Ngày 6-9-2016, tại Thành phố Nam Định, UBND tỉnh phối hợp với Bộ LĐ-TB và XH tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện pháp luật lao động. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB và XH và đại diện hơn 200 doanh nghiệp có đông lao động trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe giới thiệu nhiều nội dung quan trọng về các chính sách lao động mới năm 2016; tình hình thi hành Bộ luật Lao động và hướng sửa đổi, hoàn thiện; nội dung mới về tiền lương và BHXH bắt buộc; Nghị định 11/2016/NĐ-CP; những quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; một số điểm mới của Luật An toàn vệ sinh lao động. Các đại biểu cũng trao đổi, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực thi Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản quy định chi tiết, cụ thể như việc thực hiện các quy định trên lĩnh vực lao động, BHXH, hoạt động công đoàn. Một trong những nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm là vấn đề tiền lương. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu; tuy nhiên, thực tế hằng năm Nhà nước tăng mức lương tối thiểu đều có tác động nhất định như làm tăng giá các mặt hàng trên thị trường nên người lao động có tăng thu nhập nhưng chỉ bù được trượt giá. Đề nghị Nhà nước tăng mức lương tối thiểu theo lộ trình 2 năm một lần. Nhiều doanh nghiệp đề nghị sửa đổi quy định về thời gian làm thêm giờ của người lao động tăng từ 200 giờ/năm hiện nay lên 400-500 giờ/năm, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng và số lượng hàng hóa, cũng như nhu cầu làm thêm, tăng thu nhập của người lao động và cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Một số đại diện doanh nghiệp cũng nêu kiến nghị là các sở, ngành, đơn vị… liên quan cần có biện pháp giúp doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người lao động trong chấp hành pháp luật, trong thực hiện BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, trong tham gia tổ chức Đảng, Công đoàn... và đã được giải đáp rõ ràng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH nhấn mạnh: Nội dung của Bộ luật Lao động luôn chú ý đến quyền lợi pháp luật của người lao động và của doanh nghiệp. Song trong quá trình áp dụng pháp luật lao động trong bối cảnh hội nhập thương mại là chưa bao quát hết các quan hệ phát sinh từ thực tiễn. Những đóng góp chia sẻ, đề xuất của các doanh nghiệp sẽ được Bộ LĐ-TB và XH tiếp tục nghiên cứu, đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi nhằm tạo môi trường kinh doanh, pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển./.
Minh Tân