Triển khai các đề án phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

08:11, 04/11/2015

Ngày 3-11-2015, Sở NN và PTNT tổ chức hội nghị triển khai thực hiện các đề án phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 18-6-2014 của UBND tỉnh về việc tổ chức Đại hội thành viên HTXNN nhiệm kỳ 2014-2019 gắn với chuyển đổi thực hiện Luật HTX năm 2012. Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các sở, ngành: NN và PTNT, Tài chính, KH và ĐT, KH và CN, Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; một số doanh nghiệp và Chủ nhiệm HTXNN.

Để góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2014-2020, UBND tỉnh đã xây dựng 2 Đề án: “Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất” và “Xây dựng, phát triển ngành sản xuất giống cây trồng, vật nuôi phấn đấu đưa Nam Định trở thành trung tâm giống vùng đồng bằng sông Hồng”. Đề án “Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất” nhằm xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh và hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, chuyên môn hóa với các mô hình trang trại, gia trại chuyên canh; đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp thông qua HTX và nhóm hộ; tổ chức các chuỗi liên kết kép kín từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ nông sản thay thế cho mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp. Trong đó doanh nghiệp giữ vai trò đầu mối, định hướng cho nông dân và HTX về quy mô, chất lượng, quy cách nông sản; HTX, tổ hợp tác là cầu nối đại diện của nông dân tham gia các liên kết với doanh nghiệp. Từng bước xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân. Đề án “Xây dựng, phát triển ngành sản xuất giống cây trồng, vật nuôi phấn đấu đưa Nam Định trở thành trung tâm giống vùng đồng bằng sông Hồng” với mục tiêu huy động tối đa sức mạnh của mọi thành phần kinh tế, phát huy triệt để tiềm năng, lợi thế, tập trung nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào phát triển sản xuất giống. Xây dựng được bộ giống cây trồng, con nuôi mang thương hiệu Nam Định có năng suất, chất lượng cao, chống chịu khá và thích ứng với BĐKH nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cho nông sản, thực phẩm của tỉnh. Đến năm 2020, sản xuất trong tỉnh cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu giống lúa, giống lợn, giống ngao và giống khoai tây; đến năm 2025 đưa Nam Định trở thành trung tâm giống vùng đồng bằng sông Hồng.

Về tiến độ tổ chức đại hội thành viên HTXNN tính đến ngày 31-10-2015, toàn tỉnh có 153 HTX đã tổ chức đại hội thành viên nhiệm kỳ 2014-2019; trong đó có 144 HTX tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX 2012; 4 HTX giải thể tự nguyện; 5 HTX đã đại hội để hợp nhất, sáp nhập thành 2 HTX. 6 huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Vụ Bản, Mỹ Lộc đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành đại hội thành viên HTX; hai  huyện Hải Hậu và Nam Trực chưa có HTX nào tổ chức đại hội. Trong số 146 HTX tổ chức lại hoạt động, có 100 HTX đã chuyển đổi đủ 5 nội dung (tên gọi tổ chức bộ máy quản lý, mô hình sản xuất, kinh doanh dịch vụ, quản lý tài chính, xác định thành viên và góp vốn), 35 HTX chuyển đổi được 4/5 nội dung và 11 HTX chuyển đổi được 3/5 nội dung. Có 15 HTX chuyên ngành được thành lập mới, trong đó huyện Giao Thủy có 4 HTX, Hải Hậu 5 HTX, Vụ Bản và Nam Trực mỗi huyện 2 HTX; Xuân Trường và Trực Ninh mỗi huyện 1 HTX. Các HTX mới thành lập thuộc các lĩnh vực chuyên ngành: trồng trọt (cây dược liệu, rau, hoa - cây cảnh, nấm), chăn nuôi, thủy sản. Nhìn chung, hầu hết cấp ủy, chính quyền các huyện, xã đã quan tâm chỉ đạo đại hội thành viên ở các HTX; ở các HTX đã tổ chức đại hội, các quy định của Luật HTX 2012 được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tính công khai, dân chủ; nội dung các báo cáo tại đại hội có chất lượng tốt; các nội dung và giải pháp chuyển đổi có tính khả thi và được thảo luận dân chủ. Hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở các HTX sau khi chuyển đổi có chuyển biến; một số HTX đã hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế hộ gia đình nông dân, từng bước tạo sự tin tưởng và gắn bó với HTX của các thành viên.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá ghi nhận thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp những năm qua các địa phương trong tỉnh đã từng bước đổi mới mô hình kinh tế hộ theo mô hình tích tụ ruộng đất, xây dựng trang trại, gia trại; liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp thông qua HTX để sản xuất nông nghiệp theo chuỗi. Tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp, trang trại tham gia nghiên cứu sản xuất giống cây trồng, con nuôi, là tỉnh duy nhất trong cả nước có trung tâm nghiên cứu, phát triển lúa lai quốc tế Syngenta với nguồn vật liệu chọn tạo giống lúa rất phong phú, công nghệ tiên tiến; Cty TNHH Cường Tân là đơn vị đang có quy mô sản xuất giống lúa lai lớn nhất trong nước; Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung là đơn vị sản xuất giống ngao hàng đầu khu vực miền Bắc… Bên cạnh những thành công đạt được, đồng chí Phó Chủ tịch cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành Nông nghiệp tỉnh ta là: kinh tế hộ vẫn là chủ yếu, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế không ổn định; nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững, hiệu quả; các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất; hầu hết các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chưa đáp ứng VSATTP… Đồng chí khẳng định định hướng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh là: đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (NTTS) để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Sử dụng linh hoạt đất trồng lúa: quy hoạch vùng trồng lúa kém hiệu quả, do ảnh hưởng của nước mặn xâm nhập sâu sang NTTS mặn, lợ; quy hoạch vùng trồng lúa thấp trũng kém hiệu quả sang mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ cá; quy hoạch vùng chuyên màu và vùng cây vụ đông trên đất 2 lúa để đầu tư hạ tầng cho phù hợp. Đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm rau - củ - quả và lúa thương phẩm. Đồng chí nhấn mạnh việc đổi mới tổ chức sản xuất là quyết định sống còn đối với ngành Nông nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế; do vậy cần phải linh hoạt chuyển đổi các mô hình HTX, chuyển đổi từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa theo mô hình trang trại, gia trại chuyên canh. Thành lập các HTX chuyên ngành để xây dựng thương hiệu sản phẩm. Các HTX, doanh nghiệp nông nghiệp cần năng động tìm kiếm liên kết. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành cần tích cực hỗ trợ, cung cấp thông tin, hướng dẫn các quy trình cho các HTX, doanh nghiệp thực hiện các liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân./.

Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com