Nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, thống nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2015 và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra (*)

07:12, 12/12/2014

(Bài phát biểu của đồng chí Đoàn Hồng Phong,
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tại kỳ họp)

Kính thưa: Chủ tọa kỳ họp;
Kính thưa: Các vị đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu HĐND tỉnh và các vị đại biểu tham dự kỳ họp;
Thưa toàn thể nhân dân.

Trước hết, thay mặt UBND tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn các vị đại biểu HĐND tỉnh đã ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong năm 2014; đồng thời quan tâm đến những nội dung tại kỳ họp. Tôi xin được làm rõ hơn một số nội dung trong báo cáo và giải trình những ý kiến, kiến nghị của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.

I. VỀ MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG NĂM 2014

Năm 2014 với sự quyết tâm, đoàn kết, nhất trí cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, sự phối hợp của MTTQ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, chúng ta đã đạt được kết quả đồng đều, toàn diện trên các lĩnh vực và thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chiến lược hướng tới mục tiêu đột phá về phát triển KT-XH. Tổng giá trị sản phẩm ước tăng 12,5% so với năm 2013, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 30 triệu đồng.

1. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 4,1%, tăng cao nhất trong 4 năm đầu của nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm 2011-2015; trong đó, vụ mùa 2014 có năng suất, sản lượng đạt ở mức cao nhất trong khoảng gần chục năm trở lại đây. Nhiệm vụ xây dựng NTM thu được kết quả nổi bật, với 45 xã cơ bản đạt chuẩn NTM, được Trung ương đánh giá là một trong 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; qua đó đã chuyển đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất theo số lượng sang chất lượng và giá trị. Đã nhân rộng các mô hình cánh đồng mẫu lớn và liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo chất lượng cao…

2. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt ở mức cao 22,5%.  Năm 2014, sau khi cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống các tuyến đường giao thông huyết mạch, nhất là tuyến đường Nam Định - Phủ Lý đưa vào khai thác, sử dụng, Nam Định đã cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kết quả: Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2014 đạt 129 triệu USD, bằng 1/4 tổng giá trị thu hút đầu tư nước ngoài từ trước đến nay, đứng thứ 17 toàn quốc và lọt vào top 20 tỉnh thu hút đầu tư tốt nhất năm 2014. Đã báo cáo các bộ, ngành Trung ương và được Chính phủ phê duyệt bổ sung KCN Dệt may Rạng Đông vào quy hoạch các KCN Việt Nam, giai đoạn I với diện tích 600ha và đang tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt để có thể khởi công đầu tư xây dựng dự án này vào quý II-2015. Đã hoàn thành đàm phán về Hợp đồng thuê đất với Cty Taekwang Power Holdings để chuẩn bị xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nam Định theo hình thức BOT. Giá trị hàng xuất khẩu trong năm ước đạt 591 triệu USD, tăng 14,8% so với năm 2013.

3. Trong năm, đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 24.750 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2013. Đã chỉ đạo tích cực, đẩy nhanh tiến độ GPMB, thi công các công trình trọng điểm và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường huyết mạch kết nối giao thông tỉnh với hệ thống giao thông của vùng, của quốc gia như: Đường bộ mới Mỹ Lộc - Phủ Lý, Quốc lộ 38B, tỉnh lộ 488C, 489... Năm 2014 đã sơ khởi hình thành tuyến đường chiến lược mới, kết nối vùng kinh tế biển, từ KKT Ninh Cơ với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại nút giao Cao Bồ, huyện Ý Yên theo quy mô cấp I đồng bằng, có chiều dài khoảng 45km (ngay đầu năm 2015 sẽ tiến hành khởi công đầu tư xây dựng đoạn đầu tuyến, dài 9,6km từ phà Thịnh Long đến KCN Rạng Đông).

4. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới: Lĩnh vực giáo dục giữ vững vị trí là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về phong trào và chất lượng GD và ĐT trong 20 năm liên tục. Đã làm tốt công tác xây dựng cơ sở vật chất, khánh thành Cung thể thao tỉnh Nam Định; chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII-2014, tạo ra ấn tượng đẹp cho nhân dân và các Đoàn thể thao về tham dự Đại hội. Đài PT-TH tỉnh nỗ lực mở rộng hợp tác, liên kết với các Đài PT-TH của Trung ương để phát sóng thử nghiệm thời lượng 24h/ngày với nhiều chương trình mới từ ngày 1-10-2014.

5. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm, tập trung cao độ. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. 

Bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại như trong Báo cáo đã nêu; đòi hỏi có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân để sớm khắc phục, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp.

II. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU VÀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TRONG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2015

Năm 2015 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2011-2015 và cũng là năm bản lề tạo dựng những điều kiện tiền đề cần thiết cho sự đột phá về phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, tôi yêu cầu các cấp, các ngành quán triệt sâu sắc quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chủ yếu là: Nỗ lực, phấn đấu ở mức cao nhất để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển KT-XH mà Nghị quyết HĐND tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra; đồng thời đẩy mạnh thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp hướng tới sự phát triển đột phá về KT-XH trong giai đoạn tới; cụ thể như sau:

1. Hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng KKT Ninh Cơ; quy hoạch phân khu hai bên đường Nam Định - Phủ Lý đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung huy động các nguồn lực và làm tốt công tác GPMB để triển khai các dự án trọng điểm: Tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Thịnh Long, cầu Đống Cao, cầu Bến Mới. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình: Tỉnh lộ 487, 488, Quốc lộ 38B, Dự án WB6, Dự án Văn hóa Trần, Bệnh viện 700 giường... Khi các dự án này hoàn thành, nhất là tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, sẽ tạo ra sự bứt phá mới về phát triển kinh tế, khai thác được tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển; KKT Ninh Cơ và Thành phố Thịnh Long sẽ được hình thành. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng các khu đô thị tại khu vực thị trấn trung tâm các huyện trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển đô thị và xây dựng Thành phố Nam Định hiện đại, bền vững, từng bước đáp ứng đầy đủ 6 chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

2. Triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả một số dự án phát triển công nghiệp trọng điểm như:

- Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư hạ tầng và các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư tại KCN Dệt may Rạng Đông. Các sở, ngành liên quan và huyện Nghĩa Hưng tập trung cao độ cho công tác GPMB và giải quyết các thủ tục có liên quan, nhất là về đất đai và chế độ chính sách đối với người bị thu hồi đất để có thể khởi công Dự án này trong quý II năm 2015.

- Các cấp, các ngành tích cực phối hợp nhà đầu tư Taekwang của Hàn Quốc đề nghị các bộ, ngành Trung ương nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để triển khai xây dựng Nhà máy Nhiệt điện tại Hải Hậu.

- Tích cực tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc và lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để tiếp nhận, chuyển giao KCN Mỹ Trung từ Cty CP Hoàng Anh Vinashin để phát huy hiệu quả của dự án này.

- Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư để tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy vào các khu, CCN, nhất là KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Mỹ Trung. Các cấp, các ngành tích cực tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để tìm kiếm các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao vào đầu tư trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư hạ tầng, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài mà trọng điểm là: Thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các Cty lớn đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc thuộc các lĩnh vực sản xuất sản phẩm dệt, thời trang, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất dược liệu, cơ khí chế tạo, ô tô, xe máy, điện tử - tin học... Đối với thu hút đầu tư trong nước sẽ tập trung vào các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế nằm trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu của cả nước và các doanh nghiệp do con, em người Nam Định làm chủ sở hữu.

- Thực hiện có hiệu quả chủ trương các cấp, các ngành đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp. Rà soát từng khâu để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận và nhanh chóng hoàn thành các thủ tục có liên quan đến đất đai và đầu tư. Triển khai quyết liệt Kế hoạch 37 của UBND tỉnh để quyết tâm cải thiện thứ hạng của tỉnh trên Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

3. Triển khai mạnh mẽ Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM: Ngành NN và PTNT và UBND các huyện, thành phố xây dựng đầy đủ và triển khai thực hiện tốt các tiểu đề án, dự án để cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, coi tái cơ cấu là một trong 2 nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, cùng với việc thúc đẩy thực hiện ở mức cao nhất để đạt mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 và huyện Hải Hậu là huyện đạt tiêu chí huyện NTM.

UBND các huyện, thành phố cùng với ngành TN và MT tập trung, tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai; đẩy mạnh mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa; quản lý và lập phương án xử lý đối với các trường hợp vi phạm, sử dụng đất đai theo tinh thần Nghị quyết 17 của BCH Đảng bộ tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm, ở mức cao nhất đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Đất đai, nhất là những vi phạm phát sinh sau khi ban hành Nghị quyết 17 theo kết luận của BCH Đảng bộ tỉnh.

