Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tiếp xúc cử tri các địa phương trong tỉnh

07:09, 30/09/2016

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ngày 29-9-2016, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của tỉnh đã đi tiếp xúc cử tri tại các địa phương trong tỉnh. Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh; Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Đặng Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT Giao Thủy đã tiếp xúc cử tri các huyện Vụ Bản và Ý Yên. Các đồng chí: Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Trương Anh Tuấn, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH của tỉnh đã tiếp xúc cử tri của 2 huyện Nam Trực và Nghĩa Hưng. Các đồng chí: Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Đại tá Nguyễn Quang Ngọc, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Hải Hậu và Xuân Trường.

Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Vụ Bản.  Ảnh: Trần Văn Trọng
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Vụ Bản. Ảnh: Trần Văn Trọng

Tại các điểm tiếp xúc cử tri, các ĐBQH đã báo cáo với cử tri dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV và trả lời tóm tắt của các bộ, ngành Trung ương đối với những kiến nghị của cử tri Nam Định tại các kỳ họp trước. Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV dự kiến sẽ khai mạc ngày 20-10-2016. Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ xem xét và quyết định một số vấn đề chính như: Thông qua 4 dự án Luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến vào 14 dự án Luật. Thảo luận các nội dung về  kinh tế - xã hội, giám sát các vấn đề quan trọng khác gồm: các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017. Kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020. Khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa. Tình hình Biển Đông sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế. Quốc hội giám sát “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp”. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp và các nội dung quan trọng khác. Tại các nơi tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2016, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới và nghe cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị về những vấn đề nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội.

Tại huyện Vụ Bản, đa số các cử tri đề nghị với Quốc hội, Chính phủ, với tỉnh những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, giáo dục, y tế, chế độ chính sách. Trong đó cử tri đề nghị: cần có chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp như: nhân giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; chế biến nguyên liệu từ sản phẩm phụ, sản phẩm thừa trong nông nghiệp; kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lý môi trường. Xem xét chỉ tiêu tuyển đầu vào tại các trường sư phạm để tránh tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường không có việc làm; có cơ chế chính sách tuyển dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế, kế toán đáp ứng yêu cầu giảng dạy cho các trường học mầm non và có chế độ chính sách riêng đối với các trường học chất lượng cao theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Xây dựng mô hình hoạt động của bộ máy y tế cấp huyện và việc tăng dịch vụ y tế cần phải xem xét, có lộ trình cụ thể để phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân. Đẩy nhanh việc hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách theo đề án của Chính phủ; tiếp tục thực hiện việc xét duyệt cho các đối tượng tàn tật để hưởng chế độ bảo trợ xã hội và hỗ trợ tiền điện cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ GD và ĐT trong công tác quản lý nguồn nhân lực thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự.

Các ý kiến kiến nghị của cử tri huyện Ý Yên tập trung vào các lĩnh vực giao thông, xây dựng, nông nghiệp. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh tiếp tục cho triển khai xây dựng cầu Đống Cao, cầu Bến Mới, trạm bơm Quỹ Độ 2, nâng cấp đê bối Yên Trị để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Cho huyện được lập dự án xây dựng đường từ ngã ba Vàng đến thôn La Xuyên, xã Yên Ninh; triển khai xây dựng khu dân cư tập trung tại xã Yên Ninh nhằm giải quyết nhu cầu ở khu vực làng nghề và lập dự án xây dựng cụm công nghiệp La Xuyên 3 theo hình thức xã hội hóa. Tạo điều kiện cho huyện hoàn tất các thủ tục, sớm triển khai khu nông nghiệp công nghệ cao ở Yên Nhân - Yên Đồng - Yên Cường. Bên cạnh đó cần có cơ chế chính sách về nông nghiệp để nâng cao giá trị hàng hóa, khắc phục tình trạng nhân dân bỏ ruộng do canh tác không hiệu quả như hiện nay.

Phát biểu tại các cuộc tiếp xúc với cử tri các huyện Vụ Bản và Ý Yên, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong việc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2016. Đồng chí giải đáp và làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm, đồng thời ghi nhận những kiến nghị của cử tri để phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành của Trung ương và các cấp, các ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu, xem xét giải quyết.

Tại buổi tiếp xúc cử tri của huyện Nam Trực, cử tri đã kiến nghị với Đoàn ĐBQH của tỉnh một số vấn đề như: cần giải quyết và thực hiện chế độ đối với người có công; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn huyện, giúp người dân ổn định cuộc sống và giải quyết việc làm cho người dân; tập trung phát triển các KCN đi đôi với bảo vệ môi trường; quan tâm hơn tới việc chấp hành pháp luật BHXH trong các doanh nghiệp đối với người nông dân ở các doanh nghiệp; quan tâm giải quyết chế độ chính sách cho những người tham gia kháng chiến, đề nghị nâng chế độ trợ cấp cho người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên; thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tìm hướng ra cho sản phẩm nông nghiệp tránh tình trạng được mùa mất giá; quan tâm tới các chính sách chăm sóc sức khỏe, KHHGĐ, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm…

