Sáng 18-10-2016, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác ứng phó với bão số 7 (bão Sarika). Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT-TKCN) tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các thành viên BCH PCTT-TKCN tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.
Hồi 4 giờ ngày 18-10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16. Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km. Đến 4 giờ ngày 19-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ 60km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13-14. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh nhận định do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 7, tỉnh Nam Định từ chiều tối và đêm 18-10 sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; vùng ven biển có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 10-11, giật trên cấp 11, trong đất liền có gió mạnh cấp 5-6 sau tăng lên cấp 7, giật cấp 8-9. Lượng mưa phổ biến từ 100-200mm.
Nông dân xã Nam Cường (Nam Trực) huy động lực lượng gặt lúa mùa chạy bão. |
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã thu hoạch được 32.120ha lúa mùa, đạt 42% tổng diện tích; các địa phương đã gieo trồng được 7.219ha cây vụ đông. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh là 16.386ha. Tỉnh đã hoàn thành việc xử lý giờ đầu đê, kè bị sạt lở do bão số 1 gây ra. Cụ thể tại một số đoạn kè Quy Phú (Nam Trực); kè Mặt Lăng (Trực Ninh); đê Phú Ân (Xuân Trường); đê Cồn Ba, Tư và đê Giao Hương (Giao Thủy); bối Nam Quần Liêu và bối Ngọc Lâm (Nghĩa Hưng). Các đê, kè bị hư hại do bão số 1 chưa được xử lý tại một số đoạn thuộc kè Hữu Bị, kè Hồng Hà (Mỹ Lộc); kè Vị Khê, kè Quán Các (Nam Trực); kè Hợp Hòa, kè Lộ Xuyên, kè Phượng Tường (Trực Ninh); bờ bao Yên Bằng, đê bối Yên Trị (Ý Yên)…
Về công tác chỉ đạo, điều hành, chiều ngày 16-10, lãnh đạo UBND tỉnh và các thành viên BCH PCTT-TKCN tỉnh đã họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chuẩn bị ứng phó với bão số 7. BCH PCTT-TKCN tỉnh đã ban hành 2 Công điện số 11 và Công điện số 12; UBND tỉnh ban hành Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND về chủ động đối phó với diễn biến của bão. Đến 6 giờ sáng ngày 18-10 đã có 1.838 tàu thuyền ngư dân neo đậu tại cảng cá và các bến cá trong, ngoài tỉnh; còn 203 tàu thuyền vẫn hoạt động trên biển. Có 887 lều chòi với 976 lao động trông coi bãi ngao tại vùng nuôi trồng thuỷ sản ngoài đê; 200 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trên sông. Hiện các hệ thống thủy nông trong tỉnh đã tiêu rút nước đệm để thu hoạch lúa mùa. Vùng phía bắc tỉnh các trạm bơm lớn đang mở cống tự tiêu chảy. Vùng phía nam tỉnh hiện 6 con nước các cống lợi dụng thủy triều để mở cống tiêu nước. Tỉnh đã chuẩn bị 43.690m3 đá hộc; 728m3 đá thu gom; 3.348 rọ thép; 530 nghìn bao tải; 36.360m2 vải lọc; 253.438m2 vải chống tràn… Hiện Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa mùa; rà soát kiểm tra hiện trạng công trình đê điều, thủy lợi; triển khai tiêu rút nước đệm để hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây vụ đông.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và các huyện, thành phố hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chống bão từ ngày 18-10. Các thành viên BCH PCTT-TKCN tỉnh xuống địa bàn chống bão; khẩn trương kêu gọi tàu thuyền, cấm tàu thuyền ra khơi; yêu cầu tất cả tàu thuyền, người canh coi vào bờ trước 17 giờ ngày 18-10; có phương án di dời người và tài sản, phương án sơ tán dân; hướng dẫn các hộ dân chằng chống nhà cửa, trường học… chủ động phòng chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động tiêu rút nước đệm; sẵn sàng phương tiện, nhân lực chống úng. Kiểm tra, rà soát các công trình, nhà cửa, đê điều, bến cảng, kho tàng. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đảm bảo 100% quân số./.
Tin, ảnh: Ngọc Ánh