Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ nhất

07:08, 29/08/2016

* Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự, chỉ đạo hội nghị; Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ

Ngày 26-8-2016, tại Thành phố Nam Định đã diễn ra hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2016-2021 với chủ đề “Giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015”. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Nội vụ; lãnh đạo Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ. Về phía tỉnh ta có các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban TVTU, Thường trực HĐND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thanh Tuấn
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thanh Tuấn

Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh về truyền thống, thành tựu của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ đã đạt được trong thời gian qua và khẳng định, kết quả đó có sự đóng góp tích cực của HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực. Đồng chí cũng thông báo khái quát về vị trí, tiềm năng và những thành tựu tỉnh Nam Định đã đạt được trong những năm qua và những mục tiêu lớn của tỉnh trong những năm tới; khẳng định những đóng góp của HĐND các cấp đối với sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hoạt động của HĐND tỉnh ngày càng đổi mới, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; phát huy cao độ tinh thần dân chủ rộng rãi của nhân dân trong việc quyết định và giám sát những vấn đề quan trọng của địa phương; quyết định nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Đồng chí cũng nhấn mạnh đến mục đích, ý nghĩa của hội nghị và cho rằng, đây là cơ hội tốt để các tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của HĐND; tăng cường sự hiểu biết, mối quan hệ hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực để cùng nhau phát triển bền vững.

Tại hội nghị, lãnh đạo Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực cũng đã thảo luận, trao đổi nhiều ý kiến tập trung vào những quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, thành phố, nhất là trong hoạt động giám sát và bảo đảm hiệu quả giám sát của HĐND; kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND và chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND; kinh nghiệm xây dựng và triển khai chương trình giám sát chuyên đề của HĐND, của Thường trực HĐND và của các Ban HĐND; giải pháp nâng cao chất lượng tiếp công dân của đại biểu HĐND, chất lượng giám sát của Thường trực HĐND đối với việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và việc thực hiện, giải quyết kiến nghị của cử tri; về việc kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực tham mưu, giúp việc của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố; kinh nghiệm đào tạo nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao các ý kiến tham luận của các địa phương trình bày tại hội nghị. Những kinh nghiệm và kiến nghị của các đại biểu, Ban Công tác đại biểu sẽ tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu trong quá trình hướng dẫn hoạt động của HĐND các cấp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng chí cũng đề nghị HĐND các tỉnh, thành phố cần quan tâm một số vấn đề. Trong đó, HĐND, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố cần phát huy những thành tựu, kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, bám sát nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để cụ thể hóa vào nghị quyết của HĐND, đảm bảo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Trên tinh thần vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của quốc gia, tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương nhằm tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững của địa phương, đảm bảo việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn. Giám sát chặt chẽ để mỗi một đạo luật được Quốc hội thông qua kịp thời đi vào cuộc sống. HĐND các cấp cần chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức thi hành pháp luật, chú trọng vào việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, để mỗi người dân có nhận thức đúng và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật. Căn cứ vào Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND vừa được ban hành, tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND; thẩm tra, giám sát của các Ban, các Tổ đại biểu của HĐND. Cải tiến phương thức giám sát để đảm bảo giám sát có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn, chọn vấn đề để giám sát cho trúng, cho đúng. Đổi mới phương thức chất vấn và trả lời chất vấn nhằm nâng cao tính thiết thực và hiệu quả của hoạt động chất vấn, đề cao trách nhiệm của các cơ quan trả lời chất vấn, chú trọng đến hậu giám sát để đảm bảo các Nghị quyết giám sát của HĐND phải được thực thi trên thực tế. Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố cần tăng cường chặt chẽ mối quan hệ phối hợp với UBND và Ủy ban MTTQ cùng cấp để thực hiện tốt nhiệm vụ của chính quyền địa phương theo luật định, tổ chức có hiệu quả hoạt động của các Ban của HĐND, việc chuẩn bị nội dung kỳ họp; việc tiến hành kỳ họp, xây dựng và thông qua các nghị quyết; việc triển khai và giám sát thực hiện nghị quyết của HĐND; giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri… Bên cạnh đó cần tăng cường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội và Bộ Nội vụ trong quá trình hoạt động, tạo sự thống nhất giữa Trung ương với địa phương, nâng cao năng lực và hiệu quả trong hoạt động của HĐND. Chú trọng vai trò chỉ đạo, điều hòa phối hợp của Thường trực HĐND đối với các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, kiện toàn Văn phòng HĐND theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm không chồng chéo. Cần quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND, đội ngũ cán bộ và chuyên viên của Văn phòng HĐND. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để làm cầu nối giữa chính quyền với nhân dân địa phương. Cần thông tin rộng rãi về hoạt động của HĐND, đặc biệt là việc quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương, trong hoạt động giám sát, trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đồng chí cũng chỉ rõ, việc tổ chức hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố theo khu vực là một sáng kiến hay, có tác dụng thiết thực trong việc góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và đề cao vị thế của HĐND các cấp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND các tỉnh thực hiện, đảm bảo giữ mối liên hệ giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND địa phương trong việc hướng dẫn, cung cấp thông tin, chế độ báo cáo; phối hợp tổ chức hội nghị giao ban khu vực; tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát đối với hoạt động của HĐND trong nhiệm kỳ; phối hợp với Thường trực HĐND cấp tỉnh để tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND.

