Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 10

07:09, 18/09/2017

Mặc dù không đổ bộ trực tiếp nhưng bão số 10 đã ảnh hưởng và gây thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp, thủy sản và hệ thống đê, kè, cống của tỉnh ta.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, bão số 10 đã làm 11 ngôi nhà ở huyện Hải Hậu bị sập đổ hoàn toàn; hàng trăm ngôi nhà khác bị thiệt hại một phần. Toàn tỉnh có 5.140ha lúa và 990ha hoa màu, 5ha rừng ngập mặn bị thiệt hại trên 70%; Huyện Hải Hậu có 5 trang trại chăn nuôi và 20 lán trại chăn nuôi bị ngập, sập, tốc mái và bị đổ... Đặc biệt ở khu vực bãi tắm Thịnh Long (Hải Hậu) và Quất Lâm (Giao Thủy) đã ngập sâu từ 1-1,5m; cao trình trên mực nước biển từ 3,5 đến 4m chưa kể sóng leo đã làm thiệt hại nhiều tuyến đê sông, đê biển. Cụ thể, đối với đê sông đã có 9 bối bị tràn và vỡ gồm: Đê bối Nam Quần Liêu (Nghĩa Hưng) bị tràn 230m; bối Hồng Thuận (Giao Thủy) 2 đoạn bị vỡ dài 17m, khu vực bãi bồi ngoài đê sông Hồng nước bị ngập tràn bờ vùng NTTS, ngập nhà 10 hộ dân khu vực ngoài đê thuộc xã Hồng Thuận. Tại huyện Xuân Trường, các bối Tiến Dũng, Hành Thiện, Hạc Thiện, Hạc Châu bị tràn cục bộ, bối Xuân Thành bị tràn toàn tuyến. Tại huyện Trực Ninh bối Phương Định bị tràn 400m. Tại huyện Nam Trực đoạn ngoài bãi đê bối xí nghiệp gạch đê tả sông Đào đoạn từ K12+200 đến K13+300 dài 1.100m bị sạt lở bãi, có chỗ sát chân đê bối sạt đến 2m. Huyện Giao Thủy đoạn đê Giao Thiện từ K3,25 đến K4,05 dài 800m bị sạt mái đê phía biển sát mặt đê, chiều sâu 1,5-2m; đê Giao Hương (K2+100 đến K2+200) dài 100m bị sạt, chiều rộng 2-3m, sâu 0,7-1m. Tại huyện Trực Ninh, kè Phượng Tường sạt 187m có chỗ đến đỉnh kè; kè Trực Thanh sạt bãi đầu kè 200m từ K16+070 đến K16+270 và bãi cuối kè sạt 150m từ K16+420 đến K16+600 sạt sâu vào bãi khoảng 0,5m có chỗ sát chân đê. Nhiều tuyến đê biển bị sóng đánh tràn qua mặt gây sạt lở mái đê phía đồng. Cụ thể, tại huyện Giao Thủy đê Ang Giao Phong (K23+600) sạt mái phía biển dài 170m, đoạn từ cống Thanh Niên đến cống số 8 xã Giao Long 200m cục bê tông làm gờ chắn bánh xe mặt đê bị đánh bật; cống Thanh Niên mái kè phía biển hai bên mang cống bị đánh bung đá lát khan, bong vải lọc diện tích khoảng 144m2. Tại huyện Hải Hậu, đê kè Đinh Mùi xã Hải Triều bị sạt 15m2 mái kè tại K15+750; kè mang cống Hạ Trại, xã Hải Triều sập 16m2. Đê biển Cồn Tròn dài 1.600m trong đó 600m bị sạt lở mái phía đồng nhiều vị trí chiều cao hố sạt từ 3-4m, ăn sâu vào mặt đê từ 0,5-1m; 5 mỏ kè Hải Thịnh II, các cấu kiện gia cố ở mỏ bị bong xô, gốc mỏ kè số 1 bị sạt sập; mái kè tại K21+775 sạt sập 240m2 sâu 1,5m, mái phía đồng bị xói lở từ K21,7 đến K21,88 chiều dài 180m, sâu từ 0,2-0,7m. Đoạn đê kè biển Hải Thịnh III dài 2.120m, mái phía đồng gia cố bằng khung đá xây, trong đắp đất, trồng cỏ bị sóng đánh tràn qua mặt đê gây xói lở mái đê làm hư hỏng nặng 1.700m, chiều cao hố sạt từ 3-5m, ăn sâu vào mặt đê từ 0,5-1m, đất trong khung ô đá xây bị xói, đoạn còn lại bị hư hỏng nhẹ. Ngoài ra, bãi tắm Quất Lâm toàn bộ khu du lịch bị ngập, gây thiệt hại lớn về tài sản, đường trục 2 bị hư hại khoảng 45m, cống tiêu bị sập, đường bê tông mép biển bị sập dài 38m. Bãi tắm Thịnh Long bị ngập sâu 1-1,5m; kè, tường chắn sóng, đường bê tông bãi tắm dài 250m đoạn cuối tuyến; 50m cống hộp bê tông cốt thép, 40m rãnh thoát nước, 140m mái kè, vỉa hè tuyến đường du lịch bị hư hỏng hoàn toàn; 60m2 mặt đường nhựa bị sạt sập.

