Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 3

03:08, 19/08/2016

Sáng 19-8, đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 3 tại huyện Nghĩa Hưng. Cùng đi với đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ có đồng chí Bùi Xuân Đức, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và lãnh đạo Sở NN và PTNT; huyện Nghĩa Hưng.

Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại tuyến đê biển xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng). Ảnh: Thành Trung
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại tuyến đê biển xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng). Ảnh: Thành Trung

Để chủ động phòng chống cơn bão số 3, huyện Nghĩa Hưng đã tổ chức lực lượng thường trực 24/24h tại các cụm phòng chống thiên tai (PCTT) và cấm các phương tiện đánh bắt hải sản và tàu thuyền ra khơi từ 14h ngày 18-8-2016. Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, Hải đội 2, Đồn Biên phòng 96, Phòng NN và PTNT kết hợp cùng với UBND các xã, thị trấn ven biển: Nghĩa Phúc, Nghĩa Thắng, Rạng Đông, Nam Điền, Nghĩa Hải, Nghĩa Hùng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Bình… thông báo tình hình bão số 3 cho nhân dân nắm được và không ra khơi, bằng mọi cách thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền ngoài khơi, các hộ nuôi trồng hải sản, nhân dân vùng cửa sông, ven biển biết để chủ động về nơi trú bão an toàn. Huyện phân công các đồng chí lãnh đạo tăng cường xuống các trọng điểm để chỉ đạo công tác PCTT, kiểm tra các trọng điểm từ đó chủ động các biện pháp xử lý kịp thời. Cty TNHH một thành viên KTCTTL huyện mở cống tiêu nước từ ngày 15-8-2016 để tiêu kiệt nước đệm trong đồng từ ngày 18-8 để phòng lụt úng do bão số 3 gây ra, bảo vệ lúa mùa. Toàn huyện có tổng số 371 phương tiện hoạt động trên biển; đến 10 giờ ngày 19-8-2016 toàn bộ số tàu thuyền trên đã vào tránh trú neo đậu an toàn tại cửa sông Ninh Cơ và cửa sông Đáy. 59 hộ 61 người nuôi trồng hải sản ngoài đê (lều nuôi vạng) với tổng số 59 lều đã sơ tán vào nơi an toàn. Các hộ nuôi trồng hải sản trong đê Cồn Xanh có tổng số 281 hộ đã sơ tán vào trong đê; trong đó: xã Nam Điền: 82/82 hộ; Nghĩa Hải: 90/90 hộ; Nghĩa Lâm: 73/73 hộ; Nghĩa Thành: 68/68 hộ. Huyện đã xử lý sạt mái đê bối Nam Quần Liêu, chiều dài 18m, bằng cắm cừ cọc tre và dùng 500 bao bao tải đất xếp bù mái. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 2 xã là Nghĩa Hải, Nghĩa Thắng phải tiến hành di dân để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ vào bờ. Xã Nghĩa Hải có đoạn đê bối Ngọc Lâm trên tuyến đê tả Đáy dài khoảng 300m đã bị sạt lở nghiêm trọng do cơn bão số 1. Xã Nghĩa Thắng có 600m đê biển (cửa Lạch Giang, hữu sông Ninh Cơ) thuộc xóm 8 là trọng điểm xung yếu nhất toàn huyện. Ở hai xã này, chủ trương của huyện phải di dời tất cả các hộ dân đang sinh sống, canh tác... trong vùng nguy hiểm vào vị trí an toàn trong đồng. Đến 10 giờ sáng ngày 19-8-2016, các xã: Nghĩa Hải, Nghĩa Thắng đã hoàn thành công tác di dân. Xã Nghĩa Thắng có 95 hộ với hơn 300 khẩu đã được di chuyển vào trong đê. Xã Nghĩa Hải có khoảng 50 hộ dân ở khu vực bối Ngọc Lâm đã được di chuyển vào khu vực an toàn.

Sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 tại các tuyến đê sông, đê biển và những trọng điểm xung yếu tại các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thắng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Huyện ủy, UBND huyện và các ngành chức năng cần theo dõi sát sao tình hình diễn biến của cơn bão. Chủ động các phương án xử lý ngay từ giờ đầu đối với các tình huống phát sinh khi bão đổ bộ; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để kịp thời ứng phó với các sự cố ở các trọng điểm xung yếu trên tuyến đê sông, đê biển, nhất là đối với các trọng điểm trên tuyến đê biển thuộc các xã: Nghĩa Phúc, Nghĩa Thắng; tuyến đê tả Đáy ở bối Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải. Tổ chức tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại các trọng điểm xung yếu và phân công trực ban chống bão để đảm bảo an toàn cho các tuyến đê sông, đê biển. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống theo phương án “4 tại chỗ” đã được phê duyệt, đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng cho nhân dân. Sau khi bão tan, chủ động công tác tiêu úng cứu lúa, hoa màu và tập trung tối đa mọi nguồn lực để giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã về kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại huyện Giao Thủy. Cùng đi với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: Tài chính, TT và TT và Văn phòng UBND tỉnh.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại xã Giao Xuân (Giao Thủy). Ảnh: Văn Đại
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại xã Giao Xuân (Giao Thủy). Ảnh: Văn Đại

