Ngày 30-9-2016, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của tỉnh tiếp tục tổ chức tiếp xúc cử tri tại các địa phương trong tỉnh. Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh; Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Đặng Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT Giao Thủy tiếp xúc cử tri Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc. Các đồng chí: Đào Việt Trung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Trương Anh Tuấn, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Trực Ninh. Các đồng chí: Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Đại tá Nguyễn Quang Ngọc, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Giao Thủy.
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Mỹ Lộc. Ảnh: Trần Văn Trọng |
Tại các điểm tiếp xúc cử tri, các ĐBQH đã báo cáo với cử tri dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV và trả lời tóm tắt của các bộ, ngành Trung ương đối với những kiến nghị của cử tri Nam Định tại các kỳ họp trước. Đoàn ĐBQH của tỉnh cũng đã nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2016, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới và nghe cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị về những vấn đề nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội.
Tại Thành phố Nam Định, đa số các cử tri đề nghị với Trung ương, với tỉnh những vấn đề liên quan đến công tác đô thị, cải cách hành chính, y tế, giáo dục và chính sách xã hội. Trong đó cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có chính sách về sáp nhập, chia tách địa giới hành chính. Sớm phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án: đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định. Đầu tư kinh phí xây dựng kiên cố các tuyến đê sông Hồng, sông Đào phục vụ công tác phòng chống lụt bão và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Hỗ trợ kinh phí để các địa phương nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin; triển khai phần mềm tin học hệ thống hóa dữ liệu về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân từ Trung ương đến địa phương để thuận tiện trong việc tiếp nhận thông tin, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị của công dân cũng như của các cơ quan Nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ thuốc chữa bệnh, các loại thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và niềm tin của nhân dân. Cho tuyển dụng đội ngũ cán bộ y tế vào làm việc tại các trường mầm non để đảm bảo yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho học sinh ngay từ bậc học mần non. Có chế độ phù hợp cho đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp xã, cán bộ cơ sở thôn, xóm, khu phố; quan tâm giải quyết những vướng mắc trong việc thực hiện chế độ chính sách cho thanh niên xung phong, người nhiễm chất độc hóa học đi-ô-xin; chính sách đối với dân công hỏa tuyến theo Quyết định 49 ngày 14-10-2015 của Chính phủ.
Các ý kiến kiến nghị của cử tri huyện Mỹ Lộc tập trung vào các lĩnh vực chế độ chính sách, nông nghiệp và môi trường. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ và tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động cho một số tổ chức xã hội chưa được công nhận là tổ chức đặc thù ở xã, thị trấn; cho hưởng phụ cấp đối với các đối tượng là cán bộ hội cấp xã đã được công nhận là tổ chức xã hội đặc thù; đối tượng là chi hội trưởng người cao tuổi các thôn, xóm. Giải quyết nhanh những trường hợp được công nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chế độ chính sách như thương binh không còn giấy tờ trên địa bàn huyện theo Thông tư liên tịch số 28 ngày 22-10-2013 của Bộ LĐ-TB và XH và Bộ Quốc phòng. Đẩy mạnh việc hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách theo đề án của Chính phủ. Quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các xã, thị trấn còn khó khăn trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, nhất là các tiêu chí về giao thông, thủy lợi. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do Nhà máy xử lý rác thải xã Lộc Hòa gây ra làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân thôn 10, xã Mỹ Hưng. Xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Châu Giang đoạn giáp ranh giữa 3 huyện: Mỹ Lộc (Nam Định) và Lý Nhân, Bình Lục (Hà Nam).
Phát biểu tại các cuộc tiếp xúc với cử tri Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh đã biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2016; đồng thời đề nghị các địa phương cần tranh thủ thuận lợi, khắc phục những khó khăn, nhất là hậu quả cơn bão số 1 gây ra để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016. Đồng chí đánh giá cao những ý kiến đóng góp thẳng thắn, thiết thực của cử tri và giải đáp những vấn đề mà cử tri quan tâm; đồng thời ghi nhận những kiến nghị của cử tri để phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành của Trung ương và các cấp, các ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu, xem xét giải quyết.
Tại huyện Trực Ninh, cử tri đã kiến nghị với Đoàn ĐBQH của tỉnh một số vấn đề như: Cần quan tâm hơn nữa tới những chính sách vốn cho các xã thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2. Hỗ trợ các chính sách nhằm khắc phục thiệt hại cơn bão số 1 đổ bộ vào địa phương giúp người dân khôi phục kinh tế, yên tâm lao động sản xuất. Đẩy nhanh các tiến độ thực hiện các dự án giao thông quan trọng tại các xã không có tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua để người dân thuận lợi trong giao thông phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng lân cận. Quan tâm tới các vấn đề về vật tư, phân bón trong sản xuất chăn nuôi tránh hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng tới chất lượng của người chăn nuôi. Cần quan tâm hơn nữa tới các địa phương đặc biệt khó khăn; thực hiện tốt các chương trình chính sách an sinh xã hội giúp người dân ổn định cuộc sống góp phần giảm tỷ lệ nghèo trên địa bàn huyện…
Tại huyện Giao Thủy, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Bên cạnh đó, cử tri kiến nghị: Hiện nay một số mạng di động lợi dụng niềm tin của khách hàng, trục lợi từ việc sử dụng tin nhắn lập lờ, lừa đảo người tiêu dùng trong việc sử dụng các tiện ích trên điện thoại di động. Phí sử dụng đường bộ trên đoạn BOT đi từ Nam Định - Hà Nội và ngược lại quá cao, ngoài việc nộp phí khi đăng kiểm, đăng ký xe hằng năm, người có xe ô tô phải mất thêm phí đoạn đường BOT, làm tăng chi phí quá lớn, phí chồng phí. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ có biện pháp chấn chỉnh, kiểm tra, kiểm soát. Cử tri huyện Giao Thủy cũng đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần có biện pháp tích cực hơn nữa, đảm bảo an toàn cho ngư dân vùng biển khi khai thác, đánh bắt trên các ngư trường trên Biển Đông. Về các chính sách đối với các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam, cử tri đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi. Đối với vấn đề BHYT, người dân ở địa phương chưa thực sự tin tưởng do vẫn còn tình trạng phân biệt giữa người có thẻ và người không có thẻ BHYT khi đến khám, chữa bệnh; thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh còn rườm rà, gây khó khăn, phiền hà cho người dân khi đến khám, chữa bệnh ở bệnh viện công lập tuyến huyện, tuyến tỉnh. Cử tri đề nghị Trung ương, tỉnh cần chỉ đạo để chấn chỉnh tình trạng trên, tạo niềm tin cho nhân dân trong việc tham gia BHYT tự nguyện. Đối với việc xây dựng và ban hành các Luật và Bộ Luật, cử tri đề nghị Quốc hội khi xây dựng Luật cần kịp thời ban hành chế tài xử phạt, quy định trách nhiệm của người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị Nhà nước, xử lý nghiêm minh các trường hợp tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tạo niềm tin trong nhân dân.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri và sẽ tổng hợp, báo cáo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV./.
Nhóm PV thời sự