Xử lý kịp thời đê biển Cồn Tròn, xã Hải Lý (Hải Hậu) bị sạt lở do bão số 10. Ảnh: Ngọc Ánh
Xử lý kịp thời đê biển Cồn Tròn, xã Hải Lý (Hải Hậu) bị sạt lở do bão số 10.
Ảnh:
Ngọc Ánh

Đối với lĩnh vực nuôi thủy sản, toàn tỉnh ước tính có 2.105ha nuôi thủy sản ngoài đê bị ngập hoàn toàn và vỡ bờ bao. Trong đó huyện Giao Thủy 1.775ha, huyện Hải Hậu 101ha, huyện Nghĩa Hưng 249ha bao gồm 105ha nuôi tôm thẻ chân trắng, 1.600ha nuôi tôm sú, 58ha nuôi và ương ngao giống và 342ha diện tích nuôi các đối tượng thủy sản khác. Ngoài ra, huyện Hải Hậu có 103 phương tiện mủng mảng (công suất dưới 20CV) neo đậu tại khu vực bãi ngang bị va đập gây hư hại. Huyện Giao Thủy có 5 mủng mảng của ngư dân Thị trấn Quất Lâm neo đậu tại bến bị sóng đánh chìm...

Theo thống kê của Cty Điện lực Nam Định, bão số 10 đã làm hỏng 372 thiết bị điện; tập trung tại các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Ý Yên. Các thiết bị điện bị hư hỏng nhiều phải thay thế ngay để bảo đảm cấp điện trở lại bao gồm: Công tơ điện, máy biến dòng điện, áp-tô-mát, cầu dao điện, hòm đựng công tơ điện, trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền, ngành Điện đã tiến hành cắt điện tại khu vực các xã, thị trấn ven biển để bảo đảm an toàn. Trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã xảy ra 22 lần sự cố gây mất điện cục bộ nhưng đều được xử lý đóng điện trở lại ngay nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Trước những thiệt hại do bão số 10 gây ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tập trung khắc phục hậu quả sau bão. Ngày sau bão, các địa phương đã cơ bản hoàn thành xử lý sự cố giờ đầu về đê sông, đê biển; các Cty TNHH một thành viên KTCTTL thực hiện tiêu thoát nước chống ngập úng cho lúa và hoa màu. UBND tỉnh giao Sở NN và PTNT thi công ngay những đoạn hư hỏng nguy hiểm phía ngoài đồng; đã giao khảo sát theo phương án vừa thiết kế, vừa thi công các hố sạt mái đê phía đồng tại Cồn Tròn, Hải Thịnh II, Hải Thịnh III; khảo sát cho xử lý các hư hại của bãi tắm Thịnh Long, Quất Lâm. Chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương từng bước khắc phục thiệt hại do bão số 10 gây ra./.

Nhóm PV thời sự

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com