Ngày 7-9-2018, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo: Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) và Luật Đặc xá (sửa đổi). Đồng chí Trương Anh Tuấn, TUV, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
Dự thảo Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) có 7 chương, 48 điều; trong đó bổ sung 4 điều; sửa đổi, bổ sung 31 điều, bỏ 1 điều của Luật Công an Nhân dân năm 2014. Tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Công an Nhân dân (sửa đổi), các đại biểu nhất trí với nội dung, hình thức, bố cục của dự thảo Luật mà Ban soạn thảo đã xây dựng và nêu một số ý kiến đóng góp vào một số điều, khoản cụ thể như: Điều 25, điểm d, khoản 1 đề nghị bổ sung Giám đốc công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng vì phải chịu trách nhiệm trên nhiều lĩnh vực an ninh trật tự ở địa phương, quân số đông, tình hình an ninh trật tự ngày càng phức tạp. Quy định tại khoản 4 Điều này về cấp hàm cao nhất đối với trưởng phòng hoặc tương đương ở các đơn vị cơ quan bộ hoặc trưởng phòng tham mưu, nghiệp vụ, trưởng công an quận hơn một bậc so với các phòng tham mưu, nghiệp vụ Công an các tỉnh là chưa hợp lý vì trưởng phòng hoặc tương đương ở các đơn vị cơ quan bộ hoặc trưởng phòng tham mưu, nghiệp vụ, trưởng công an quận có cùng chức năng nghiệp vụ, chỉ khác biệt không lớn về quy mô so với các phòng tham mưu, nghiệp vụ Công an các tỉnh, nếu quy định như vậy sẽ không đảm bảo tính đồng cấp trong mối quan hệ hiệp đồng. Chương 4 cần quy định thêm một số điều đối với các sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân mà không giữ chức vụ thì cấp bậc hàm cao nhất họ đạt được là cấp nào. Quy định cụ thể hơn đối với các trường hợp đặc biệt có thể kéo dài tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan giữ chức vụ, chức danh trong Công an nhân dân...
Đối với dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) có 6 chương, 40 điều, trong đó bổ sung 4 điều, sửa đổi 15 điều so với Luật Đặc xá năm 2007. Các đại biểu tập trung thảo luận cho ý kiến liên quan đến thời điểm đặc xá; các điều kiện được đề nghị đặc xá; thực hiện quy định đặc xá đối với người nước ngoài... Cụ thể, tại Điều 5, nên quy định chỉ đặc xá vào những năm chẵn nhân các sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước để giảm bớt số lượng phạm nhân được đặc xá, bởi trong 10 năm thực hiện Luật Đặc xá đã có 7 lần đặc xá với số người được đặc xá là hơn 85 nghìn người. Điều 22 quy định người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt, nên cân nhắc việc áp dụng đối với các đối tượng: người được hưởng án treo, người đang được tha tù trước thời hạn có điều kiện để đảm bảo tính thống nhất với các Điều 2, Điều 3, khoản 1 của dự thảo Luật...
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng cần thay đổi, thêm và bỏ một số câu, từ trong các điều, khoản của 2 dự thảo Luật; sửa đổi các câu, từ không còn phù hợp; thêm các điều khoản được cho là cần thiết để hoàn thiện Luật Công an Nhân dân và Luật Đặc xá.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị trong việc nghiên cứu và tham gia ý kiến đóng góp, bổ sung vào hai dự thảo Luật. Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh sẽ tổng hợp ý kiến trên cơ sở đóng góp của các đại biểu để gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan xem xét, chỉnh lý nhằm hoàn thiện Luật Công an Nhân dân, Luật Đặc xá đảm bảo sát thực tiễn và tính pháp lý./.
Trần Văn Trọng