Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tiếp xúc cử tri tại các địa phương

07:09, 20/09/2017

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ngày 19-9-2017, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của tỉnh đã đi tiếp xúc cử tri tại các địa phương trong tỉnh.

Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh; Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Đặng Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT Giao Thủy đã đi tiếp xúc cử tri phường Hạ Long (TP Nam Định) và các xã Yên Thọ, Yên Thành (Ý Yên). Dự buổi tiếp xúc cử tri phường Hạ Long có đồng chí Nguyễn Văn Va, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy Nam Định. Các đồng chí: Đào Việt Trung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Trương Anh Tuấn, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH của tỉnh; Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri tại các xã Nam Hải (Nam Trực), xã Nghĩa Đồng và Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng). Các đồng chí: Đại tá Nguyễn Quang Ngọc, Phó Tư lệnh Quân khu 3; Phạm Quang Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP TASCO; Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội đã đi tiếp xúc cử tri các xã: Xuân Thượng, Xuân Ngọc, Xuân Hồng và Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).

Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh phát biểu tại buổi tiếp xúc với cử tri phường Hạ Long, Thành phố Nam Định.  Ảnh: Văn Trọng
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh phát biểu tại buổi tiếp xúc với cử tri phường Hạ Long, Thành phố Nam Định. Ảnh: Văn Trọng

Tại các điểm tiếp xúc cử tri, các ĐBQH đã báo cáo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV và trả lời tóm tắt của các bộ, ngành Trung ương đối với những kiến nghị của cử tri Nam Định tại các kỳ họp trước. Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 23-10-2017. Kỳ họp lần này sẽ xem xét và quyết định một số vấn đề chính như: Thông qua 6 dự án luật, cho ý kiến vào 12 dự án luật. Thảo luận các nội dung về  kinh tế - xã hội, giám sát các vấn đề quan trọng khác gồm: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2017; quyết định kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm (2018-2020), dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018; Quốc hội giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016”; các báo cáo của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Công tác thi hành án và phòng, chống tham nhũng năm 2017; báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp và các nội dung quan trọng khác. Tại các điểm tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới và nghe cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị về những vấn đề nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội. Đa số các ý kiến cử tri đánh giá cao hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh thời gian qua, trong đó đã phát huy tốt vai trò của người đại biểu dân cử, tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, chuyển tải đầy đủ tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của cử tri trong tỉnh tới Quốc hội, chính phủ, các bộ chức năng và tỉnh xem xét giải quyết.

Về kiến nghị, đề xuất, cử tri phường Hạ Long đề nghị với Trung ương, với tỉnh những vấn đề liên quan đến công tác quản lý hành chính, chế độ chính sách và lĩnh vực giáo dục đào tạo. Trong đó cử tri đề nghị tỉnh xem xét quyết định phân loại hành chính phường Hạ Long là phường loại I trực thuộc tỉnh, bởi hiện nay điều kiện của phường đã đủ tiêu chí là phường loại I. Hoặc chia tách thành lập phường mới bởi địa bàn phường rộng, dân số đông (trên 17 nghìn dân) và nhiều đầu mối quản lý, khối lượng công việc cho cán bộ công chức phường nhiều. Cử tri các khu dân cư Trường Chinh, Thanh Bình đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính để đảm bảo quyền và lợi ích cho nguời dân sinh sống trên địa bàn, tránh trường hợp người ở phường Hạ Long nhưng đất lại thuộc phường Lộc Hạ dẫn đến sự chồng chéo về sổ đỏ và sổ hộ khẩu, người dân không thể thực hiện các giao dịch dân sự. Sớm cấp kinh phí cho địa phương để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quan tâm điều chỉnh mức lương, nâng phụ cấp cho cán bộ, công chức cấp xã. Tạo điều kiện giải quyết chế độ chính sách cho những trường hợp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam nhưng bị thất lạc giấy tờ và có chính sách cho con, cháu những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam. Khắc phục tình trạng bất cập trong công tác tuyển sinh đại học đào tạo tràn lan, dẫn đến ra trường không có việc làm, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan ở các bậc học tiểu học, THCS trên địa bàn Thành phố Nam Định.

