Ngày 6-7-2015, Bộ GTVT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm (2010-2015) công tác xây dựng, quản lý giao thông nông thôn (GTNT) gắn với mục tiêu xây dựng NTM; triển khai phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020. Đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM dự và chỉ đạo hội nghị. Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện đạt kết quả cao trong phong trào phát triển GTNT gắn với chương trình xây dựng NTM.
5 năm qua, Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các cấp và nhân dân rất quan tâm xây dựng, khai thác đường GTNT. Nhiều chủ trương lớn của Đảng đã được ban hành; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thể chế hóa thành các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định; Bộ GTVT và các bộ, ngành, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đối với GTNT. Công tác tuyên truyền về xây dựng, quản lý, bảo trì đường GTNT đã được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú. Trong 5 năm, toàn quốc đã huy động được 186.194 tỷ đồng dành cho phát triển hạ tầng GTNT. Trong đó có sự quan tâm cụ thể của Chính phủ, các cơ quan Trung ương, chính quyền các địa phương; sự ủng hộ của các nước và các tổ chức quốc tế thông qua các dự án, chương trình sử dụng nguồn vốn ODA. Đặc biệt, nhân dân trên toàn quốc đã hiến hơn 3.300ha đất và trên 7,8 triệu ngày công cùng nhiều vật liệu khác để xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng GTNT. Toàn quốc xây dựng mới trên 47.436km đường, 15.474 cầu; cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 103.394km đường, 11.503 cầu; cứng hóa 222.246km mặt đường GTNT các loại. Đến nay, 25,1% số xã trên toàn quốc đã được công nhận hoàn thành tiêu chí số 2 xây dựng GTNT theo chương trình xây dựng NTM; nhiều xã được công nhận hoàn thành trước thời hạn. Các địa phương đạt thành tích cao tập trung ở khu vực miền Đông Nam Bộ và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trong đó có tỉnh Nam Định. Nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ cao đối với tiêu chí xây dựng đường GTNT, tạo tiền đề cho việc hoàn thành trước thời hạn 2020… Giai đoạn 2016-2020, ngành GTVT đặt mục tiêu phát triển GTNT đồng bộ, bền vững, tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến hệ thống giao thông địa phương, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và nhu cầu đi lại của nhân dân. Phấn đấu đến trước năm 2020 sẽ hoàn thành giai đoạn II xây dựng hơn 3.900 cầu của Đề án xây dựng cầu dân sinh tại 50 tỉnh, thành phố. Đến năm 2020, hoàn thành 4 chỉ tiêu về nhựa hóa, bê tông xi măng hóa 100% đường xã, đường liên xã; hoàn thành tỷ lệ cứng hóa đường thôn, xóm, đường trục nội đồng theo quy định. Hoàn thành ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM, với 4 tiêu chí về GTNT và đạt tỷ lệ 70% số xã được cứng hóa đường trục thôn, xóm. Xây dựng đường ô tô đến trung tâm các xã; 100% đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; kiên cố hóa hệ thống cầu, cống, hệ thống thoát nước. Xây dựng bến xe khách cho 168 huyện còn lại; tăng cường vận tải công cộng; cải tạo, nâng cấp bến, bãi đỗ xe, bến cảng và luồng lạch đường thủy nội địa.
Tham luận tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, thành công tỉnh đạt được trong chương trình phát triển GTNT giai đoạn 2010-2015 là do tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp hướng đến mục tiêu phát triển GTNT tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển GTNT, xây dựng quy hoạch GTNT theo đúng các quy chuẩn kỹ thuật. Quan tâm hỗ trợ bình quân mỗi xã 8 tỷ đồng để xây dựng NTM, giúp các địa phương có điều kiện chủ động đầu tư các công trình hạ tầng NTM, trong đó có hạ tầng GTNT. Huy động toàn dân tham gia phát triển GTNT thông qua hoạt động của các tổ chức chính trị, đoàn thể. Đặc biệt đã thành công cao trong huy động nguồn lực từ người dân là con em quê hương; trong 5 năm, toàn tỉnh đã huy động người dân góp 2.800ha đất ruộng với tổng giá trị khoảng 5.600 tỷ đồng để chỉnh trang giao thông nội đồng và hệ thống kênh mương; huy động các hộ dân góp 200ha đất thổ cư với tổng giá trị đạt 1.000 tỷ đồng làm đường giao thông thôn xóm, liên thôn, liên xã. Trong các dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các tuyến quốc lộ, bà con nông dân đã hiến 1.500m2 đất thổ cư... Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, 100% số xã đạt tiêu chí GTNT số 2 trong chương trình xây dựng NTM; 64% số đường GTNT trên toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể cán bộ và nhân dân 15 tỉnh, trong đó có tỉnh Nam Định đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng, quản lý GTNT trong giai đoạn 2010-2015. Bộ GTVT đã công bố Quyết định trao Bằng khen của Bộ cho 51 tập thể, 46 cá nhân, trong đó có tập thể huyện Hải Hậu và 1 cá nhân ở xóm 4, xã Hải An (Hải Hậu) có thành tích xuất trong công tác xây dựng, quản lý GTVT địa phương.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã biểu dương các tập thể, cá nhân, các địa phương có đóng góp trong công tác xây dựng, quản lý GTNT giai đoạn 2010-2015. Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong công tác xây dựng, quản lý GTNT gắn với mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, các địa phương phải xây dựng nghị quyết chuyên đề và đưa chỉ tiêu, giải pháp phát triển GTNT vào chỉ tiêu đại hội Đảng bộ các cấp. Các ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện các nhóm giải pháp, chính sách về: tăng cường quản lý Nhà nước, tạo vốn phát triển GTNT, áp dụng KHCN, bảo trì, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo ATGT, BVMT. Trong đó, khi thực hiện nhóm giải pháp tạo vốn phát triển GTNT, các cấp, ngành, địa phương phải nghiên cứu đặc điểm vùng miền, phân bổ, bố trí hợp lý nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho các vùng nông thôn cần ưu tiên, như các xã miền núi, vùng cao. Quan tâm huy động, thu hút mọi nguồn lực; nghiên cứu xây dựng đề án huy động xi măng làm đường GTNT. Trong huy động nguồn vốn từ nhân dân, cần chú ý áp dụng mức huy động phù hợp với sức dân; tuyệt đối không huy động vốn từ người nghèo. Tiếp tục huy động sự vào cuộc chung sức của toàn dân trong quản lý chất lượng công trình giao thông, tập trung giao cho người dân thi công, giám sát chất lượng và quản lý các công trình giao thông nhân dân sử dụng. Các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn tất, ban hành bộ tiêu chí chuẩn về chất lượng công trình GTNT, tăng cường hỗ trợ về tiêu chí kỹ thuật để người dân và các địa phương nâng cao chất lượng thi công, quản lý hạ tầng GTNT; tăng cường giám sát việc đảm bảo tiêu chí chất lượng khi thi công hạ tầng GTNT... Tăng cường xây dựng cầu dân sinh theo hướng áp dụng mô hình lực lượng thanh niên và người dân tổ chức thi công, quản lý để đảm bảo yêu cầu đầu tư, chất lượng và giảm giá thành đầu tư./.
Thanh Thuý