Vào 9 giờ ngày 16-8-2018, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Công điện số 07/CĐ-UBND gửi các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố Nam Định; Chủ tịch Cty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà; các Cty TNHH một thành viên KTCTTL. Nội dung Công điện như sau:
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm ngày 16-8, bão số 4 đã vượt qua bán đảo Lôi Châu và đi vào phía Đông vịnh Bắc Bộ. Hồi 8 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, cách Móng Cái 180km, cách Nam Định 230km, cách Vinh 370km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng l0km, từ nửa đêm nay đến trưa ngày 17-8, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hường trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Đến 7 giờ ngày 17-8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng l00km tính từ tâm bão.
Vị trí và hướng di chuyển của cơn bão số 4. Ảnh: nchmf |
Đài Khí tượng Thủy văn Nam Định nhận định: Do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4, tỉnh Nam Định từ ngày 16-8 đến 18-8 có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông, từ chiều và đêm 16-8 trên đất liền có gió bão mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 8; các huyện vùng ven biển (Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; vùng biển tỉnh Nam Định có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 4-6m, biển động rất mạnh. Nước biển dâng trên nền thủy triều từ 0,5-0,7m. Lượng mưa phổ biến cả đợt: 200-300mm. Đề phòng ngập úng đô thị, vùng trũng thấp.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, các sở, ngành, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL thực hiện nghiêm túc Công điện số 38/CĐ-TW hồi 18 giờ 30 ngày 15-8-2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các chỉ đạo của Trung ương; Công điện số 06/CĐ-UBND hồi 11 giờ ngày 15-8-2018 của UBND tỉnh và triển khai khẩn cấp các nội dung sau:
1. Hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật cần thiết để tập trung chỉ đạo triển khai ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ“ đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra.
2. UBND các huyện, thành phố rà soát và chủ động triển khai các phương án phòng chống bão đã xây dựng. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân bằng nhiều biện pháp nhất là thông qua hệ thống đài phát thanh, truyền thanh của huyện, xã, phường, thị trấn để nhân dân tự chủ động các biện pháp phòng tránh. Chỉ đạo, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, tháo dỡ biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây. Có phương án chủ động di dời người dân trước khi bão đổ bộ trực tiếp, nhất là người già, trẻ em, phụ nữ, người nghèo, các gia đình chính sách. Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng, bến cảng, khu công nghiệp ven biển, các dự án lớn đang thi công, kho tàng bến bãi; hệ thống truyền tải điện...
3. Ngành NN và PTNT chủ động điều chuyển vật tư phòng chống lụt bão tới các khu vực xung yếu, trọng điểm, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.
4. Sau khi hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền và ngư dân vào bờ tránh trú bão, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức quản lý chặt chẽ người, phương tiện đảm bảo tuyệt đối an toàn.
5. Các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ tổ chức tốt việc phòng chống bão. Các sở, ngành, các huyện, thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
6. Đài PT-TH tỉnh, Báo Nam Định; đài phát thanh các địa phương tăng cường thời lượng đưa tin, phát sóng, thông báo diễn biến của bão và chỉ đạo của các cơ quan chức năng để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng, tránh không chủ quan.
7. Các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phụ trách các địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao xuống địa bàn, phối hợp với các địa phương triển khai phòng, chống bão.
8. Đề nghị các đồng chí ủy viên Ban TVTU phụ trách các huyện, thành phố, các ngành tập trung chỉ đạo phòng, chống và ứng phó bão số 4.
9. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nam Định (qua số điện thoại 0228.3649217, fax: 02283.646.779 và email: qldnd2012@gmail.com).
* Chủ động các biện pháp phòng bão số 4 và mưa lũ Cty KTCTTL Bắc Nam Hà đang vận hành 20 máy để tiêu nước đệm. Trong ngày 16-8 các cống vùng triều tận dụng lúc chân triều thấp để mở cống tiêu nước. Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đến 6 giờ sáng 16-8 có 2.096 tàu, thuyền với 5.667 ngư dân trong tổng số 2.124 tàu, thuyền và 5.726 ngư dân đã vào neo đậu tại các khu tránh, trú an toàn. Đã kêu gọi được 675 lao động trên tổng 1.317 lao động ở các lều, chòi canh thủy sản vào tránh trú bão. Hiện BĐBP tiếp tục vận động, kiên quyết đưa hết số người và phương tiện còn lại trên các lều chòi vào bờ trước 13 giờ ngày 16-8. Cùng với đó, các địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, nhất là với các trọng điểm phòng, chống lụt bão, các công trình đang thi công, các vị trí đê, kè bị ảnh hưởng của các đợt mưa, lũ trước nhưng chưa khắc phục xong; chuẩn bị sẵn sàng vật tư dự trữ, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Hiện, 43.322m3 đá hộc; 1.282 chiếc rọ thép; 439.813 chiếc bao nilon; 50.830m2 vải lọc, 205.638m2 vải chống tràn được chuẩn bị tại nơi tập kết. Ngành GTVT chuẩn bị 20 xe ô tô; 2 sà lan tự hành, 1 máy xúc ứng cứu PCLB. Bộ CHQS tỉnh chuẩn bị 11 xe ô tô, 1 tàu, 15 xuồng các loại. BĐBP tỉnh chuẩn bị 15 xe ô tô, 3 tàu, 12 ca nô, xuồng máy. Về phương án sơ tán người dân trong trường hợp bão cấp 10 đổ bộ trực tiếp, toàn tỉnh cần phải sơ tán người ở 12.074 nhà, trong đó 11.373 nhà yếu, 701 nhà tạm với số dân 41.508 người. Trong trường hợp bão cấp 11-12 đổ bộ trực tiếp, cần phải sơ tán người ở 24.834 nhà, trong đó 23.908 nhà yếu, 926 nhà tạm với số dân 78.759 người…
Hiện tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến bão; tổ chức trực bão nghiêm túc theo quy định. Thông tin thường xuyên bằng nhiều hình thức tới chủ tàu, thuyền, người canh, coi, nuôi trồng thủy hải sản, nhân dân các xã, thị trấn, nhất là các xã ven biển. Đảm bảo thông tin thông suốt giữa Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, giữa các thành viên, các địa phương, cập nhật thông tin, báo cáo theo quy định. Kiểm tra, đôn đốc cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa... hạ thấp biển quảng cáo. Đảm bảo cấp đủ điện phục vụ sản xuất, tiêu úng. Phát hiện, xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố đê kè, công trình thủy lợi theo phương châm “4 tại chỗ”./.
PV