Cử tri huyện Nghĩa Hưng đã kiến nghị một số vấn đề trọng tâm như: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cố gắng tạo ra sự đột phá trong nông nghiệp như có cơ chế tập trung cho nghiên cứu ra giống mới, tạo công nghệ canh tác mới, đầu tư sản xuất vật tư nông nghiệp đủ tiêu chuẩn để người nông dân nâng cao được hiệu quả lao động; hiện nay trên thị trường còn xuất hiện nhiều mặt hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, mong rằng thời gian tới Quốc hội, Chính phủ quan tâm và mạnh tay hơn nữa trong vấn đề này; quan tâm hơn nữa đến chế độ đãi ngộ cho các đối tượng gia đình chính sách, người có công để đảm bảo được mức sống tối thiểu của các đối tượng chính sách, tích cực công tác bảo vệ môi trường ở các làng nghề và các KCN…

Tại buổi tiếp xúc, đại biểu cử tri huyện Hải Hậu kiến nghị: Việc triển khai xây dựng Nhà máy nhiệt điện Nam Định I tại 2 xã Hải Châu và Hải Ninh được khởi động từ năm 2009 và đã có ký kết đầu tư nhưng đến nay chưa triển khai xây dựng. Cử tri kiến nghị cần làm rõ và bày tỏ lo ngại về vấn đề môi trường, đặc biệt sau sự cố Formosa ở Hà Tĩnh và một số địa phương. Đối với việc hỗ trợ nhân dân ở vùng dự án nhà máy, do diện tích trồng lúa vụ mùa năm 2016 không cấy, nhà đầu tư đã có chính sách hỗ trợ 3.000 đồng/m2, nhưng đến nay vụ mùa sắp thu hoạch, nhân dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ… Cử tri đề nghị tỉnh chỉ đạo nhà đầu tư giải thích và cam kết cụ thể nhằm đảm bảo nhà máy đi vào hoạt động không gây ô nhiễm môi trường. Đại biểu cử tri cũng kiến nghị bổ sung thêm giáo viên mầm non cho các xã, thị trấn; đề nghị Trung ương quan tâm tăng mức hỗ trợ cho vùng trồng lúa, tạo điều kiện đảm bảo an toàn về an ninh lương thực và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; quan tâm, tiếp tục triển khai hệ thống kè mỏ tại các vị trí xung yếu, biển tiến, bãi thoái. Trước mắt hỗ trợ xây dựng, tu tạo, nâng cấp kè Cồn Tròn, kè Hải Thịnh 3 để đảm bảo phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ để xây dựng các công trình phúc lợi cho các xã khó khăn về nguồn thu, không có nguồn tài nguyên đất đai dồi dào để tạo nguồn tài chính. Quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở cho các xã có biên giới biển, đặc biệt là các xã có đường cứu hộ, cứu nạn đi qua. Đối với Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 9-11-2011 của Chính phủ về giải quyết chế độ 1 lần, trợ cấp hằng tháng cho các đối tượng có thời gian tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (từ tháng 2-1979 đến tháng 12-1988) hoặc làm nhiệm vụ quốc tế tại Căm-pu-chia và Lào sau ngày 30-4-1975, khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết chính sách, ngoài đối tượng có thời gian tham gia quân đội, công an đã được hưởng chế độ, còn một số đối tượng là công nhân nông, lâm trường, công nhân cầu đường có thời gian công tác và chiến đấu ở biên giới phía Bắc, khi lập hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp 1 lần, chứng lý xác nhận trong hồ sơ chỉ chứng minh được thời gian tham gia công tác tại các vùng biên giới phía Bắc, không có chứng lý xác nhận chứng minh được thời gian trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cho nên hồ sơ không được xét duyệt, phát sinh nhiều ý kiến, kiến nghị. Đề nghị Trung ương có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách kịp thời.

Cử tri huyện Xuân Trường đề nghị Trung ương, tỉnh điều chỉnh giao chỉ tiêu thu ngân sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, bởi thực tế nhiều địa phương nguồn thu không tăng, thậm chí có xã nguồn thu không có, phải trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên nên rất khó khăn khi thực hiện. Hiện nay, tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương gặp nhiều khó khăn, nông dân bỏ ruộng nhiều; cử tri đề nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ nông dân trong việc cung ứng giống, vật tư nông nghiệp có chất lượng; siết chặt kiểm soát hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng; tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Về lĩnh vực đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp nên quy định một giá, tạo điều kiện khi GPMB các doanh nghiệp căn cứ vào quy định đền bù hợp lý, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện. Việc cấp đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp cần tạo thủ tục thông thoáng, nhanh chóng, hạn chế thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm đầu tư, sản xuất. Trong xây dựng NTM, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cho các địa phương hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng NTM. Cử tri trong huyện cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết các chế độ cho người có công, đặc biệt là đối tượng là chuyên gia quân sự tại các nước bạn; quân nhân nhập ngũ sau 30-4-1975 tham gia chiến đấu trong các chiến trường miền Nam, miền Trung.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri và sẽ tổng hợp, báo cáo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV./.

Nhóm PV thời sự
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com