Phát biểu bế mạc hội nghị, thay mặt Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực, đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội. Đồng chí cũng khái quát những vấn đề mà hội nghị đã thảo luận, thống nhất một số vấn đề kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương. Thường trực HĐND tỉnh Nam Định sẽ tập hợp, báo cáo với Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương xem xét, hoàn thiện chủ trương, chính sách, hành lang pháp lý, tạo điều kiện đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh khi thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.

Tại hội nghị đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trao Cờ đăng cai tổ chức hội nghị lần thứ hai, nhiệm kỳ 2016-2021 cho Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh.

Chiều 26-8-2016, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã có buổi làm việc với Ban TVTU để nghe những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Uỷ viên BCH Trung ương Đảng: Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Trần Văn Tuý, Trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; lãnh đạo Uỷ ban Về các vấn đề xã hội; Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Đón tiếp và làm việc với Chủ tịch Quốc hội về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban TVTU, Thường trực HĐND, UBND tỉnh.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh thay mặt Ban TVTU báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2015, trong 6 tháng đầu năm 2016, một số nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm. Báo cáo nhấn mạnh, Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng với diện tích tự nhiên gần 1.700km2, có 72km bờ biển, dân số gần 1,9 triệu người, là tỉnh đất chật, người đông, thuần nhất về dân tộc nhưng đa dạng về tôn giáo. Quá trình phát triển của tỉnh đã hình thành khá rõ 3 vùng kinh tế bao gồm: Nông nghiệp, kinh tế biển và trung tâm công nghiệp, dịch vụ Thành phố Nam Định. Tuy nhiên, do nền kinh tế khi bước vào kinh tế thị trường có xuất phát điểm thấp cộng với hệ thống cơ sở hạ tầng trước đây bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho thu hút đầu tư và phát triển nên quy mô kinh tế của tỉnh còn hạn chế, chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp, dệt may, tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay, tuy hệ thống đường giao thông đã được cải tạo, nâng cấp và bắt đầu phát huy hiệu quả trong công tác thu hút đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vượt lên những khó khăn trước mắt, BCH Đảng bộ tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng để không ngừng xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; lãnh đạo, tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, thời gian theo quy định; tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp. Hoàn thành phân công nhiệm vụ các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU và kiện toàn các chức danh chủ chốt của tỉnh sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX bảo đảm sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ, hướng tới mục tiêu tạo bước phát triển đột phá về kinh tế. Tập trung chỉ đạo xây dựng và ban hành chương trình công tác toàn khoá của Tỉnh uỷ; Quy chế làm việc của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XIX; ban hành 4/5 Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ để cụ thể hoá các nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Về phát triển kinh tế, năm 2015, tỉnh có 20/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, nhiều chỉ tiêu đạt ở mức cao nhất so với cả nhiệm kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và có bước phát triển khá so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm GRDP (theo giá so sánh 2010) tăng 6,5%, cao hơn so với mức bình quân của cả nước; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,7%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,3%; thu ngân sách đạt 57,4% dự toán, tăng 20,3% so với cùng kỳ; tổng đầu tư toàn xã hội tăng 16,4%. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tựu mới; công tác an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách tiếp tục được bảo đảm tốt.