4. Tăng cường các biện pháp quản lý để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào NSNN; phấn đấu thu vượt dự toán NSNN năm 2015.

5. Các cấp, các ngành, nhất là ngành GD và ĐT đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động của tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT”. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; phấn đấu tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 67% dân số; năm 2015 cơ bản xóa nhà dột nát, nhà nguy hiểm cho các hộ nghèo. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đề nghị UNESCO vinh danh “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản phi vật thể của nhân loại. Tăng cường chấn chỉnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nâng cao hiệu quả chương trình giải quyết việc làm cho người lao động.

6. Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020; trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: Triển khai mạnh mẽ chính quyền điện tử, trước hết là hệ thống một cửa điện tử. Xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong hoạt động công vụ. Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm, trong đó làm quyết liệt việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và cán bộ làm việc ở các lĩnh vực, công việc, địa bàn có tính nhạy cảm...

7. Các cấp, các ngành, nhất là ngành GTVT, Công an tích cực chỉ đạo để lập lại trật tự trong vận tải hành khách, kiềm chế tai nạn giao thông, phấn đấu giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí. Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Tiếp công dân; các cấp, các ngành tiếp tục tập trung cao cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Triển khai thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an toàn đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các sự kiện lớn trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp, thưa các vị đại biểu, thưa toàn thể nhân dân.

III. VỀ Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI

Tôi xin báo cáo, trả lời theo các nhóm ý kiến sau:

1. Nhóm ý kiến về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, NTM:

1.1. Cử tri huyện Giao Thủy đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật và công nghệ cho các vùng nuôi trồng thủy, hải sản.

- UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN và PTNT, Sở KH và ĐT phối hợp với UBND các huyện, thành phố, căn cứ Quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt và tình hình thực tế từng địa phương để lập các Dự án đầu tư, nâng cấp cải tạo các công trình hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản trình UBND tỉnh phê duyệt. Từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 11 Dự án đầu tư hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản. Riêng năm 2014 đã phê duyệt 5 dự án, trong đó có 2 dự án trên địa bàn huyện Giao Thủy gồm: Dự án nâng cấp, cải tạo Trung tâm giống hải sản tại xã Bạch Long và Dự án nâng cấp hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Giao Phong. Hiện nay, tất cả các dự án mà UBND tỉnh phê duyệt đã trình Bộ NN và PTNT, Bộ KH và ĐT để đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2015-2020 theo Chương trình hỗ trợ có mục tiêu phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản từ ngân sách Trung ương. Riêng năm 2015, đã bố trí vốn cho Dự án nâng cấp hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Giao Phong với số tiền 18 tỷ đồng để triển khai, thực hiện.

- Về hỗ trợ công nghệ: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh; thời gian qua, Sở NN và PTNT đã thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho các hộ gia đình, các tổ chức trong vùng nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở NN và PTNT: Tăng cường hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho các hộ, các tổ chức nuôi trồng thủy, hải sản; coi đây là nhiệm vụ quan trọng để tái cơ cấu ngành thủy, hải sản.

1.2. Cử tri huyện Trực Ninh đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ đối với các địa phương chưa đăng ký xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015.

UBND tỉnh đã có Văn bản số 71 ngày 22-3-2013 về việc hỗ trợ kinh phí cho các xã, thị trấn chưa tham gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015. Theo đó, bắt đầu từ năm 2015, đối với các xã, thị trấn còn lại có nhu cầu và có khả năng thực hiện sớm, xây dựng NTM sẽ được tỉnh hỗ trợ kinh phí theo cơ chế như giai đoạn 2010-2015 với mức 8 tỷ đồng/xã; trong đó tập trung ưu tiên làm trước 3 công trình: Trụ sở, Trạm y tế xã và công trình xử lý rác thải sinh hoạt. Hiện nay, Sở NN và PTNT đang tổng hợp danh sách các xã, thị trấn có đủ điều kiện làm sớm, xây dựng NTM do các huyện, thành phố đề xuất; trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai, thực hiện ngay từ đầu năm 2015.

1.3. Cử tri ở hầu hết các địa phương phản ánh mức hỗ trợ cho người trực tiếp trồng lúa theo quy định như hiện nay là quá thấp; đề nghị tỉnh quan tâm có thêm chính sách hỗ trợ để đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng...

