Chiều ngày 17-7-2018, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp triển khai công tác phòng chống, ứng phó với bão số 3 (Sơn Tinh) và mưa lũ. Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy (BCH) phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp còn có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Thường trực BCH PCTT-TKCN tỉnh; các thành viên trong BCH PCTT-TKCN tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phồ; lãnh đạo các Cty KTCTTL trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới phía ngoài sau khi vào Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 3. Hồi 13 giờ ngày 17-7-2018, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 115,9 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 550km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển rất nhanh theo hướng Tây, Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35km, khoảng sáng ngày 18-7, bão sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ. Dự báo khoảng chiều và tối 18-7, vùng tâm bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão, từ trưa 18-7, trên đất liền các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Từ trưa 18-7, ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to trở lại. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão là cấp 3.
Thực hiện chỉ đạo của BCH PCTT-TKCN tỉnh về công tác phòng chống, ứng phó với bão số 3 và mưa lũ, hiện nay, trên tất cả các hệ thống thủy nông của tỉnh đã và đang triển khai tiêu rút nước đệm để chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài, bão số 3 và lũ trên các sông do xả các hồ thủy điện. Hệ thống các trạm bơm điện lớn (Cty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà) đang hoạt động bơm tiêu 50 máy; các máy bơm của hệ thống các Cty KTCTTL trong tỉnh 148 máy; các địa phương vận hành hệ thống máy bơm dã chiến 119 máy. Vật tư dự trữ PCLB là đá hộc 43.322m3; rọ thép 1.282 chiếc; bao nilon 440.613 chiếc; vải lọc 50.830m2, vải chống tràn 205.638m2. Phương tiện vận tải chuẩn bị ứng cứu PCLB ngành Giao thông là 20 xe ô tô; 2 sà lan tự hành, 1 máy xúc; Bộ CHQS tỉnh chuẩn bị 11 xe ô tô, 1 tàu, 15 xuồng các loại. BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chuẩn bị 15 xe ô tô, 3 tàu, 12 ca nô, xuồng máy. Các địa phương đã xây dựng phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ trực tiếp trong các trường hợp bão cấp 10, cấp 11-12, trên cấp 12 và trong trường hợp các triền sông có lũ trên báo động 3.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng; báo cáo kịp thời công tác phòng chống, ứng phó với bão số 3 về BCH PCTT-TKCN tỉnh. Hoãn các cuộc họp không cần thiết, tập trung vào công tác chống bão. Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành viên trong BCH PCTT-TKCN được phân công phụ trách các địa bàn ngay trong ngày 18-7 xuống địa bàn, thường xuyên thông tin về tình hình phòng chống, ứng phó bão số 3 và mưa lũ ở các địa phương. Giao Bộ đội Biên phòng tỉnh và các huyện ven biển quản lý chặt chẽ, kiểm đếm tàu khai thác hải sản; gia cố lồng, bè, ao, đầm nuôi thủy sản. Không để người dân ở lại tàu thuyền, chòi canh nuôi thủy sản. Thực hiện lệnh cấm biển từ 6 giờ ngày 18-7. Triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt là các công trình đang thi công, các sự cố xảy ra năm 2017. Rà soát, kiểm tra các phương án tiêu thoát nước ở đô thị, chặt tỉa cành cây, kiểm soát nhà nguy hiểm. Tổ chức lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng trong mọi tình huống. Các Cty KTCTTL phía bắc tỉnh tăng cường hết công suất bơm nước, các Cty KTCTTL phía nam tận dụng chân triều tiêu úng cứu lúa. Các địa phương chủ động lúa giống để thay thế cho những diện tích bị thiệt hại. Đài PT-TH tỉnh tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến của bão số 3, tình hình mưa, lũ và công tác phòng chống trên địa bàn tỉnh. Các xã, thị trấn ven biển phát thanh thường xuyên trên đài truyền thanh xã để người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa, bão, lũ gây ra./.
Tin, ảnh: Ngọc Ánh