Chiều 6-9-2018, Đoàn công tác của Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm do Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, Phó Tổng Tư lệnh Cảnh sát biển, Trưởng BCĐ phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm Cảnh sát biển làm Trưởng đoàn về làm việc tại tỉnh ta. Tiếp và làm việc với Đoàn, có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm tỉnh và các thành viên BCĐ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3.212 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trú tại 223/229 xã, phường, thị trấn; trong đó 98,9% người nghiện là nam giới. Loại ma túy sử dụng chủ yếu là hê-rô-in (chiếm 91,8%). Toàn tỉnh có 1.224 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, trong đó có 210 cơ sở có dấu hiệu hoạt động mại dâm, với 102 lao động nữ làm trong các cơ sở này. Về tình hình dịch HIV/AIDS, đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 5.593 người nhiễm HIV, 3.289 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.435 người đã tử vong, hiện còn 4.158 người nhiễm HIV sống tại 224/229 xã, phường, thị trấn. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh đã xây dựng, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy có nhiều kết quả khích lệ. Công tác cai nghiện ma túy được đổi mới; bước đầu huy động sự tham gia của xã hội trong việc xây dựng và tổ chức hoạt động cai nghiện ma túy; trong đó đã xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả 1 điểm tư vấn, điều trị cai nghiện tại cộng đồng, 1 điểm cấp, phát thuốc Methadone tại cộng đồng. Tỷ lệ người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được cai nghiện bằng các hình thức tăng từ 69% (1.804/2.598 người) năm 2014 lên 81,8% (2.555/3.212 người) năm 2017. Trong đó, điều trị nghiện ma túy bằng Methadone cho 1.930 người, đạt 102% chỉ tiêu được giao. Công tác phòng chống tệ nạn mại dâm được tập trung chỉ đạo, triển khai hiệu quả các mô hình can thiệp làm giảm tác hại của tệ nạn mại dâm, đồng thời tăng cường công tác phòng ngừa, thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, xử lý các trường hợp vi phạm. Công tác phòng chống HIV/AIDS được tập trung chỉ đạo, tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông với nhiều hình thức, nội dung phong phú tới các đối tượng, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS. Triển khai chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV cho những đối tượng có nguy cơ cao, chương trình tư vấn xét nghiệm, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ, xây dựng, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm; từng bước làm giảm sự gia tăng, đẩy lùi tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và giảm thiểu các tác hại của HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí đề nghị Chính phủ kiến nghị với Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật Phòng chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Chính phủ và các bộ kịp thời có văn bản hướng dẫn thi hành. Chính phủ, Ủy ban quốc gia phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, các bộ, ngành liên quan quan tâm cấp kinh phí hỗ trợ, tạo điều kiện cho địa phương có nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia.
Thay mặt Đoàn công tác, Thiếu tướng Bùi Trung Dũng ghi nhận tỉnh Nam Định là một trong những địa phương triển khai toàn diện, đồng bộ công tác phòng chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS. Về các đề xuất, kiến nghị và những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục trong thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, Đoàn sẽ tiếp thu, tổng hợp và nghiên cứu để cùng với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ xem xét sửa đổi cho phù hợp./.
Minh Tân