- Hiện nay, mức hỗ trợ cho người trực tiếp trồng lúa được thực hiện theo quy định tại Nghị định 42 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. UBND tỉnh đã nhiều lần đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tăng mức hỗ trợ cho địa phương để đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét điều chỉnh tăng mức hỗ trợ này.

- Hiện nay, ngân sách tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương trên 70%, trong khi Trung ương chưa tăng mức hỗ trợ cho địa phương; UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ cho người trồng lúa đúng quy định. Đồng thời, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng NTM để ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng... Ngoài nguồn kinh phí này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Cty TNHH một thành viên KTCTTL mỗi năm phải dành 50% kinh phí cấp bù thủy lợi phí, khoảng 150 tỷ đồng để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi và giao thông nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM.

2. Nhóm ý kiến về TN và MT:

2.1. Cử tri huyện Ý Yên tiếp tục phản ánh tình trạng xây dựng bến bãi, cầu cảng của các KCN tỉnh Ninh Bình làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông Đáy phía huyện Ý Yên.

- Năm 2013, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã cùng với Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi, Cục Quản lý đê điều đi kiểm tra nhiều lần thực trạng xây dựng bên bờ hữu sông Đáy thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình. Sau kiểm tra, Bộ NN và PTNT đã có Văn bản số 3245 ngày 11-9-2013 đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình xử lý vi phạm pháp luật về đê điều nhưng tình trạng xây dựng trên bãi bờ hữu sông Đáy vẫn tiếp diễn.

- Ngày 24-11-2014, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức Đoàn đi kiểm tra thực tế hệ thống đê sông Đáy, huyện Ý Yên bị xói lở do việc xây dựng các công trình bên bờ hữu sông Đáy tỉnh Ninh Bình gây ra và đã có các Văn bản số 820, 821, 822 ngày 9-12-2014 đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình, Bộ NN và PTNT, Bộ GTVT xử lý các công trình xây dựng vi phạm hành lang thoát lũ và làm ảnh hưởng đến dòng chảy sông Đáy. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh tiếp tục giao Sở NN và PTNT phối hợp với Sở GTVT tích cực làm việc với các cơ quan thuộc Bộ NN và PTNT, Bộ GTVT và các cơ quan hữu quan của tỉnh Ninh Bình để có biện pháp xử lý; đồng thời, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ sắp xếp lịch làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình để giải quyết vấn đề này.

2.2. Cử tri Thành phố Nam Định phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường của kho thuốc sâu thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trên địa bàn phường Lộc Hạ.

Thực hiện Văn bản số 2066 ngày 22-10-2014 của Tổng cục Môi trường về việc yêu cầu các tỉnh đề xuất danh mục hỗ trợ xử lý số hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, UBND tỉnh đã chỉ đạo lập danh mục và báo cáo 8 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, trong đó có kho thuốc trừ sâu thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trên địa bàn phường Lộc Hạ; đề nghị Tổng cục Môi trường cho lập dự án xử lý triệt để 8 điểm ô nhiễm môi trường này theo Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở TN và MT tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Tổng cục Môi trường để bố trí vốn triển khai các dự án nêu trên; trong đó ưu tiên cho điểm ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường Lộc Hạ, Thành phố Nam Định.

2.3. Cử tri các huyện đề nghị tỉnh sớm ban hành quy chuẩn xây dựng lò đốt rác thải để các địa phương có căn cứ xây dựng và tổ chức thực hiện.

Việc ban hành quy chuẩn xây dựng lò đốt rác thải thuộc thẩm quyền của Bộ KH và CN và Bộ TN và MT. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 xã, thị trấn đã đầu tư xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt; trong đó một số xã, thị trấn đã lắp đặt lò đốt rác LOSIHO do Cty TNHH Tân Thiên Phú sản xuất. Để lò đốt rác LOSIHO đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định; UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở: TN và MT, KH và CN, Công thương hướng dẫn, giúp đỡ Cty TNHH Tân Thiên Phú hoàn thiện và tổ chức kiểm định các thông số kỹ thuật về môi trường. Sở TN và MT đã đề nghị Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường lấy mẫu phân tích các thông số về khí thải. Kết quả phân tích cho thấy: Các thông số đều nằm trong quy chuẩn Việt Nam cho phép. Tuy nhiên đến nay, sản phẩm và công nghệ của lò đốt rác LOSIHO vẫn chưa được Bộ KH và CN xác nhận và công nhận.

