Ngày 31-7-2016, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã về kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả cơn bão số 1 tại tỉnh ta. Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Đón tiếp và làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ có các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra trọng điểm kè Quy Phú trên tuyến đê hữu Hồng, xã Nam Hồng (Nam Trực). Ảnh: Thành Trung |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do bão số 1 gây ra tại Trạm bơm Cốc Thành, xã Tân Thành (Vụ Bản); điểm sạt lở dài 1,5km tại kè Quy Phú trên đê Hữu Hồng, xã Nam Hồng (Nam Trực); kiểm tra tình hình thiệt hại trên diện tích lúa mùa mới cấy tại xã Nam Cường. Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo sơ bộ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tình hình thiệt hại do bão số 1 gây ra trên địa bàn tỉnh ta. Mặc dù đã chủ động, tích cực chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống bão song do cơn bão mạnh, kéo dài, đổ bộ vào ban đêm, khi vào gần bờ cấp độ lại mạnh thêm, tốc độ di chuyển chậm nên đã gây thiệt hại nặng nề về sản xuất, cơ sở hạ tầng, tài sản. Tổng thiệt hại do bão số 1 gây ra trên địa bàn tỉnh ước khoảng trên 2.385 tỷ đồng. Trong đó thiệt hại về nông - lâm - diêm nghiệp ước khoảng 730 tỷ đồng; thủy sản ước khoảng trên 494 tỷ đồng; nhà ở ước trên 425 tỷ đồng; thủy lợi ước khoảng 367 tỷ đồng... Ngay sau khi bão tan, sáng 28-7-2016, Ban Chỉ huy PCTT và TTKN tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban đã họp khẩn cấp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đánh giá bước đầu về thiệt hại; chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực khắc phục hậu quả của bão. Trước mắt tập trung khôi phục hệ thống lưới điện, khắc phục tình trạng mất điện trên diện rộng; kịp thời đảm bảo nguồn điện vận hành các trạm bơm tiêu nước chống úng cho diện tích lúa mùa và hoa màu, xây dựng phương án cấy bổ sung diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại; chặt tỉa, thu dọn cây cối, cột điện đổ gãy do bão, đảm bảo giao thông thông suốt. Làm tốt công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân và gia súc, gia cầm. Sửa chữa, khắc phục ngay các vị trí đê, kè bị sạt lở và gia cố các đoạn đê, kè xung yếu, đảm bảo an toàn phòng chống lụt bão. Sửa chữa, khôi phục các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là thủy lợi, thông tin liên lạc, phát thanh - truyền hình; chủ động vật tư, phương án phòng chống thiên tai cuối vụ theo phương châm “4 tại chỗ”; huy động lực lượng Công an, Quân đội và các đoàn thể tích cực phối hợp với các địa phương và nhân dân khắc phục hậu quả sau bão... Để giúp tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 1, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân có nhà bị hư hại; hỗ trợ kinh phí bơm tiêu úng và khắc phục thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản; hỗ trợ kinh phí xử lý cấp bách các công trình đê, kè và điện lực, thông tin liên lạc, giao thông,... bị hư hại do bão số 1 gây ra. Đầu tư kinh phí xử lý cấp bách một số trọng điểm đê, kè xung yếu để phòng chống thiên tai hiệu quả; hỗ trợ giống lúa, hoa màu và các loại vắc-xin, hóa chất sát trùng, khử độc để sớm khôi phục sản xuất, phòng chống dịch bệnh phát sinh sau bão. Đầu tư trang thiết bị, nhân lực, vật lực để nâng cấp Trung tâm Khí tượng Thủy văn Nam Định nhằm nâng cao chất lượng dự báo đảm bảo sát, đúng, kịp thời phục vụ công tác PCTT và TKCN trên địa bàn tỉnh và các tỉnh trong khu vực...
