* Hội nghị đánh giá mô hình sản xuất gạo Nhật và một số giống lúa triển vọng
Ngày 19-10-2018, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra, đánh giá năng suất trà lúa mùa bị ảnh hưởng mưa, úng đầu vụ và tham quan một số hệ thống sấy lúa trên địa bàn tỉnh. Cùng đi với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh có lãnh đạo sở, ngành: NN và PTNT, KH và CN, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Nghĩa Hưng và Trực Ninh.
Do ảnh hưởng mưa lớn từ ngày 13 đến ngày 21-7-2018 cùng với thủy triều giai đoạn “cuối nghén - đầu con nước” đã làm 110,9ha mạ mùa bị thiệt hại; 31.411ha diện tích lúa mùa bị thiệt hại. Trong đó có 26.244,6ha bị thiệt hại trên 70% diện tích phải gieo cấy lại, tập trung ở các huyện Nghĩa Hưng 5.951ha, Hải Hậu 5.760ha, Giao Thủy 4.772ha, Xuân Trường 3.540ha, Nam Trực 3.168ha, Trực Ninh 3.150ha… Các địa phương đã huy động tối đa phương tiện, máy móc để tập trung cứu lúa. Đến ngày 10-8, toàn tỉnh mới khắc phục xong và hoàn thành gieo cấy lúa mùa. Đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển những diện tích lúa được khắc phục ở các xã Nam Tiến (Nam Trực), Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) và Trực Nội (Trực Ninh). Ở 2 xã Nam Tiến và Nghĩa Hồng, do nước lũ trên sông Đáy dâng cao không thể tiêu thoát nước nên sau khi mưa, toàn bộ diện tích lúa mới cấy bị ngập sâu. Đến ngày 10-8, xã Nam Tiến mới tiêu thoát hết nước và bắt đầu gieo cấy, sạ lại; đến 15-8 mới cơ bản gieo cấy xong. Xã Nghĩa Hồng có khoảng 350ha lúa bị ngập, đến ngày 4-8 mới tiêu thoát nước và bắt đầu gieo cấy, sạ lại; đến ngày 10-8 cơ bản gieo cấy xong, một số hộ kéo dài đến ngày 15-8 mới xong. Xã Trực Nội thời gian gieo cấy tập trung từ ngày 8 đến ngày 14-7, ngày 14-7 bắt đầu bị ngập úng; đến ngày 27-7 mới bắt đầu gieo cấy lại, do tiếp tục có mưa nên đến ngày 10-8 mới gieo cấy xong; tuy nhiên còn 120ha diện tích sâu nước nên không thể khắc phục được. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, nửa đầu vụ mùa 2018 gặp nhiều khó khăn song nửa vụ sau thời tiết thuận lợi nên những diện tích lúa mùa sau khắc phục vẫn sinh trưởng, phát triển tốt; hiện đang quay ngang và vào mẩy, một số diện tích lúa bắt đầu chín. Dự kiến trà lúa sau ngày 10-8 cho năng suất đạt 38-40 tạ/ha. Ngoài kiểm tra, đánh giá năng suất trà lúa bị ảnh hưởng mưa, úng, đoàn công tác còn đi tham quan một số hệ thống sấy lúa tại HTXDVNN Mỹ Thành (Mỹ Lộc) và của một số hộ dân của các xã Nam Tiến, Nghĩa Hồng, Trực Nội. Đây là các hệ thống sấy bằng nhiệt đáp ứng yêu cầu sấy lúa tươi khối lượng lớn để đảm bảo chất lượng lúa thương phẩm sau khi gặt trong điều kiện thời tiết bất thuận; khắc phục tình trạng lúa bị lẫn tạp chất như khi phơi trên nền đất theo phương pháp truyền thống.
Qua buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn huy động nhân lực, máy móc thu hoạch nhanh gọn những diện tích lúa mùa đã chín. Tập trung triển khai sản xuất cây vụ đông, nhất là ở những vùng có truyền thống sản xuất vụ đông hàng hóa. Lựa chọn những cây trồng có thị trường, đặc biệt là ở những vùng bà con nông dân có kinh nghiệm sản xuất. Triển khai ngay kế hoạch làm thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2018-2019. Các huyện, thành phố sớm tổ chức tổng kết, đánh giá kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất năm nay, từ đó rút ra bài học cho các vụ sau để chỉ đạo tốt hơn trong điều kiện thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.
