Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tiếp xúc cử tri các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản và Thành phố Nam Định

08:04, 22/04/2015

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, ngày 21-4-2015, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của tỉnh gồm các đồng chí: Vũ Văn Ninh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Quang Chiểu và Nguyễn Thị Thu Hằng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) và cử tri 2 xã Nghĩa Thịnh, Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng); đồng chí Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh và đồng chí Vũ Xuân Trường tiếp xúc cử tri phường Trần Tế Xương (TP Nam Định) và xã Đại Thắng (Vụ Bản).

Đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Thị trấn Nam Giang (Nam Trực). Ảnh: Thanh Tuấn
Đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Thị trấn Nam Giang (Nam Trực). Ảnh: Thanh Tuấn

Tại các buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã thông báo kế hoạch nội dung, chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII và tóm tắt ý kiến trả lời của các bộ, ngành Trung ương đối với những kiến nghị của cử tri trong tỉnh từ kỳ họp trước. Đồng thời nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác trọng tâm trong năm 2015 và những ý kiến kiến nghị, đề xuất về các vấn đề đang được cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm.
Tại điểm tiếp xúc cử tri Thị trấn Nam Giang, ý kiến cử tri nêu: hiện nay, nông dân không mặn mà với đồng ruộng do sản xuất không có lãi, do dịch vụ đầu vào cao… Cử tri đề nghị Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, kịp thời hỗ trợ nông dân khi bị thiên tai, bão lụt; có chính sách hỗ trợ bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân nhằm khuyến khích, động viên nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đề nghị các thủ tục thanh toán, quyết toán trong chương trình xây dựng NTM cần đơn giản hơn; hỗ trợ xây dựng các trung tâm văn hóa cho các khu, cụm dân cư, giảm bớt đóng góp của nông dân; tiếp tục quan tâm đến người cao tuổi, giảm độ tuổi được Nhà nước hỗ trợ xuống 75 tuổi (hiện nay Nhà nước đang hỗ trợ từ các cụ 80 tuổi trở lên); kịp thời thực hiện chính sách cho cựu chiến binh nhập ngũ sau 30-4-1975; việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng cựu chiến binh ở địa phương còn chậm; quan tâm xử lý vấn đề môi trường tại CCN Vân Chàng, đề nghị điều tiết một phần ngân sách thu được từ CCN để địa phương tái đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về an toàn, vệ sinh môi trường; tiếp tục bố trí ngân sách để xây dựng giai đoạn 2 chùa Đại Bi (di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia)… Đối với việc bỏ phiếu tín nhiệm đại biểu Quốc hội nên lấy 2 mức (tín nhiệm và không tín nhiệm) vì lấy tín nhiệm 3 mức sẽ gây khó hiểu cho nhân dân.

Tại điểm tiếp xúc cử tri 2 xã Nghĩa Thịnh và Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng), các đại biểu cử tri đã tập trung kiến nghị một số vấn đề. Trong đó, cử tri xã Nghĩa Thịnh đề nghị Nhà nước tăng mức hỗ trợ đầu tư kinh phí cho các địa phương xây dựng NTM; quản lý chặt chẽ việc sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất; tăng mức hỗ trợ cho diện tích đất 2 lúa theo Nghị định 42 của Chính phủ; đề nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ nhân dân cứng hóa mặt đê hữu sông Đào; thực hiện có hiệu quả Kết luận 56 của Chính phủ, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp phát triển. Cử tri xã Nghĩa Đồng kiến nghị nên có định hướng, chính sách hỗ trợ các xã khó khăn trong xây dựng NTM; quản lý giá cả vật tư nông nghiệp; tăng cường công tác giám sát giá điện, xăng dầu; tích cực chỉ đạo ngành Ngân hàng tạo điều kiện cho nhân dân có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để nhân dân phát triển kinh tế. Cử tri cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng giám sát, kiểm tra chặt chẽ, xử lý các xe quá tải, quá khổ chạy trong khu vực dân cư, làm hỏng đường xá khu vực nông thôn. Vấn đề tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cử tri đề nghị cần có định hướng cụ thể cho từng vùng, từng địa phương và điều kiện đất đai, trình độ thâm canh của từng tỉnh, chú trọng khâu bao tiêu sản phẩm cho nông dân, vì nếu sản xuất dàn trải, không tập trung sẽ nảy sinh tình trạng cung vượt quá cầu, được mùa mất giá. Về chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần giám sát chặt chẽ, chú trọng chất lượng học nghề, bởi đã có tình trạng có học nhưng không thành nghề, gây lãng phí; quan tâm tạo việc làm cho những hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ giải phóng mặt bằng để họ ổn định cuộc sống.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại các địa phương, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đã thông báo nhanh một số tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực, đồng thời giải trình một số nội dung kiến nghị của cử tri quan tâm. Đối với các ý kiến kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH của tỉnh sẽ tiếp thu để đề nghị các bộ, ngành có hướng dẫn, biện pháp xử lý cụ thể; các ý kiến cử tri thuộc thẩm quyền xử lý của tỉnh và địa phương sẽ đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo để có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri phường Trần Tế Xương (TP Nam Định) bày tỏ sự phấn khởi và đánh giá cao hoạt động của Quốc hội và Đoàn ĐBQH của tỉnh trong thời gian qua, đồng thời cũng kiến nghị, đề xuất về những vấn đề về pháp luật, chế độ chính sách, phòng, chống tham nhũng, xây dựng cơ sở hạ tầng và bảo đảm an ninh trật tự. Trong đó cử tri đề nghị Quốc hội cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, nhân dân để các văn bản pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, điều chỉnh xã hội ngày càng ổn định và phát triển; xử lý nghiêm việc ban hành các văn bản trái pháp luật của bộ, ngành Trung ương. Tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát để nguyện vọng của cử tri được giải quyết kịp thời và việc thực thi các chính sách pháp luật đạt kết quả cao. Các bộ, ngành Trung ương và tỉnh sớm thực hiện việc chi trả chế độ theo Quyết định 62/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho các đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Ngăn chặn tình trạng chạy việc vào biên chế Nhà nước; tham nhũng từ trong cán bộ, công chức Nhà nước khi thực thi nhiệm vụ và xử lý nhanh, nghiêm minh những vụ tham nhũng lớn để tạo niềm tin trong nhân dân. Tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng tội phạm sử dụng vũ khí nóng cướp của, giết người và xử lý nghiêm những trường hợp chống người thi hành công vụ. Đề nghị UBND tỉnh và UBND thành phố đầu tư kinh phí xây mới trụ sở UBND phường hiện nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động phục vụ nhân dân. Cử tri xã Đại Thắng (Vụ Bản) đề nghị Đảng, Nhà nước và Quốc hội cần có chính sách quy hoạch, đào tạo và cải cách chế độ tiền lương, phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước. Tăng mức trợ cấp cho những đối tượng hưởng tuất, thương binh và mức lương hưu cho giáo viên mầm non chưa đủ thời gian đóng BHXH. Hỗ trợ kinh phí cho những xã không thuộc diện thí điểm xây dựng NTM để xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống. Tăng cường chính sách khuyến nông, khuyến công cho sản xuất nông nghiệp để tạo động lực thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp và giảm bớt khó khăn cho nông dân. Hỗ trợ kinh phí nâng cấp tuyến đê Đại Hà đảm bảo cho công tác phòng, chống lụt bão và nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tại buổi tiếp xúc, đồng chí Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo địa phương đã giải trình và làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền mà cử tri đã nêu, đồng thời tiếp thu các ý kiến để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 sắp tới./.

Thanh Tuấn Văn trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com