Để ban hành quy chuẩn xây dựng lò đốt rác, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH và CN phối hợp với Sở Công thương, Sở TN và MT hướng dẫn Cty TNHH Tân Thiên Phú hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định để đề nghị Bộ KH và CN công nhận sản phẩm cũng như công nghệ của lò đốt rác LOSIHO để có thể nhân rộng và triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Nhóm ý kiến về Đầu tư, Giao thông, Xây dựng:

3.1. Cử tri huyện Giao Thủy đề nghị tỉnh quan tâm nâng cấp tuyến đường thuộc cụm kinh tế Giao Tiến, Giao Tân, Giao Thịnh từ đường 489 dốc Hoành Nha tới đầu cầu Giao Thịnh, giáp Quốc lộ 37B.

Theo phân cấp quản lý, tuyến đường liên xã này do UBND huyện Giao Thủy trực tiếp quản lý, sửa chữa, đầu tư, nâng cấp. Nếu hiện trạng tuyến đường này đã xuống cấp thì đề nghị UBND huyện Giao Thuỷ tập trung các nguồn vốn, nhất là vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ để sửa chữa, đảm bảo an toàn cho phương tiện và người tham gia giao thông cũng như để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tùy theo điều kiện và khả năng bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách huyện; UBND huyện Giao Thủy báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường này nếu vượt quá thẩm quyền theo phân cấp.

3.2. Cử tri huyện Vụ Bản đề nghị tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, xử lý nghiêm phương tiện quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn tỉnh; đã đi vào hoạt động thường xuyên, liên tục 24/24h vào tất cả các ngày trong tuần kể từ ngày 1-4-2014. Sau thời gian triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe, đến nay phần lớn các xe chở hàng đi qua Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã cơ bản chở đúng tải, đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số xe tải trọng dưới 5 tấn cơi nới thùng hàng, chở vật liệu xây dựng quá tải và một số phương tiện cố tình vi phạm, đi đường vòng để né tránh Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động... Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh yêu cầu Sở GTVT phối hợp với các ngành chức năng, nhất là lực lượng Công an, UBND các huyện, thành phố thực hiện quyết liệt và có các giải pháp hữu hiệu để chủ động kiểm soát các phương tiện quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ; xử lý nghiêm ở mức cao nhất những trường hợp vi phạm theo quy định của Nhà nước.

3.3. Cử tri huyện Nghĩa Hưng đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công đoạn đường Quốc lộ 37B từ xã Nghĩa Châu đến xã Nghĩa Trung.

Quốc lộ 37B đoạn từ xã Nghĩa Châu đến xã Nghĩa Trung có chiều dài 2,7km đi trùng đê tả sông Đáy. UBND tỉnh đã có Thông báo số 215 ngày 3-10-2014 đồng ý về chủ trương cho đầu tư xây dựng, nâng cấp đoạn 2,7km này theo quy mô của Dự án đầu tư Quốc lộ 37B (Trước đây, đoạn này chỉ đầu tư mặt đê thuộc dự án nâng cấp đê tả sông Đáy). Hiện nay, Chủ đầu tư là Sở NN và PTNT đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ theo quy trình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản để triển khai thi công đoạn đường này ngay khi xong thủ tục.

4. Nhóm ý kiến về Tài chính - Ngân hàng:

4.1. Cử tri huyện Vụ Bản đề nghị tỉnh xem xét trích từ nguồn 30% tiền sử dụng đất của tỉnh hỗ trợ cho ngân sách xã để phục vụ cho công tác GPMB và xây dựng NTM.

Theo quy định tại Nghị định số 69 của Chính phủ và Nghị quyết số 146 của HĐND tỉnh khóa XVI - kỳ họp thứ 15 thì tổng số tiền thu cấp quyền sử dụng đất phải trích 30% để lập Quỹ phát triển đất. Quỹ phát triển đất được quản lý theo nguyên tắc phải bảo toàn vốn Quỹ nên địa phương chỉ được ứng vốn Quỹ cho công tác đền bù, GPMB thực hiện các dự án phục vụ  phát triển KT-XH, sau đó phải bố trí kinh phí để hoàn trả nguồn vốn Quỹ. Do vậy, không thể trích Quỹ phát triển đất của tỉnh để cấp hỗ trợ cho ngân sách xã phục vụ công tác GPMB và đầu tư xây dựng NTM được.

 4.2. Cử tri các huyện Trực Ninh, Xuân Trường đề nghị tỉnh xem xét, điều chỉnh tỷ lệ điều tiết từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất theo hướng tăng tỷ lệ để lại cho các xã, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng NTM.