Ngày 20-10-2018, Sở NN và PTNT tổ chức hội nghị tham quan đầu bờ, đánh giá mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ gạo Nhật Bản và một số giống lúa mới có triển vọng tại Trại nghiên cứu, khảo nghiệm giống của Cty TNHH Cường Tân, xã Trực Hùng (Trực Ninh).
Thực hiện chương trình hợp tác liên kết nông nghiệp giữa tỉnh ta và tỉnh Phư-cưi (Nhật Bản), vụ mùa 2018, Cty TNHH Cường Tân đã triển khai đưa một số giống lúa Nhật Bản là Koji, AKISAKARI và các giống lúa triển vọng Hương cốm, Hương cốm 4, CS6-NĐ, Thiên Trường 800, Thiên Trường 850, HĐ9, LH12, ĐH12, ĐB5, TH6-6, Lai thơm 6, Cường Tân 17 tại Trại nghiên cứu, khảo nghiệm giống của Cty và một số xã trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá tiềm năng năng suất; khả năng thích ứng để khuyến cáo lựa chọn cho sản xuất đại trà, thay thế các giống lúa đang sử dụng có năng suất, chất lượng thấp, khả năng kháng sâu bệnh kém. Các giống lúa mới triển vọng của Cty TNHH Cường Tân thuộc nhóm giống cảm ôn cấy được 2 vụ trong năm: vụ xuân 130-140 ngày và vụ mùa 105-115 ngày, chiều cao cây 95-105cm, mạ khỏe, cứng cây, trỗ thoát, độ tàn lá muộn… Theo báo cáo tại hội nghị, các giống lúa AKISAKARI, Hương cốm, Hương cốm 4, CS6-NĐ, Thiên Trường 800, Thiên Trường 850, HĐ9, LH12, ĐH12, ĐB5, TH6-6, Lai thơm 6, Cường Tân 17 có số bông hữu hiệu cao và tỷ lệ hạt lép thấp. Năng suất các giống ước đạt từ 56-62 tạ/ha. Riêng giống lúa Koji là giống lúa thuần có nguồn gốc từ Nhật Bản, có chất lượng cao, cơm mềm, có mùi thơm, ăn ngon tương đương giống lúa thuần BT7 nhưng hơn về độ ngậy và độ đậm. Năng suất ở vụ mùa 2018 dự kiến đạt 58-60 tạ/ha.
Qua tham quan thực tế, các đại biểu đều đánh giá: vụ mùa năm 2018 đầu vụ mưa bão gây ngập lụt, sâu bệnh phát sinh nhiều ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây lúa. Tuy nhiên, nhóm giống của Cty Cường Tân sản xuất khảo nghiệm thể hiện rõ những ưu việt như khả năng sinh trưởng phát triển tốt, chống đổ tốt, đẻ nhánh khỏe, khóm gọn, trỗ tập trung. Chống chịu với điều kiện bất thuận và các loại sâu bệnh hại chính như bệnh khô vằn, đạo ôn, rầy. Thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp với cơ cấu mùa vụ của các địa phương trong tỉnh. Năng suất các giống đều cao hơn giống BT7 cấy tại vùng từ 20-30%; các giống đều thuộc nhóm chất lượng: cơm ngon, trắng, mềm, dẻo, có vị đậm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đặc biệt, trong điều kiện vụ mùa với nhiều loại sâu bệnh hại trên đồng ruộng thì giống lúa thuần Nhật Bản Koji thể hiện rõ ưu điểm chống chịu tốt với bệnh bạc lá, đạo ôn cuối vụ và rầy, chất lượng gạo ngon nên hoàn toàn có thể thay thế giống BT7 trong sản xuất đại trà.
Từ các đánh giá kết quả sản xuất giống lúa mới tại hội nghị, Cty Cường Tân đã đề nghị Sở NN và PTNT cho phép mở rộng diện tích cấy giống lúa Nhật Bản Koji cũng như các giống lúa triển vọng của Cty để nông dân có thêm những giống lúa năng suất, chất lượng đưa vào sản xuất./.
Ngọc Ánh