc, gia cầm xâm nhiễm, phát sinh, lây lan trong tỉnh là rất cao. Quan điểm chỉ đạo của BCÐ Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh là tập trung sự chỉ đạo của các ngành, các địa phương, huy động cao các nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển chăn nuôi và phòng, chống tốt dịch bệnh động vật, đặc biệt bệnh dịch tả lợn châu Phi, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Tập trung bao vây, khống chế không để dịch phát sinh, lây lan trên diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra; đảm bảo an toàn cho chăn nuôi và sức khỏe của nhân dân.
Qua nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu của các địa phương, ngành và thành viên BCÐ, phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCÐ Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh nhấn mạnh, với sự nỗ lực cố gắng của các ngành liên quan, các địa phương và người chăn nuôi trong công tác phòng, chống dịch bệnh nên năm 2018 sản xuất chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và kinh tế của tỉnh. Về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi lưu ý cần phải thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ các giải pháp từ phòng, chống, xử lý dịch bệnh với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan và người chăn nuôi. Về nhiệm vụ, giải pháp, đồng chí yêu cầu các địa phương khẩn trương kiện toàn BCÐ các cấp; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên theo nhiệm vụ và địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về nguy cơ, tác hại, các biện pháp phòng, chống, cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước; quy trình quản lý cụ thể về dịch bệnh này. Trong tuyên truyền chú ý đảm bảo cung cấp đủ thông tin giúp người chăn nuôi nhận dạng được biểu hiện dịch bệnh; nâng cao nhận thức về trách nhiệm nòng cốt của người chăn nuôi trong phòng dịch, không gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất. Tổ chức thực hiện nghiêm các công điện, văn bản chỉ đạo về phòng chống xử lý dịch bệnh của Chính phủ, các bộ, ngành và của tỉnh. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thiện kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của tỉnh để UBND tỉnh ban hành; các huyện, thành phố xây dựng cụ thể kế hoạch của địa phương để triển khai thực hiện. Thực hiện siết chặt quản lý các hoạt động kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Khuyến khích, phát huy vai trò của người dân, của cộng đồng trong việc phát hiện, tố giác các tổ chức, cá nhân vi phạm nhất là trong kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, giấu thông tin về dịch bệnh... Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Yêu cầu các hộ chăn nuôi triển khai tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho gia súc, gia cầm; thực hiện tốt công tác vệ sinh - khử trùng - tiêu độc. Ngay trong tuần tới tổ chức các đoàn kiểm tra việc triển khai công tác phòng, chống dịch ở các huyện, thành phố. Khi phát hiện ổ dịch cần thực hiện nghiêm việc xử lý ổ dịch theo đúng quy trình, quy phạm hướng dẫn của Nhà nước./.
Tin, ảnh: Ngọc Ánh