Trong thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015, tỷ lệ điều tiết tiền thu cấp quyền sử dụng đất được HĐND tỉnh quyết định như sau: Trích 30% để lập Quỹ phát triển đất theo quy định; số còn lại điều tiết toàn bộ cho ngân sách huyện và ngân sách xã; trong đó: Ngân sách huyện, thành phố là 20%; ngân sách xã, thị trấn là 50%.

Nhưng thực tế có sự chênh lệch lớn về số thu tiền cấp quyền sử dụng đất của các xã, thị trấn trên địa bàn các huyện, thành phố. Một số xã có số thu lớn trong khi nhiều xã khác có số thu rất thấp nên cần có tỷ lệ điều tiết cho ngân sách cấp huyện để chủ động bố trí hỗ trợ các xã, thị trấn không có hoặc có rất ít nguồn thu này để chi cho các công tác quy hoạch, đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tăng cường nguồn lực cho xây dựng NTM. Do đó, tỷ lệ điều tiết về tiền thu cấp quyền sử dụng đất mà HĐND tỉnh đã thông qua là phù hợp.

Theo quy định thì tiền thu cấp quyền sử dụng đất phần ngân sách huyện, thành phố được hưởng sẽ được dành để chi cho công tác quy hoạch, đo đạc địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các công việc liên quan đến quản lý đất đai; phần còn lại ưu tiên bố trí vốn cho công tác GPMP, vốn đối ứng và vốn cho các dự án trọng điểm của huyện. Tuy nhiên, thực tế vừa qua, có một số địa phương đã không thực hiện đúng các quy định trên. Vì vậy, năm 2015, UBND tỉnh giao các sở: TN và MT, KH và ĐT, Tài chính phối hợp kiểm tra và yêu cầu các huyện, thành phố quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này theo đúng quy định mà HĐND tỉnh đã thông qua.

5. Nhóm vấn đề về Văn hóa, Xã hội, Nội vụ:

5.1. Cử tri huyện Mỹ Lộc phản ánh việc thực hiện Công văn số 3658 ngày 17-9-2013 của BHXH Việt Nam về việc truy thu BHXH đối với giáo viên mầm non gặp khó khăn liên quan đến hồ sơ, giấy tờ.

Thực hiện Văn bản số 3658 của BHXH Việt Nam về việc truy thu BHXH đối với giáo viên mầm non; BHXH huyện Mỹ Lộc đã 2 lần trực tiếp làm việc với Phòng GD và ĐT huyện Mỹ Lộc và đã có Văn bản số 52 ngày 9-9-2014 đề nghị Phòng GD và ĐT huyện Mỹ Lộc tập hợp hồ sơ, hướng dẫn thủ tục truy thu BHXH cho giáo viên mầm non ngoài công lập trong diện được truy thu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Phòng GD và ĐT huyện Mỹ Lộc mới tập hợp được 4 hồ sơ gửi BHXH huyện Mỹ Lộc thẩm định trình BHXH tỉnh Nam Định phê duyệt truy thu theo quy định. Như vậy, việc để xảy ra tình trạng trên là do Phòng GD và ĐT huyện Mỹ Lộc tập hợp hồ sơ, thủ tục chậm. Nếu Phòng GD và ĐT huyện Mỹ Lộc hoàn thành tập hợp hồ sơ gửi BHXH huyện Mỹ Lộc trước ngày 25-12-2014 thì cơ quan BHXH vẫn tiếp nhận giải quyết theo quy định (vì BHXH Trung ương quy định thời gian truy thu là đến hết ngày 31-12-2014).

Để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên mầm non ngoài công lập trong diện được truy thu; UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Mỹ Lộc chỉ đạo Phòng GD và ĐT khẩn trương tập hợp đầy đủ hồ sơ cho các đối tượng được truy thu, gửi BHXH huyện trước ngày 25-12-2014 để được giải quyết theo quy định; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo quy định.

