Cục Thuế tỉnh vừa tổ chức hội nghị triển khai và hướng dẫn thực hiện hóa đơn điện tử cho các đội thuế, lãnh đạo và chuyên viên của các phòng nghiệp vụ và giám đốc, kế toán trưởng của 23 doanh nghiệp cùng 2 đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh đã cung cấp các nội dung cơ bản của các Nghị định số: 51/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ số 04/2014/NĐ-CP ngày 17-1-2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51; số 12/2015/NĐ-CP ngày 12-2-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế; các Thông tư số: 32/2011/TT-BTC ngày 14-3-2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; số 39/2014/TT-BTC ngày 31-3-2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; số 119/2014/TT-BTC ngày 25-8-2014 của Bộ Tài chính; số 26/2015/TT-BTC ngày 17-2-2015 của Bộ Tài chính và những điều kiện cần thiết cho các đối tượng được khởi tạo hóa đơn điện tử người bán hàng hóa, dịch vụ. Theo quy định, tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải thông báo cho khách hàng của mình về định dạng hóa đơn điện tử, cách thức truyền, nhận hóa đơn điện tử. Người bán, người mua, tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử và các đơn vị có liên quan phải có thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hóa đơn điện tử đó.
Việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp giảm chi phí in, gửi, bảo quản, lưu trữ hoá đơn... so với sử dụng hoá đơn giấy, do đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh; đồng thời thuận tiện cho việc hạch toán kế toán; đối chiếu dữ liệu. Quá trình xử lý nhanh và rẻ hơn vì thông tin trên hóa đơn điện tử được chuyển thẳng vào hệ thống kế toán và hệ thống thanh toán của doanh nghiệp mua bán hàng hoá, dịch vụ; chi phí lưu trữ thấp hơn. Quá trình thanh toán nhanh hơn do việc lập, gửi và nhận hóa đơn được thực hiện nhanh hơn thông qua các phương tiện điện tử. Các doanh nghiệp có thể truy cập vào website của bên bán hoặc tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử để xem và tải hóa đơn khi cần nên rất thuận tiện trong bảo quản hóa đơn, tránh rủi ro mất hóa đơn do không phải in ra bản giấy (trừ trường hợp cần chuyển đổi khi cần thiết). Trước mắt, việc cung cấp hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh sẽ được Trung tâm Kinh doanh VNPT Nam Định thực hiện./.
Văn Đại