Giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại huyện Nam Trực

07:09, 28/09/2018

Ngày 27-9-2018, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở của tỉnh do đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với huyện Nam Trực về tình hình thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn huyện. Tham gia Đoàn có đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh.

Đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh và Đoàn giám sát làm việc tại xã Nam Thanh.
Đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh và Đoàn giám sát làm việc tại xã Nam Thanh.

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Nam Trực luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở các cấp được củng cố, kiện toàn kịp thời. Việc triển khai và tổ chức thực hiện QCDC tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện được chú trọng trên cơ sở bám sát nội dung của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20-4-2007 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân đều được phổ biến, triển khai và thực hiện có hiệu quả, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” đã tạo sự đồng thuận giữa nhân dân với chính quyền, đặc biệt đã huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất là chương trình quốc gia về xây dựng NTM, đã có hàng nghìn km bê tông hóa đường liên thôn, liên xóm, hàng trăm km bê tông đường kênh mương, nhân dân tham gia hiến kế, hiến công, hiến đất, góp tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tính đến tháng 6 năm 2018, huyện đã có 18/20 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, huyện đang phấn đấu đến hết tháng 9-2018 có 20/20 xã, thị trấn về đích NTM và đến năm 2019 đề nghị tỉnh thẩm tra trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Việc thực hiện QCDC trong hoạt động của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc. Thông qua việc sinh hoạt định kỳ hằng tháng, quý, các cơ quan, đơn vị thông báo công khai những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc thi tuyển, xét tuyển, tuyển dụng và đào tạo, bổ nhiệm được thực hiện dân chủ, công khai. Các chế độ chính sách, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật được thực hiện nghiêm túc, tạo không khí dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị… Công tác cải cách hành chính của huyện được tập trung chỉ đạo quyết liệt và chuyển biến tích cực bám sát yêu cầu theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020. Cơ chế một cửa tiếp tục được duy trì thực hiện đồng bộ ở cấp huyện và xã. Bộ phận một cửa liên thông hiện tại đang tiếp tục triển khai ở 20 xã, thị trấn với phần mềm dùng chung. Công tác giải quyết đơn thư, kiếu nại, tố cáo của công dân được duy trì; các nội dung thắc mắc, phản ánh đều được hướng dẫn, xử lý kịp thời theo quy định. Việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong cơ quan đã tác động tích cực đến cán bộ, công nhân, viên chức về thực hiện quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị và thái độ phục vụ nhân dân. Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công nhân, viên chức trong giám sát, kiểm tra các hoạt động của cơ quan, góp phần ngăn chặn, phòng chống tham nhũng lãng phí, tạo mối quan hệ gắn bó giữa người đứng đầu với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện tốt QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc. Hằng năm các đơn vị đã chủ động phối hợp tổ chức hội nghị công nhân, viên chức, người lao động từ đầu năm; bổ sung quy chế, quy định thực hiện QCDC phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị. Các đơn vị luôn giữ vững đoàn kết nội bộ, phát huy quyền làm chủ, khuyến khích và tạo điều kiện cho người lao động nâng cao hiểu biết về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm trước pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của đơn vị… Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn huyện Nam Trực vẫn còn một số hạn chế như: Một số cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm tới việc triển khai và thực hiện QCDC. Việc thực hiện QCDC ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; việc tổ chức quán triệt phổ biến chỉ thị, pháp lệnh, nghị định chưa thật sự sâu rộng, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; vai trò kiểm tra, giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đồng ở một số xã, thị trấn, các cơ quan, các doanh nghiệp còn hạn chế. Ở một số doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn chưa tổ chức được hội nghị người lao động hằng năm, còn lồng ghép vào hội nghị tổng kết; việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc chưa đúng quy trình, quy định; thỏa ước lao động tập thể sau khi ký kết chưa tuyên truyền rộng rãi cho người lao động biết. Để tiếp tục tạo chuyển biến trong thực hiện QCDC ở cơ sở, huyện Nam Trực đề nghị Trung ương, tỉnh hằng năm tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và ban chỉ đạo QCDC ở cơ sở. Có văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung về thành lập kiện toàn ban chỉ đạo, nhất là khối cơ quan, doanh nghiệp. Ban hành quy định về cơ chế, chính sách, kinh phí hoạt động cho các ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp.

Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã ghi nhận những kết quả huyện Nam Trực đạt được trong thực hiện QCDC ở cơ sở. Đồng thời đề nghị huyện cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức; nâng cao vai trò hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng; tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở về nội dung thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác QCDC ở cơ sở. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật trong giải quyết các thủ tục hành chính phục vụ nhân dân; trước mắt tập trung hoàn thiện, chỉnh lý việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi nhân dân hiến đất bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM trên địa bàn.

Trước buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Trực, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh đã kiểm tra công tác thực hiện QCDC tại xã Nam Thanh./.

Tin, ảnh: Trần Văn Trọng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com