 Thực hiện Công điện chỉ đạo của tỉnh, chiều 18-8-2016, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN của huyện đã có Công điện số 09/CĐ-BCH về việc phòng chống cơn bão số 3. Theo đó, huyện yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên cập nhật thông tin, tăng cường thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến báo số 3. Thông báo và kêu gọi toàn bộ tàu, thuyền, người lao động trên biển vào bờ và thực hiện các biện pháp phòng tránh bão, chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Từ 14h ngày 18-8, huyện đã nghiêm cấm mọi tàu, thuyền ra khơi. Thực hiện thông báo cho các chủ tàu, thuyền tìm nơi neo đậu, tránh trú bão và chằng buộc tàu, thuyền cẩn thận, không để sóng đánh trôi dạt; yêu cầu tất cả người canh coi vây vạng, tàu thuyền, nhân dân và khách du lịch tại bãi tắm Quất Lâm vào trong đê Trung ương trước 8h sáng 19-8. Có kế hoạch di dời dân ở các nhà yếu, nhà tạm đến nơi trú tránh an toàn. Tích cực bơm tiêu rút kiệt nước đệm, sẵn sàng phương tiện, nhân lực chống úng bảo vệ lúa mùa và hoa màu. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng cứu khi có yêu cầu. Kiểm tra rà soát các công trình, đê điều, các bến cảng, kho tàng ven biển để có biện pháp đảm bảo an toàn; phát hiện và xử lý ngay những sự cố hư hỏng trên tuyến đê biển, đê sông. Chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Các đơn vị thi công các công trình trên biển, đê sông, đê biển có phương án bảo đảm an toàn vật tư, thiết bị, tài sản, an toàn công trình theo phương châm “4 tại chỗ”. Tiếp đó, Ban Chỉ huy PCLB huyện đã tổ chức hội nghị mở rộng thành viên Ban Chỉ huy PCLB và TKCN huyện và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện, Đồn Biên phòng Ba Lạt, Quất Lâm. Phân công các đồng chí Thường vụ Huyện ủy, các đồng chí Huyện ủy viên và các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCLB và TKCN huyện trực tiếp xuống tất cả các xã, thị trấn chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3. Chỉ đạo Cty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy và các địa phương tổ chức rút kiệt nước đệm trước khi bão về. Đến 9h sáng 19-8, toàn huyện đã di dời 4.100 người ở các xã ven biển đến những nhà kiên cố để tránh trú bão; trong đó ở một số vị trí xung yếu như: Khu vực Điện Biên, xã Giao An có 613 hộ với 3.163 người; khu vực xóm Tân Hồng, xã Giao Thiện có 28 hộ với 128 người; Khu du lịch Quất Lâm có 110 ki-ốt và 40 nhà nghỉ với khoảng 500 người đã di dời… Kêu gọi toàn bộ 749 tàu, thuyền về nơi neo đậu, thực hiện chằng chống, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Tổ chức chằng chống toàn bộ 981 lều, chòi tại các bãi nuôi ngao, vạng và các vùng đầm, đồng thời yêu cầu 100% người dân canh coi trên các lều, chòi vào nơi tránh trú an toàn trong đất liền. Nghiêm cấm không cho bất kỳ người dân nào ra khu vực bãi tắm Quất Lâm. Ban Chỉ huy PCLB và TKCN huyện cũng đã quyết định xuất 850 rọ thép, hơn 1.950m3 đá hộc, 1.800m2 vải lọc và 3.000m2 vải bạt chống tràn để xử lý 50m đê sông Sò thuộc địa bàn xã Giao Thịnh; kè Cồn Ba, Cồn Tư đê hữu Hồng, xã Hồng Thuận và kè Giao Hương, xã Giao Hương.

Ngư dân Thị trấn Thịnh Long thu gọn ngư cụ, kéo lưới đưa tàu thuyền vào bờ an toàn. Ảnh: Đức Toàn
Ngư dân Thị trấn Thịnh Long thu gọn ngư cụ, kéo lưới đưa tàu thuyền vào bờ an toàn. Ảnh: Đức Toàn

Sau khi đi kiểm tra thực địa công tác phòng, chống bão số 3 tại các xã Giao Xuân, Giao Nhân, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB và TKCN huyện Giao Thủy tập trung thông tin nhanh, kịp thời diễn biến của bão số 3 để nhân dân biết và chủ động chằng chống nhà cửa, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và giảm tối đa thiệt hại do bão số 3. Kiên quyết không để người dân nào ở ngoài chòi canh ngao, vạng hoặc chủ các tàu, thuyền ở lại trên biển. Huyện cần ưu tiên cao nhất cho mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng của người dân. Sau khi bão tan khẩn trương thực hiện bơm tiêu nước để chống úng cho lúa mùa, bảo vệ sản xuất. Chỉ đạo lực lượng Công an, Quân sự huyện và lực lượng an ninh các xã, thị trấn thường xuyên tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, không để các đối tượng xấu lợi dụng trộm cắp, phá hoại tài sản trong thời điểm mưa bão./.

Thành Trung Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com