Tập trung chỉ đạo gieo cấy lúa xuân và phòng, chống bệnh lùn sọc đen

08:02, 05/02/2018

Ngày 2-2-2018, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống bệnh lùn sọc đen (LSĐ) hại lúa tỉnh họp về tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 4-12-2017 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh LSĐ hại lúa xuân 2018. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì cuộc họp.

Thực hiện Kế hoạch 114/UBND, trong thời gian qua, Sở NN và PTNT tích cực tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh LSĐ bằng nhiều hình thức. Tổ chức hội thảo và mời chuyên gia tập huấn cho các thành viên BCĐ tỉnh, cán bộ chuyên môn của Sở, cán bộ chủ chốt của các huyện. Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tập huấn cho cán bộ các xã, thị trấn của 5 huyện: Giao Thủy, Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh và Ý Yên; Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện, thành phố đã tổ chức 77 lớp tập huấn ở các xã cho 7.625 lượt nông dân về cách nhận biết và phòng, chống  bệnh LSĐ hại lúa. Qua thu thập mẫu giám định vi-rút gây bệnh cho thấy nguồn bệnh LSĐ tồn tại ở cây ký chủ trên đồng ruộng rất cao. Tuy mật độ rầy qua đông thấp nhưng tỷ lệ mẫu rầy mang vi-rút gây bệnh LSĐ khá cao và xuất hiện ở cả các huyện nhiễm nhẹ bệnh này trong vụ mùa 2017. Vì vậy có nguy cơ cao tiếp tục bùng phát dịch bệnh LSĐ trong các vụ lúa năm 2018 trên toàn tỉnh.

Trước nguy cơ trên, ngày 30-1-2018 UBND tỉnh có Công văn số 81 chỉ đạo Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan tập trung cao chỉ đạo, tổ chức tốt sản xuất vụ xuân 2018. Xuống giống, gieo mạ xuân muộn theo đúng lịch của tỉnh, hoàn thành gieo mạ trước ngày 4-2, gieo sạ từ ngày 9 đến 14-2. Theo dõi sát diễn biến của thời tiết để có biện pháp chỉ đạo linh hoạt, kịp thời. Không gieo mạ trong những ngày nhiệt độ dưới 100C, không gieo sạ trong những ngày có nhiệt độ dưới 150C. Tăng cường các biện pháp chống rét, bảo vệ mạ, che phủ nilon đúng cách cho 100% diện tích mạ đã gieo. Bằng mọi biện pháp tranh thủ khai thác tối đa nguồn nước đảm bảo chất lượng cho 100% diện tích gieo cấy. Tôn cao, tu bổ bờ vùng, bờ thửa để giữ nước, không để rò rỉ lãng phí. Những nơi có điều kiện cần tranh thủ thay, tháo nước để thau chua, rửa mặn. Huy động cao mọi lực lượng, phương tiện làm đất ngay sau khi lấy nước, phấn đấu hoàn thành làm đất trước Tết Nguyên đán. Chú ý làm đất kỹ, san ruộng phẳng và vệ sinh đồng ruộng để hạn chế các nguồn sâu bệnh, đặc biệt là nguồn bệnh LSĐ. Giữ nước thường xuyên cho những diện tích đã làm đất. Tổ chức diệt chuột đồng loạt bằng nhiều hình thức, kết hợp nhiều biện pháp trong các đợt lấy nước. Tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh LSĐ theo Kế hoạch 114: Tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cách nhận biết và phòng, chống bệnh LSĐ hại lúa; điều tra, thu thập mẫu rầy, lúa giám định vi-rút làm cơ sở chỉ đạo trừ rầy lưng trắng lứa 1 nở rộ; tăng cường điều tra định kỳ và bổ sung phát hiện những diện tích lúa mùa, mạ bị nhiễm bệnh LSĐ để có biện pháp phòng, chống kịp thời; tổ chức phun trừ rầy lưng trắng tập trung, triệt để cho mạ xuân trước khi đem cấy 2-3 ngày và trừ rầy cho lúa sạ ở thời điểm khi cây lúa được 3 lá. Tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường vật tư nông nghiệp ở các huyện, thành phố; hướng dẫn nông dân sử dụng theo đúng hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể phối hợp với Sở NN và PTNT tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt việc gieo cấy, thâm canh lúa, chủ động phòng, chống bệnh LSĐ.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận các địa phương đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh về công tác sản xuất vụ xuân và phòng, chống bệnh LSĐ hại lúa. Qua kiểm tra ở các địa phương trong thời gian qua cho thấy hiệu ứng tích cực từ chương trình xây dựng nông thôn mới nên kênh mương, đồng ruộng sạch sẽ, ngăn  nắp, đáp ứng được yêu cầu lấy nước phục vụ sản xuất. Các địa phương cần tuyên truyền, vận động nông dân phát huy kết quả này, duy trì việc giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, không xả rác bừa bãi ra lòng kênh. Mặc dù đã có chỉ đạo cụ thể về cơ cấu giống song do có thị trường tốt, chất lượng cơm ngon nên trên thực tế tỷ lệ cấy giống lúa BT7 cao, đây là giống mẫn cảm, sức chống chịu sâu bệnh kém; trong khi đó nguồn tích lũy rầy lưng trắng đầu vụ cao (tỷ lệ mẫu rầy mang vi-rút bệnh LSĐ khá cao, tới 9,1%), nếu gặp thời tiết thuận lợi, dịch bệnh LSĐ sẽ bùng phát trên địa bàn tỉnh. Do vậy, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên BCĐ phòng, chống bệnh LSĐ, Sở NN và PTNT cùng các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tập trung tuyên truyền công tác chuẩn bị sản xuất, chú ý phổ biến biện pháp chăm sóc, gieo cấy lúa trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại. Phổ biến cho người dân chú ý mua thuốc BVTV ở các địa chỉ tin cậy; kỹ thuật phòng, chống  bệnh lùn sọc đen, chú ý giai đoạn đầu vụ phải ngăn chặn nguồn bệnh đổ bộ vào đồng ruộng qua mạ bằng cách che phủ nilon đúng quy trình kỹ thuật của ngành Nông nghiệp. Đảm bảo 100% diện tích mạ trước khi gieo cấy phải được phun thuốc trừ rầy. Ngành Nông nghiệp chú ý có hướng dẫn cụ thể các loại thuốc trừ rầy nội hấp có hiệu lực dài ngày. Sở NN và PTNT phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương và các địa phương tăng cường quản lý thị trường và chất lượng vật tư nông nghiệp. Giám sát kỹ biến động quần thể rầy ở những diện tích áp dụng biện pháp phòng, chống bệnh lùn sọc đen bằng phương pháp xử lý thuốc trước khi ủ giống mà huyện Hải Hậu áp dụng để so sánh với các nơi khác, từ đó rút kinh nghiệm trong những vụ tiếp theo./.

Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com