Phát biểu nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ chính trị đã đạt được, đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh khẳng định: Kinh tế - xã hội của tỉnh tuy có khởi sắc nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh so với mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Vì vậy trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ đã ban hành; tập trung huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào việc đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; thực hiện thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND tỉnh để điều phối các hoạt động của công tác xúc tiến, thu hút đầu tư. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, phấn đấu sớm khởi công xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông; Nhà máy Nhiệt điện Hải Hậu I; tuyến đường trục phát triển nối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; cầu Thịnh Long; khu du lịch Giao Phong - Quất Lâm; khu đô thị trung tâm các huyện… Để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện thắng lợi mục tiêu tạo bước phát triển đột phá về kinh tế, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh trân trọng đề nghị với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ sớm phê duyệt và bố trí vốn để triển khai, thực hiện xây dựng tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; xây dựng Khu Trung tâm lễ hội thuộc Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích, lịch sử văn hoá Trần; cho triển khai xây dựng tuyến đường bộ ven biển đi qua 6 tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá với quy mô cấp I đồng bằng để tạo động lực phát triển kinh tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ và bắc miền Trung, thuận lợi cho việc xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai, tăng cường củng cố an ninh, quốc phòng khu vực biên giới biển.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu, đánh giá cao những kết quả nổi bật của tỉnh trong thời gian qua, trong đó có công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt sau đại hội Đảng các cấp đi vào nền nếp; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được thực hiện thành công, nghiêm túc và đúng pháp luật. Chủ tịch Quốc hội cũng biểu dương thành tích trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo của tỉnh với 22 năm liên tục nằm trong tốp dẫn đầu cả nước; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thu được kết quả nổi bật với 112 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM. Thế mạnh, tiềm năng của tỉnh còn rất lớn, tuy nhiên Nam Định vẫn là tỉnh nghèo nên Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong những tháng còn lại của năm 2016 và những năm tiếp theo, tỉnh cần chỉ đạo rà soát lại quy hoạch tổng thể về kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sự liên kết giữa quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực với quy hoạch chung cho phù hợp, đúng định hướng. Tỉnh cũng cần rà soát chính sách, cơ chế ưu đãi trong thẩm quyền của chính quyền địa phương, các vấn đề liên quan đến quỹ đất, công tác thu hồi, đền bù, xây dựng giao thông kết nối các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, xác định nguồn lực thực hiện. Về các đề xuất, kiến nghị của Nam Định liên quan đến xây dựng tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; xây dựng Khu Trung tâm lễ hội thuộc Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích, lịch sử văn hoá Trần; triển khai xây dựng tuyến đường bộ ven biển là những chủ trương đúng đắn nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện ngân sách quốc gia còn nhiều khó khăn, tỉnh cần rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn, xem xét để lựa chọn công trình, dự án đầu tư cho phù hợp theo hướng đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư. Với chức năng, trách nhiệm của mình, Quốc hội sẽ ủng hộ những định hướng của tỉnh đồng thời kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm nguồn lực quốc gia được phân bổ công bằng, hợp lý, đặc biệt đối với các địa phương còn nhiều khó khăn như tỉnh Nam Định./.

Thanh Tuấn Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com