Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh

08:11, 14/11/2014

Ngày 12-11-2014, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 17-7-2014 của Tỉnh ủy và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, kế hoạch sản xuất vụ xuân năm 2015. Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị các cấp đã nghiêm túc quán triệt và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các chủ trương, đường lối đổi mới kinh tế của Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đến nay, nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển ổn định và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, ổn định và từng bước nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Tốc độ tăng trưởng sản xuất hằng năm ổn định từ 2,5-3,2%; năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng; hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu sản xuất, phòng chống thiên tai và xây dựng NTM; nền nông nghiệp hàng hóa đang dần hình thành và phát triển; diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, kinh tế nông nghiệp của tỉnh cũng bộc lộ hạn chế, yếu kém: các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất có xu hướng chậm dần. Tiềm năng cây trồng, vật nuôi, đất đai, khí hậu và một số sản phẩm chủ lực có lợi thế chưa được khai thác, phát triển hợp lý. Sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp chưa phát triển. Tình trạng thiếu việc làm, ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng. Năng suất lao động xã hội, thu nhập của người dân thấp; đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận dân cư nông thôn còn nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu... Để khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém trên và thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng NTM, ngày 17-7-2014, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020”. Theo đó, trong quá trình triển khai thực hiện, cấp ủy Đảng, chính quyền phải tập trung thống nhất, đồng bộ, quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành, huy động sự hưởng ứng, tham gia tích cực của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế và nhân dân. Thống nhất nhận thức: nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp là chủ thể; chính quyền các cấp giữ vai trò quản lý, định hướng, hỗ trợ tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông qua việc ban hành và thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế, chính sách, thu hút các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết với nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới quy trình công nghệ, mô hình tổ chức sản xuất; khai thác bền vững các tiềm năng đất đai, lao động và nguồn lợi biển. Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn kết chặt chẽ với chương trình xây dựng NTM, bảo vệ môi trường xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hàng hóa bền vững, hiệu quả với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống dân cư nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt các nội dung và 7 nhóm giải pháp chủ yếu của Đề án. Phấn đấu đạt một số mục tiêu cụ thể của Đề án, đến năm 2015 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp đạt bình quân 3,4-3,6% so với năm 2013, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 26-29 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3,5%. Đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp đạt bình quân khoảng 4,6%/năm, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 46-49 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%. Ưu tiên đầu tư, phát triển 5 sản phẩm trồng trọt và 4 sản phẩm chăn nuôi chủ lực.

Hội nghị cũng triển khai chỉ đạo của tỉnh về sản xuất vụ xuân 2015. Mặc dù sản xuất vụ xuân 2014 gặp nhiều khó khăn, song với sự tập trung chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; nỗ lực khắc phục khó khăn của ngành NN và PTNT và nông dân trong tỉnh nên đã giành kết quả khá toàn diện, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản, thực phẩm, chuyển dịch cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất, tạo tiền đề thuận lợi cho sản xuất vụ mùa, vụ đông. Năng suất lúa bình quân đạt 69,1 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 527.464 tấn, giá trị sản lượng ước đạt 3.897 tỷ đồng. Giá trị sản xuất rau màu đạt 718 tỷ đồng, bình quân 51,4 triệu đồng/ha. Chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong nông hộ tiếp tục giảm, mở rộng chăn nuôi trang trại, gia trại, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Giá trị tổng sản phẩm chăn nuôi đạt 2.838 tỷ đồng, tăng 3%. Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, các nhiệm vụ xây dựng NTM được triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả; đồng ruộng, kênh mương và hạ tầng nông thôn tiếp tục được chỉnh trang, nâng cấp; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Để sản xuất vụ xuân 2015 giành thắng lợi, các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường quản lý, thực hiện tốt các quy hoạch; chiến dịch làm thủy lợi nội đồng và công tác phòng, chống hạn; tăng cường các biện pháp thâm canh bảo vệ cây trồng và vật nuôi. Mở rộng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tăng cường hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nông nghiệp xã; chuyển đổi mạnh hoạt động của các HTXDVNN theo Luật HTX năm 2012. Tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATVSTP. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM. Các chỉ tiêu chủ yếu trong vụ xuân 2015: toàn tỉnh gieo cấy 75,8 nghìn ha lúa, phấn đấu đạt năng suất từ 69 tạ/ha trở lên; trồng 14,5 nghìn ha rau màu, năng suất: lạc trên 38 tạ/ha, ngô trên 48 tạ/ha, khoai tây nhân giống 140 tạ/ha... Phấn đấu tổng đàn lợn đạt 750 nghìn con, đàn trâu bò 41 nghìn con, đàn gia cầm 7 triệu con. Hạn chế tối đa phát sinh dịch bệnh nguy hiểm và đạt chỉ tiêu tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh là nhiệm vụ to lớn, cần xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Để thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TU và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, đồng chí đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản và muối để lập Đề án tái cơ cấu của từng địa phương cho phù hợp. Sử dụng linh hoạt đất trồng lúa: quy hoạch vùng trồng lúa kém hiệu quả, do ảnh hưởng của nước mặn xâm nhập sâu sang nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ; quy hoạch vùng trồng lúa thấp trũng kém hiệu quả sang mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ cá; quy hoạch vùng chuyên màu và vùng cây vụ đông trên đất 2 lúa để đầu tư hạ tầng cho phù hợp. Quy hoạch, xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực có hiệu quả kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh phù hợp với địa phương. Tổ chức lại mô hình sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với HTX và người nông dân để tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi; gắn việc liên kết sản xuất với xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Các huyện ủy, thành ủy cần quan tâm chỉ đạo gắn việc tổ chức đại hội theo nhiệm kỳ của các HTXNN với kiện toàn lại các HTXNN. Khi giao đất, cho thuê đất để làm trang trại, gia trại phải gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Về triển khai sản xuất vụ xuân 2015, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết gắn với kế hoạch sản xuất cả năm 2015 để xác định được diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa. Tích cực làm thủy lợi nội đồng; chuẩn bị đủ lượng giống theo cơ cấu; chủ động các phương án phòng, chống rét cho mạ. Tăng cường công tác thú y, kiểm tra, giám sát, phát hiện dịch bệnh kịp thời, chủ động biện pháp khoanh vùng dập dịch bảo đảm an toàn đàn vật nuôi./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com