Phát biểu trong buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo công tác dự báo tình hình thiên tai cụ thể, sát tình hình, diễn biến, kịp thời, chính xác để tỉnh chủ động các biện pháp, phương án phòng, chống hiệu quả. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng quốc gia để nâng cao nhận thức của nhân dân về tình hình thiên tai để chủ động phương án phòng, chống. Tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng ngành Điện, chủ động các phương án dự phòng cung ứng điện khẩn cấp khi có thiên tai để kịp thời khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương tinh thần kịp thời của lãnh đạo tỉnh trong việc chỉ đạo phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 1; biểu dương lãnh đạo Bộ NN và PTNT đã có chỉ đạo kịp thời về công tác bảo vệ hoa màu, cứu lúa; Bộ Công thương khẩn trương khắc phục sự cố thiếu điện, bảo đảm phục hồi nhanh nhất công tác bơm tưới tiêu úng phục vụ sản xuất. Để nhanh chóng khắc phục thiệt hại do bão, khôi phục sản xuất và ổn định sinh hoạt của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN và PTNT, tỉnh Nam Định khẩn trương huy động mọi nguồn lực, tập trung tối đa các biện pháp để tập trung cứu lúa và diện tích hoa màu, diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại, quyết tâm không để diện tích canh tác trống vì hậu quả của bão. Bộ NN và PTNT cần chuẩn bị các loại giống, vật tư để cung ứng cho bà con nông dân. Tỉnh
Trước đó, sáng 30-7-2016, Đoàn công tác của Bộ NN và PTNT do đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT dẫn đầu về kiểm tra tình hình thiệt hại do cơn bão số 1 và các biện pháp khắc phục tại tỉnh ta. Tiếp và làm việc với đồng chí Bộ trưởng Bộ NN và PTNT có các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở NN và PTNT, Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ NN và PTNT đã kiểm tra khu vực sạt lở kè Quy Phú trên tuyến đê hữu sông Hồng, đoạn qua xã Nam Hồng (Nam Trực) và một số diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng của bão. Theo thống kê, bão số 1 gió to gây sóng lớn đã làm sụt, sập, bong xô, hư hại 20 đoạn đê, kè hữu sông Hồng, sông Ninh Cơ và đê tả sông Đáy thuộc các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Ý Yên với tổng chiều dài hàng chục km. Bão số 1 cũng làm hơn 74 nghìn ha lúa mùa bị ngập úng, 8.500ha rau màu dập nát; gần 1.200 con lợn, 44 nghìn con gia cầm bị chết do sập mái, ngập nước chuồng; gần 2.800 chuồng trại chăn nuôi bị sập hoặc tốc mái; 7.500ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại... Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp khắc phục hậu quả do bão số 1 gây ra, trong đó các Cty KTCTTL đã phối hợp chặt chẽ các địa phương tập trung tiêu rút nước chống úng cứu lúa mùa. Tỉnh
Qua kiểm tra, đồng chí Bộ trưởng Bộ NN và PTNT đánh giá bão số 1 đã gây thiệt hại rất lớn đến tỉnh
Chiều 30-7-2016, UBND tỉnh tổ chức họp, triển khai các biện pháp khắc phục lúa mùa 2016 sau cơn bão số 1. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp có lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; các Cty KTCTTL trên địa bàn tỉnh, các Cty giống trong và ngoài tỉnh.
Vụ mùa năm 2016, toàn tỉnh gieo trồng 77.800ha lúa mùa và 8.500ha rau màu hè thu. Đến ngày 27-7, các địa phương đã tổ chức chăm bón đợt 1 cho 70% diện tích lúa mùa. Từ tối ngày 27 đến rạng sáng 28-7, bão số 1 đã đổ bộ trực tiếp vào tỉnh ta với gió giật mạnh, kèm theo mưa lớn nhiều giờ đã gây ngập úng và thiệt hại nhiều diện tích lúa mùa và cây hè thu. Ngay sau khi bão tan, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT cùng các địa phương và các Cty KTCTTL đã tích cực tiêu nước cứu lúa. Tuy nhiên do mưa lớn vào thời kỳ thủy triều đầu con nước; hệ thống điện lưới bị ảnh hưởng nặng, không đảm bảo nguồn điện kịp thời cho máy bơm hoạt động nên việc tiêu úng gặp rất nhiều khó khăn. Đến 7 giờ ngày 30-7, toàn tỉnh còn khoảng 26 nghìn ha lúa mùa bị ngập trắng và ngập phất phơ liên tục trên 48 giờ. Đặc biệt những diện tích bị ngập trắng trên 72 giờ trong điều kiện nắng nóng có nguy cơ bị mất trắng. Ước diện tích bị thiệt hại dưới 30%, khoảng 8.000ha; thiệt hại từ 30-70%, khoảng 9.000ha; thiệt hại trên 70%, khoảng 9.000ha. Toàn bộ 8.426ha cây rau màu hè thu bị đổ rạp, dập nát và ngập úng, trong đó có khoảng 7.200ha không có khả năng phục hồi sau bão.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã bàn các biện pháp khắc phục hậu quả lúa mùa bị thiệt hại sau bão số 1. Các Cty giống cây trồng trong và ngoài tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các loại giống ngắn ngày chất lượng cao để phục vụ nhu cầu ngâm gieo bổ sung của bà con nông dân. Đặc biệt Cty TNHH Cường Tân sẵn sàng giảm 20% giá lúa giống cho bà con. Đối với những diện tích không thể khắc phục được, Cty sẽ ký hợp đồng với các hộ nông dân có nhu cầu và thu mua toàn bộ lúa tươi để làm thức ăn chăn nuôi. Trong thời gian tới, các Cty KTCTTL của tỉnh và các địa phương tiếp tục tranh thủ thủy triều, huy động tối đa các phương tiện bơm tiêu úng nhanh để cứu lúa và rau màu.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại của từng vùng, từng cánh đồng trước sáng ngày 31-7 để có biện pháp chỉ đạo khắc phục và chăm sóc kịp thời, phù hợp. Tận dụng mạ dư, mạ dự phòng để cấy dặm hoặc cấy dồn. Đối với những diện tích không có nguồn để cấy bổ sung phải tập trung ngâm gieo bổ sung bằng các giống ngắn ngày theo phương thức mạ nền. Sở NN và PTNT cần có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể đến từng địa phương về kỹ thuật chăm sóc, dặm tỉa lúa sau bão. Đối với diện tích rau màu, có hình thức chuyển đổi cây trồng hợp lý tại những diện tích bị mất trắng, không khắc phục được./.
Thành Trung và Ngọc Ánh