Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc tại tỉnh ta

08:07, 20/07/2015

Ngày 17-7-2015, Đoàn công tác của Bộ KH và CN do đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH và CN làm Trưởng đoàn về làm việc tại tỉnh ta về kết quả hoạt động KH và CN giai đoạn 2011-2015; giải pháp phát triển KHCN giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bạch Ngọc Chiến, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: KH và CN, Nội vụ, KH và ĐT, Tài chính, Công thương, NN và PTNT, TT và TT, Văn phòng UBND tỉnh.

Đồng chí Bộ trưởng Bộ KH và CN phát biểu kết luận buổi làm việc.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ KH và CN phát biểu kết luận buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đồng chí Đoàn Hồng Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, hoạt động KHCN của tỉnh giai đoạn 2011-2015 và định hướng phát triển KHCN của tỉnh trong thời gian tới. Giai đoạn 2011-2015, hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, CNTT, TN và MT, phòng, chống thiên tai và các hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường, chất lượng… đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, lĩnh vực NN và PTNT đã tiếp nhận và ứng dụng thành công một số công nghệ mới trong sản xuất giống cây, con phục vụ sản xuất như: Sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp khí canh, sản xuất nhân tạo 8 loại giống thuỷ sản: Ngao, tôm chân trắng, cua biển, cá chình, tu hài, hầu, cá lăng, song chấm nâu... Trong lĩnh vực công nghiệp đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới, tạo các sản phẩm thay thế nhập khẩu như: công nghệ đúc tự tiêu tạo ra các sản phẩm thép; công nghệ ép thủy lực song động sản xuất gạch ống xi măng cốt liệu; công nghệ sản xuất muối sạch. Đặc biệt, UBND tỉnh đang tập trung hỗ trợ sản xuất thử lò đốt rác thải sinh hoạt LOSIHO phục vụ cư dân khu vực nông thôn. Trong lĩnh vực TN và MT, phòng, chống thiên tai, đã sử dụng công nghệ viễn thám tích hợp với hệ thông tin địa lý (GIS) đánh giá biến động, xây dựng bản đồ sử dụng đất và lớp phủ thực vật tỉnh; đồng thời xác định được trữ lượng, chất lượng tài nguyên nước các sông chính của tỉnh. Tỉnh còn thực hiện tốt các chương trình KHCN quốc gia như: hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015; nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa; nâng cao tiềm lực tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO; nông thôn - miền núi. Tuy nhiên, hoạt động KHCN của tỉnh vẫn còn tồn tại hạn chế như: Chưa kịp thời hỗ trợ để tạo ra bước đột phá trong sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng thương phẩm đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân... Chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động khoa học và đổi mới công nghệ. Chưa chủ động tư vấn đặt hàng các nhiệm vụ KHCN để giải quyết các vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, hoạt động KHCN của tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh CNH-HĐH, xây dựng NTM và quyết tâm tạo ra bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện chương trình xây dựng NTM; triển khai mạnh mẽ, toàn diện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, thu hút đầu tư, xây dựng Nam Định trở thành trung tâm giống cây trồng, vật nuôi của khu vực. Tập trung cải tạo, nâng cấp, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, các cầu: Thịnh Long, Tân Phong, Đống Cao; bệnh viện 700 giường; xây dựng Thành phố Nam Định thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng... Đẩy mạnh các loại hình dịch vụ KHCN tương xứng với tiềm năng của tỉnh trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống, trong đó chú trọng các ngành nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, y tế, bảo vệ môi trường. Để đạt được những mục tiêu trên, hoạt động KHCN của tỉnh cần Bộ KH và CN hỗ trợ, tạo điều kiện thực hiện dự án từ các quỹ và các chương trình, đề án quốc gia về KHCN; tăng mức phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học năm 2016 giúp tỉnh có thêm nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KHKT vào sản xuất và đời sống; hỗ trợ kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vào các KCN nhất là KCN Dệt may Rạng Đông. Trước mắt tập trung vào việc hình thành Trung tâm dữ liệu của tỉnh và đẩy mạnh chương trình hợp tác phát triển ứng dụng CNTT với Thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong việc xây dựng nhà máy phân loại hạt giống, sấy, đóng gói, bảo quản lúa giống tại Cty TNHH Cường Tân; chuyển giao công nghệ giết mổ tập trung, chế biến thịt lợn sạch; hỗ trợ công nghệ xử lý môi trường trong việc xây dựng mô hình "Nhà máy chế biến sạch, khu chăn nuôi xanh"; hoàn thiện công nghệ sử dụng vật liệu địa phương để sản xuất gạch bê tông thay thế gạch đất sét nung; chuyển giao công nghệ xây dựng nhà máy chế biến thuỷ sản Giao Thuỷ; xây dựng vườn ươm doanh nghiệp KHCN để hình thành các doanh nghiệp KHCN trong lĩnh vực sản xuất giống lúa và lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn; xây dựng sàn giao dịch công nghệ vùng Nam đồng bằng sông Hồng…

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH và CN đã ghi nhận sự quan tâm đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả nhiều công nghệ mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Đồng chí yêu cầu, thời gian tới, tỉnh tiếp tục bố trí hợp lý nguồn kinh phí KHCN được ngân sách Trung ương hỗ trợ để thực hiện tốt các nhiệm vụ KHCN ở địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất tạo ra những sản phẩm mang tính cạnh tranh với thị trường. Tỉnh nên lựa chọn nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào các sản phẩm chủ lực, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn, năng suất, chất lượng cao để sản phẩm nhanh chóng có được thương hiệu, thị trường và giá trị thương mại cao. Với những kiến nghị của tỉnh, đồng chí yêu cầu các cơ quan chức năng trực thuộc bộ nghiên cứu hỗ trợ tỉnh thực hiện. Đặc biệt tập trung hướng dẫn doanh nghiệp tham gia vào quỹ phát triển KHCN quốc gia; đưa công nghệ cao ứng dụng vào thực tế thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện của bộ tại nước ngoài; tăng cường kêu gọi đầu tư và trực tiếp đầu tư để tỉnh hoàn thành các mục tiêu của mình. Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đoàn Hồng Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Bộ KH và CN đối với sự nghiệp phát triển KHCN địa phương; khẳng định tỉnh tiếp tục kiên định với mục tiêu áp dụng KHCN trong sản xuất là vấn đề then chốt tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng cùng phối hợp đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho KHCN phát triển nhanh, bền vững./.

Tin, ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com