5.2. Cử tri huyện Hải Hậu đề nghị tỉnh bố trí đủ biên chế Phó hiệu trưởng trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập theo Thông tư số 71; đề nghị tỉnh quan tâm tuyển bổ sung giáo viên cho các trường mầm non công lập.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu để UBND tỉnh xem xét việc tuyển dụng giáo viên mầm non hợp đồng ngoài biên chế, nhân viên phục vụ và bố trí hiệu phó tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

5.3. Cử tri huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Mỹ Lộc, Xuân Trường đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm giải quyết số hồ sơ đề nghị hưởng chế độ đối với những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và sớm cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được hưởng chế độ theo Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ.

a) Theo báo cáo của Sở LĐ-TB và XH, đến nay mới tiếp nhận được 68 hồ sơ của 8 huyện, thành phố (trừ huyện Xuân Trường, Mỹ Lộc) để tổ chức thẩm định theo quy định. Nhưng theo phản ánh, hiện nay, có tình trạng tăng bất thường trong việc lập hồ sơ cho diện đối tượng này ở cấp xã, phường, thị trấn. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là: Có nhiều người đã lợi dụng sự lỏng lẻo trong việc khám, cấp giấy tờ ra viện và bản sao bệnh án của 2 loại bệnh: Thần kinh ngoại biên và Đái tháo đường tuýp 2 để lập hồ sơ đề nghị các cơ quan liên quan xem xét giải quyết chế độ cho người bị nhiễm chất độc hóa học.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh khuyến cáo nhân dân cần tìm hiểu kỹ các quy định của Nhà nước và đến các cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn giải quyết theo quy định và tránh những tiêu cực có thể xảy ra.

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh yêu cầu:

- Sở Y tế tăng cường kiểm tra, phối hợp Sở LĐ-TB và XH chỉ đạo, xem xét việc nằm viện, khám điều trị, cấp giấy tờ ra viện, sao bệnh án cho bệnh nhân đúng đối tượng; thực hiện khám, giám định y khoa chặt chẽ và hạn chế đến mức tối đa những sai sót, tiêu cực có thể xảy ra.

- Giao Sở LĐ-TB và XH tập trung, khẩn trương thẩm định hồ sơ của các huyện, thành phố để giải quyết kịp thời cho các đối tượng theo quy định. Việc thẩm định hồ sơ phải đảm bảo chặt chẽ, chính xác, đúng quy trình, không để phát sinh khiếu kiện, thắc mắc trong nhân dân; tăng cường công khai, minh bạch thủ tục hành chính và đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống tiêu cực có thể phát sinh trong xét duyệt, thẩm định hồ sơ cho các đối tượng.

b) Về việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc theo Quyết định 62.

- Tính từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã quyết định cấp thẻ BHYT cho 17.200 người thuộc đối tượng hưởng trợ cấp 1 lần theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ.

- Theo báo cáo của Sở LĐ-TB và XH, đến nay, các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Mỹ Lộc, Xuân Trường mới gửi danh sách trợ cấp 1 lần của 1.258 đối tượng đến Sở để thẩm định; trong đó có: 1.002 hồ sơ đã thẩm định đủ điều kiện; 256 hồ sơ chưa đủ điều kiện do sai lệch họ, tên, năm sinh, nơi cư trú.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB và XH và các huyện, thành phố khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để cấp thẻ BHYT cho các đối tượng đủ điều kiện được hưởng trong tháng 12-2014.

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp, thưa các vị đại biểu, thưa toàn thể nhân dân.

Thay mặt UBND tỉnh, tôi đã làm rõ hơn một số ý kiến, kiến nghị trọng tâm của cử tri. Những ý kiến, kiến nghị còn lại của cử tri; UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu HĐND tỉnh để thông tin cho cử tri được biết.

Để tiếp thu và triển khai tổ chức thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh; ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp; tôi trân trọng đề nghị HĐND tỉnh tăng cường công tác giám sát đối với các cấp, các ngành, nhất là đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ. Tôi cũng mong cử tri và nhân dân trong tỉnh tiếp tục ủng hộ, sát cánh cùng UBND các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, nhất là cần tiếp tục phát huy việc hiến đất, góp đất, tháo dỡ công trình để xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch, giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng theo cơ chế xây dựng NTM.

Thay mặt UBND tỉnh, một lần nữa tôi xin cảm ơn sự quan tâm của các vị đại biểu HĐND tỉnh và cử tri toàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Nghị quyết của kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khoá XVII đã đề ra và nghiêm túc tiếp thu, tập trung giải quyết dứt điểm những ý kiến, kiến nghị của cử tri có liên quan đến ngành mình, địa phương mình.

UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển KT-XH mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.

Cuối cùng, tôi xin kính chúc các đồng chí, các vị đại biểu, cùng toàn thể nhân dân, sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

--------------------------
(*) Đầu đề của Báo Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com