Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ngày 1-10-2015, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của tỉnh gồm: đồng chí Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội; Linh mục Lê Ngọc Hoàn, Chánh xứ Lạc Thành; Nguyễn Thị Thu Hằng, Chánh văn phòng Sở NN và PTNT đã có buổi tiếp xúc cử tri của huyện Xuân Trường và xã Giao Hà (Giao Thủy). Dự hội nghị tại huyện Xuân Trường có đồng chí Đoàn Văn Hùng, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Huyện ủy Xuân Trường.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã thông báo kế hoạch, nội dung, chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII và tóm tắt ý kiến trả lời của các bộ, ngành Trung ương đối với những kiến nghị của cử tri trong tỉnh từ kỳ họp trước. Đồng thời nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2015 và những ý kiến kiến nghị, đề xuất về các vấn đề đang được cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm. Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII dự kiến khai mạc ngày 20-10-2015 và bế mạc ngày 30-11-2015. Kỳ họp lần này sẽ xem xét và quyết định một số vấn đề chính như: Thông qua 17 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến vào 9 dự án luật. Thảo luận, quyết định các nội dung kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và định hướng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016. Cho ý kiến vào các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 5 năm 2016-2020. Thảo luận, góp ý kiến vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Tại huyện Xuân Trường, các đại biểu cử tri của huyện đề nghị Quốc hội nên có cơ quan chuyên trách để soạn thảo các văn bản Luật và nên lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân hoặc tổ chức điều tra xã hội học trước khi ban hành, bảo đảm hài hòa giữa quyền lợi của Nhà nước, quyền lợi của các ngành với quyền lợi của người dân, tránh để tình trạng lợi ích nhóm, cục bộ địa phương hay “tư duy nhiệm kỳ”. Một số luật đã điều chỉnh, bổ sung nhưng chưa có nghị định, hướng dẫn thi hành hoặc có nhưng ban hành quá chậm so với Luật, gây khó khăn trong việc triển khai thi hành Luật ở cơ sở. Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát ở cả tầm vi mô và vĩ mô, trong đó chú ý đến công tác giám sát ở cơ sở. Bên cạnh đó, Quốc hội cần xem xét, nghiên cứu để ban hành thêm một số Luật mới trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng để bảo hộ sản xuất trong nước. Về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, đối với Luật HTX 2012, cử tri đề nghị nên có nghị định riêng quy định cụ thể nhằm áp dụng cho HTX dịch vụ nông nghiệp. Đối với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ nên có chính sách cụ thể, chỉ đạo thực hiện tốt mối quan hệ “liên kết 4 nhà” để khai thác tối đa nguồn lực, tiềm năng đất đai, nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp tạo sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có các chính sách cụ thể để đầu tư, hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp, sản xuất lúa hàng hóa. Về xây dựng NTM, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cử tri cho rằng nhiều địa phương còn chạy theo thành tích, huy động sự đóng góp của người dân quá mức so với thu nhập của nhân dân; một số tiêu chí làm hình thức, thiếu sự bền vững. Việc tham gia BHYT đối học sinh là tự nguyện nhưng gần như “bị bắt buộc”, cử tri đề nghị không nên đưa chỉ tiêu thi đua tỷ lệ học sinh tham gia BHYT là chỉ tiêu cứng của ngành giáo dục. Đối với lĩnh vực giáo dục, cử tri đề nghị cần có biện pháp cải cách hợp lý, nên xây dựng một bộ sách có chất lượng, lâu dài, ổn định, nâng cao chất lượng giảng dạy ở các trường sư phạm; tập trung hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học; quản lý chặt chẽ việc thu chi ở các trường học bởi hiện nay tình trạng lạm thu rất nhiều. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương có chính sách thu hút nhân tài về làm việc tại địa phương, trong đó ưu tiên cho đối tượng là con em nông dân. Đối với thực hiện chính sách cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, hiện nay tiến độ giải quyết quá chậm, thủ tục rườm rà, thiếu sự đồng nhất hoặc bị cán bộ làm chính sách nhũng nhiễu dẫn đến nhiều nạn nhân da cam/đi-ô-xin nhưng chưa được hưởng do chết trước khi hoàn tất thủ tục, gây bức xúc, giảm sút lòng tin trong nhân dân. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nâng mức phụ cấp, hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách ở cơ sở, tăng phụ cấp kiêm nhiệm để khuyến khích cán bộ làm việc, yên tâm công tác.
Tại điểm tiếp xúc cử tri xã Giao Hà, đa số cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ kinh phí hằng năm cho các xã đã và đang xây dựng NTM từ nguồn ngân sách Nhà nước hoặc trái phiếu Chính phủ để nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí NTM; nhất là hỗ trợ cho các xã để kiên cố hóa kênh mương, phục vụ sản xuất nông nghiệp; đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo BHXH xem xét cho cán bộ, công chức xã được cộng thời gian phục vụ trong quân đội với thời gian đóng BHXH; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cộng nối thời gian tham gia đóng BHXH đối với đối tượng bệnh binh để một số cán bộ, công chức xã đủ thời gian đóng BHXH theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP ngày 9-3-2015 của Chính phủ. Cử tri cũng kiến nghị các cấp, ngành liên quan quan tâm đến chế độ, chính sách cho người có công; nâng mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ làm công tác ở thôn, xóm. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm triển khai thi công tuyến đường an ninh - quốc phòng ven biển nhằm tạo điều kiện cho nhân dân các địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh, nhất là trong phát triển kinh tế biển.
Đoàn ĐBQH của tỉnh đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri và tổng hợp để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới. Những đề xuất, kiến nghị cụ thể sẽ chuyển đến các bộ, ngành Trung ương có biện pháp xử lý cụ thể; các vấn đề thuộc thẩm quyền xử lý của tỉnh và địa phương sẽ đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo để có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật./.
Thanh Tuấn