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri xã Yên Thọ, Yên Thành tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; môi trường; y tế. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ và tỉnh quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường liên doanh, liên kết, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh công tác hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cơ giới hóa nông nghiệp để giảm sức lao động và nâng cao thu nhập cho nhân dân, hạn chế tối đa tình trạng nhân dân bỏ ruộng do canh tác không hiệu quả như hiện nay. Tiếp tục giành nguồn kinh phí hỗ trợ các xã thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhất là đối với các xã xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 đều là những xã khó khăn. Có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng vi phạm đất đai tại địa bàn nông thôn. Hỗ trợ xây dựng công trình cấp nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt của 5 xã miền thượng huyện Ý Yên.

Phát biểu tại các cuộc tiếp xúc với cử tri tại Thành phố Nam Định và huyện Ý Yên, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2017. Tiếp thu, ghi nhận và làm rõ thêm những ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền. Những ý kiến còn lại, đồng chí đề nghị các đại biểu trong Đoàn tổng hợp đầy đủ, chuyển cơ quan chức năng xém xét, giải quyết. Đồng thời đề nghị các địa phương phát huy kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, chủ động khắc phục những hạn chế tồn tại, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tiếp tục rà soát từng mục tiêu và từng nội dung công việc để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra.

Tại xã Nam Hải (Nam Trực), các đại biểu cử tri đề nghị, Quốc hội, Chính phủ sau mỗi kỳ họp, đặc biệt là sau phần chất vấn cần có báo cáo về nội dung các đồng chí Bộ trưởng trả lời chất vấn và việc thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội trước cử tri cả nước. Trong công tác phòng, chống tham nhũng cần quyết liệt, xử lý nghiêm minh những cán bộ tha hóa về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Trong chương trình xây dựng NTM, đề nghị Nhà nước hỗ trợ các địa phương đầu tư kênh mương thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm hướng tới nền sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất công nghệ cao. Quan tâm đến đối tượng cán bộ xã nghỉ hưu từ những năm 2000 trở về trước vì mức trợ cấp quá thấp, không đủ chi phí cho cuộc sống. Cử tri cũng kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục có chính sách quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm nông sản cho nông dân; quản lý giá cả thị trường, đặc biệt là giá cả đầu vào trong sản xuất nông nghiệp; quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho nông dân, nông thôn. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, cử tri xã Nam Hải đề nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đối với các xã còn nhiều khó khăn, chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các trường học.

Cử tri xã Nghĩa Đồng và Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) kiến nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư các công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp; có các chính sách hỗ trợ các xã khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân vay vốn xây dựng mô hình trang trại quy mô lớn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Cần tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp; tiếp tục thực hiện Luật HTX 2012, tránh tình trạng “bình mới, rượu cũ”; có chính sách phù hợp hơn đối với việc phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác; có chính sách mở về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp… Tăng cường quản lý môi trường của các khu, CCN; kịp thời xử lý những hành vi vi phạm làm ô nhiễm nguồn nước, môi trường. Cử tri cũng đề nghị Nhà nước quan tâm nâng mức chế độ đối với cán bộ công chức cấp xã để đảm bảo nhu cầu cuộc sống, yên tâm công tác.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri các xã, thị trấn của huyện Xuân Trường đã kiến nghị với Đoàn ĐBQH của tỉnh một số vấn đề như: đề nghị các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ những người có công với cách mạng, cựu thanh niên xung phong bị mất giấy tờ cá nhân được hưởng chế độ giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống; quan tâm, hỗ trợ người dân tham gia BHYT; đề nghị lập quỹ phòng chống thiên tai cho các xã có đê vùng xung yếu hay bị thiệt hại mỗi khi có bão lũ xảy ra; yêu cầu tăng cường số lượng bác sĩ giỏi về cơ sở để khám, chữa bệnh cho người dân, giúp giảm áp lực các bệnh viện tuyến trên; tăng cường công tác giám sát đã được ban hành, có văn bản hướng dẫn để Luật sớm đi vào cuộc sống. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân để xảy ra tham nhũng, lãng phí, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo niềm tin trong cán bộ và nhân dân.

Kết thúc các buổi tiếp xúc cử tri, các ĐBQH đã cảm ơn và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với những đề xuất, kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH của tỉnh tiếp thu đầy đủ để tổng hợp báo cáo với Quốc hội, Chính phủ để tiếp tục nghiên cứu, xem xét giải quyết. Những kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý cấp tỉnh sẽ tiếp thu và chuyển các ngành chức năng của tỉnh xem xét giải quyết, giúp các địa phương khắc phục những khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội./.

Nhóm PV thời sự



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com