Hội nghị trực tuyến về ứng phó với bão số 10

03:09, 14/09/2017

Ngày 14-9-2017, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 10. Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có các thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT, Ủy ban quốc gia TKCN. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
phát biểu tại hội nghị.

Bão số 10 (tên quốc tế là DOKSURI) đang di chuyển nhanh hướng về vùng biển và đất liền nước ta. Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến của bão phức tạp. Hồi 4 giờ ngày 14-9-2017, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 13. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và tiếp tục mạnh lên. Đến 4 giờ ngày 15-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 15. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15. Biển động dữ dội. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 16 giờ ngày 15-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 106,6 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15. Hội nghị đã nghe báo cáo nhanh về công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT; Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Từ trưa và chiều ngày 15-9, tại khu vực ven biển tỉnh Nam Định dự báo có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Vụ mùa năm 2017, tổng diện tích gieo cấy lúa của toàn tỉnh là 76.660ha, hiện diện tích lúa đã trỗ 35.100ha, đạt tỷ lệ 46%; tổng diện tích rau màu hè thu 8.042ha, đã thu hoạch được 3.860ha, đạt 48%. Diện tích nuôi thủy sản 15.685ha; trong đó nước mặn lợ 5.985ha, nước ngọt 9.700ha; 140 lồng bè tập trung tại các huyện Xuân Trường, Ý Yên, Mỹ Lộc. Tổng số tàu thuyền của tỉnh 2.057 tàu/5.588 người; trong đó tàu đánh bắt xa bờ 634 tàu/2.652 lao động, đánh bắt gần bờ 1.423 tàu/2.936 lao động. Đến 16 giờ ngày 13-9-2017, đã có 886 tàu/2.136 lao động neo đậu tại cảng cá, bến cá trong tỉnh. Số phương tiện đang đánh bắt, hoạt động, neo đậu ngoại tỉnh từ vùng biển Thanh Hóa đến Quảng Ninh có 578 tàu/1.740 ngư dân; số phương tiện này đã nhận được thông báo về cơn bão số 10, liên lạc được với Đồn Biên phòng và gia đình. Khu vực ven biển có 916 lều, chòi với 1.125 ngư dân, các đơn vị đã thông báo để nhân dân nắm và theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, sẵn sàng vào tránh trú khi có hiệu lệnh. Thực hiện Công điện số 62/CĐ-TW hồi 19 giờ 30 phút ngày 12-9-2017 của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND hồi 8 giờ ngày 13-9-2017 và hồi 10 giờ ngày 14-9 đã có Công điện số 04/CĐ-UBND chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai công tác phòng chống bão số 10, tập trung vào một số công việc trọng tâm: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra, hướng dẫn ngư dân vào nơi tránh trú an toàn. Chủ động phương án di dời dân, sơ tán người canh coi tại các chòi canh các vùng nguy hiểm, khu vực cửa sông, ven biển vào khu vực an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng bơm tiêu chống úng, tiêu nước đô thị để ứng phó với tình trạng ngập úng xảy ra. Kiểm tra chặt chẽ hệ thống đê điều, nhất là hệ thống đê bối; các cảng, kho tàng ven biển để có biện pháp bảo đảm an toàn; phát hiện và xử lý ngay những sự cố hư hỏng trên tuyến đê sông, đê biển. Chỉ đạo các Ban quản lý dự án và nhà thầu đang thi công chủ động phương án đảm bảo an toàn người, vật tư, thiết bị, tài sản, an toàn công trình theo phương châm “4 tại chỗ”. Các huyện, thành phố rà soát chặt chẽ phương án phòng chống bão tại các địa phương, nhất là các xã ven biển để kịp thời ứng phó; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Đài PT-TH tỉnh, Báo Nam Định tăng cường thời lượng đưa tin, thông báo diễn biến của bão và chỉ đạo của các cơ quan chức năng để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh, không chủ quan.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị trong công tác ứng phó với bão số 10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ủy ban quốc gia TKCN, các bộ, ngành và các địa phương. Phó Thủ tướng lưu ý đây là cơn bão rất mạnh đổ bộ vào thời điểm triều cường dâng cao nên có khả năng gây nguy hiểm cho các tuyến đê biển nếu không có các biện pháp ứng phó. Các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 1369/CĐ-TTg ngày 13-9-2017 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển: kiểm đếm, thông tin, kêu gọi cho các tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn; chủ động có phương án đảm bảo an toàn cho các hoạt động thăm dò của Việt Nam và các liên doanh trên biển; đảm bảo an toàn về người và trang, thiết bị, cơ sở vật chất của LLVT trên biển, đảo. Kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven bờ, ven biển, thực hiện cấm biển ngay từ ngày 14-9; đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ở nơi tránh trú. Tập trung thu hoạch lúa, hoa màu đã chín ở các vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão; chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất; tiêu úng đô thị tránh tình trạng ngập úng. Hướng dẫn cho người dân đảm bảo an toàn sản xuất, đặc biệt là những lồng bè nuôi thủy sản trên sông, trên biển. Tập trung sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Có các biện pháp gia cố các công trình xây dựng như nhà ở, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, các công trình tháp cao. Có biện pháp bảo vệ gia cố các tuyến đê sông, đê biển. Đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, thông suốt giao thông tại các địa phương. Chủ động ứng phó với sự cố do bão gây ra; bố trí sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Đảm bảo an ninh trật tự tại các vùng bị thiên tai. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.

Tại tỉnh ta, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và các địa phương thực hiện tốt công tác chỉ đạo, trực bão, tuyên truyền để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, đặc biệt 3 huyện ven biển là Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu. Căn cứ tình hình diễn biến bão, ngày 15-9 lãnh đạo tỉnh sẽ trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo triển khai chống bão. Thành phố Nam Định lưu ý chặt tỉa cây xanh, di dân ở những nhà nguy hiểm. Đài PT-TH tỉnh, các huyện, thành phố qua hệ thống phát thanh dành thời lượng thông báo thường xuyên diễn biến của bão. BĐBP tỉnh kết hợp với 3 huyện ven biển kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, thực hiện lệnh cấm biển từ 14 giờ ngày 14-9; di dời, sơ tán người canh coi tại chòi canh đầm bãi, các vùng nguy hiểm vào nơi an toàn. Các Cty KTCTTL chủ động tiêu nước đệm phòng chống úng bảo vệ sản xuất./.

Tin, ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com