Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII)

07:06, 30/06/2017

Sáng 29-6-2017, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban Xây dựng Đảng của Trung ương, Đảng ủy các cơ quan trực thuộc Trung ương và đại biểu các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trên cả nước. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh.

Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh tham dự hội nghị.
Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phổ biến, quán triệt ba Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) gồm: Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết số 11 về hoàn thiện về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết số 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó, đồng chí đã chỉ rõ về sự cần thiết của việc ban hành ba Nghị quyết, những đặc thù cơ bản của từng Nghị quyết; một số giải pháp để thực hiện Nghị quyết, trong đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước; tiếp tục hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nội dung trọng tâm của các Nghị quyết này là những định hướng lớn, mang tính đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân. Vì vậy, những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn trong các Nghị quyết cần được quán triệt sâu sắc và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Thủ tướng nêu rõ, doanh nghiệp là chủ thể quan trọng tạo ra tăng trưởng và giải quyết việc làm. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước đóng góp 30% GDP. Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp 40% vào GDP và đóng vai trò chủ đạo trong tạo việc làm. Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp do Chính phủ phát động, năm 2016 đã có 110 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập. Riêng 6 tháng đầu năm nay, có thêm 61 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới. Số hộ kinh doanh cá thể ngày càng tăng và hiện có gần 5 triệu hộ. Cùng với việc quán triệt Nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị; đề cao trách nhiệm, gương mẫu thực hiện, nói đi đôi với làm, tránh nói nhiều làm ít hoặc chỉ nói mà không làm; chỉ đạo triển khai Nghị quyết một cách có hiệu quả, thiết thực. Về Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Thủ tướng nêu rõ: Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực giải phóng nguồn lực, tạo mọi thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nhất là trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, tập trung hoàn thiện pháp luật về đất đai, tạo thuận lợi hỗ trợ tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đổi mới công tác xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển, đầu tư công và phân bổ các nguồn lực. Đẩy mạnh cải cách tiền lương, tiền công, bảo đảm an sinh xã hội, khẩn trương rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế kinh tế để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu. Về việc tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng cho rằng, để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế thị trường, phát huy được vai trò then chốt trong nền kinh tế, việc tiếp tục đẩy mạnh, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết. Thủ tướng cũng chỉ rõ, để thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng, hành động phải quyết liệt. Cần tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước với chức năng sở hữu Nhà nước. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn góp của Nhà nước vào doanh nghiệp. Đồng thời tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, các tổng Cty, các doanh nghiệp, các dự án, các công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản. Kiên quyết xử lý các vi phạm, nhóm lợi ích, sân sau, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Triển khai nghiêm kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về xử lý những dự án điểm liên quan đến tập đoàn, tổng Cty Nhà nước. Đối với Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Tại Nghị quyết lần này, Trung ương xác định rõ kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững. Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên doanh, liên kết, giữa kinh tế tư nhân với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới sáng tạo phong trào khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết, hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác; khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu hội nghị cần quán triệt và chú trọng những điểm mới, cụ thể hóa về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những nội dung cốt lõi và nhiệm vụ giải pháp có tính đột phá cần triển khai thực hiện Nghị quyết, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; khắc phục những hạn chế, yếu kém để cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Ngay sau hội nghị, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng kế hoạch quán triệt triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng gắn với thực tiễn của ngành, cơ quan, đơn vị, làm cơ sở để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của từng cấp ủy, từng cơ quan. Việc thực hiện các Nghị quyết, nhất là ba Nghị quyết về kinh tế lần này, phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán với Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết khác của Trung ương; cụ thể hóa thành các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, của các cấp, các ngành của các địa phương./.

Tin, ảnh: Thanh Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com