Thực hiện chương trình giám sát chuyên đề năm 2015, ngày 29-10-2015, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã có buổi giám sát “Việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC trên địa bàn tỉnh” tại Công an tỉnh. Dự buổi giám sát có các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Bùi Xuân Đức, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh; Thiếu tướng Đặng Văn Sinh, Giám đốc Công an tỉnh.
Những năm qua, Công an tỉnh luôn chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các quy định của pháp luật về PCCC. Chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC. Hướng dẫn phát động các phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC từ tỉnh đến cơ sở; thành lập, duy trì hoạt động PCCC các cấp, các ngành, các cơ quan doanh nghiệp. Từ năm 2011 đến nay đã phối hợp tuyên truyền 325 tin bài về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; tổ chức 4 hội thi, hội thao, 364 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về PCCC; hướng dẫn thành lập 876 đội PCCC cơ sở với 1.126 đội viên. Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và thực hiện PCCC. Hằng năm đều tổ chức các đợt kiểm tra an toàn PCCC theo chuyên đề, đồng thời hướng dẫn các cấp, các ngành, cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch, thường xuyên tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục những thiếu sót, hạn chế đến mức thấp nhất các nguyên nhân gây ra cháy, nổ. Duy trì lịch trực tiếp nhận thông tin báo cháy qua số điện thoại 114 và tổ chức lực lượng thường trực sẵn sàng chữa cháy theo đúng điều lệnh chiến đấu của lực lượng chữa cháy. Trong 5 năm qua, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã phối hợp tổ chức 23 đợt kiểm tra về PCCC theo chuyên đề, chuyên ngành, kiểm tra 8.625 lượt cơ sở về PCCC, hướng dẫn thực hiện 11.512 biện pháp phòng ngừa, khắc phục tồn tại về PCCC, phát hiện xử lý đối với 334 trường hợp vi phạm quy định PCCC, phạt tiền 789,5 triệu đồng. Tiếp nhận 134 thông tin báo cháy; đã xuất 324 lượt xe chữa cháy và 2.436 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu chữa 131 vụ cháy, 3 vụ nổ… Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định pháp luật về PCCC còn tồn tại nhiều hạn chế như: trang thiết bị vừa thiếu, vừa lạc hậu, chưa được đầu tư theo quy định của Luật PCCC, hiện nay cả tỉnh mới chỉ có 2 đội chữa cháy được bố trí ở địa bàn Thành phố Nam Định và ở địa bàn xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) nên rất khó ứng phó kịp thời đối với những đám cháy ở địa bàn các huyện xa trung tâm thành phố. Trong khi đó trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình dân dụng xuống cấp, không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC như khu chung cư 5 tầng ở các tuyến đường Trần Đăng Ninh, Phan Bội Châu, Trần Huy Liệu (TP Nam Định); chợ Cổ Lễ (Trực Ninh)…; hầu hết các công trình xây dựng trên địa bàn đều làm theo cách tận dụng tối đa diện tích mà không để chừa khoảng cách chống cháy lan, lối thoát nạn cho người dân và lối vào cho xe chữa cháy. Hệ thống đường giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy còn hoạt động kém hiệu quả. Hệ thống dây cáp điện, viễn thông trên một số tuyến đường bị trùng, võng không bảo đảm độ cao tối thiểu cho xe chữa cháy hoạt động… Ý thức chấp hành quy định pháp luật về PCCC trong các tổ chức, cá nhân trên địa bàn chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCCC và các văn bản pháp luật liên quan chưa liên tục và hiệu quả không cao… Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh kiến nghị HĐND, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các cấp thực hiện tốt đề án công tác PCCC. Đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị PCCC và chỉ đạo thành lập các đội PCCC tại các địa phương, khu, CCN. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về PCCC, sớm có giải pháp khắc phục những hạn chế về cơ sở vật chất, các điều kiện liên quan cũng như nâng cấp các công trình dân sinh đã xuống cấp trầm trọng để công tác chữa cháy đạt hiệu quả cao. Đồng thời đề nghị HĐND tỉnh báo cáo kiến nghị các bộ, ngành liên quan ban hành thông tư quy định cụ thể về chế độ chính sách đối với lực lượng làm công tác PCCC, nhất là lực lượng PCCC cấp cơ sở để động viên công tác PCCC tại địa phương.
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đề nghị Công an tỉnh làm rõ một số nội dung trong công tác PCCC như: Sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện, thành phố đối với công tác PCCC; kinh phí đầu tư cho công tác PCCC. Công tác kiểm tra vận hành các thiết bị PCCC tại cơ sở; việc chấp hành pháp luật về PCCC tại các tòa nhà cao tầng, các trung tâm thương mại, siêu thị; các điểm có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn tỉnh và biện pháp phòng ngừa. Thực trạng đội ngũ PCCC chính quy, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCCC; những khó khăn trong việc thành lập các đội PCCC tại các KCN… Đồng thời tiếp thu những đề xuất của Công an tỉnh trong công tác PCCC để kiến nghị các cấp, các ngành chức năng xem xét, giải quyết./.
Văn Trọng