Ngày 31-10-2014, tại tỉnh Nam Định, Bộ NN và PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ hè thu, vụ mùa 2014; triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông 2014 các tỉnh phía Bắc, thảo luận Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam”. Đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT và đồng chí Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ NN và PTNT; Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương; Sở NN và PTNT 31 tỉnh, thành phố phía Bắc, đại diện một số doanh nghiệp.
Vụ hè thu, vụ mùa năm 2014 được triển khai trong điều kiện do ảnh hưởng của rét đậm kéo dài trong giai đoạn cấy và gieo sạ, số giờ nắng thấp, nên lúa xuân trỗ chậm hơn so với trung bình nhiều năm 7-10 ngày gây áp lực về thời vụ giữa vụ xuân với vụ hè thu, vụ mùa. Thời tiết vụ hè thu, vụ mùa 2014 tiếp tục diễn biến phức tạp bất thường. Giá các loại vật tư nông nghiệp tăng cao, một số loại vật tư thiết yếu như phân bón, thuốc BVTV chất lượng chưa ổn định. Mặc dù gặp một số khó khăn nhưng sản xuất vụ hè thu và vụ mùa ở các tỉnh phía Bắc năm 2014 vẫn đạt kết quả thắng lợi. Vụ hè thu 2014, các tỉnh Bắc Trung Bộ gieo cấy 164,6 nghìn ha lúa, năng suất trung bình đạt 48,9 tạ/ha, tăng 4,4 tạ/ha; sản lượng đạt 804,8 nghìn tấn, tăng trên 75 nghìn tấn (10,3%) so với vụ hè thu 2013. Đây là vụ hè thu đạt năng suất cao nhất so với một số năm gần đây, nhiều tỉnh năng suất không thua kém vụ xuân. Vụ mùa 2014, toàn miền Bắc gieo cấy 1.124,9 nghìn ha lúa; năng suất trung bình ước đạt 51,9 tạ/ha; sản lượng ước đạt 5,843 triệu tấn; cả năng suất và sản lượng đều vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm 2013. Tỷ lệ trà mùa sớm tiếp tục được mở rộng bằng các giống lúa ngắn ngày, chất lượng, năng suất cao. Diện tích lúa chất lượng tiếp tục tăng; diện tích gieo thẳng tiếp tục được mở rộng ở vụ mùa… 17 tỉnh, thành phố phía Bắc xây dựng khoảng 700 mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) trong vụ hè thu, vụ mùa với tổng diện tích 27.500ha đã tăng cường mối liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, đồng thời khẳng định tính bền vững, hiệu quả trong liên kết “4 nhà”. Nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang những cây trồng hằng năm khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Tính đến hết ngày 30-9-2014, diện tích rau màu hè thu, vụ mùa năm 2014 của toàn miền Bắc ước đạt 569,8 nghìn ha, tăng 11% so với cùng kỳ, tập trung vào các loại cây chủ lực là: ngô 226,5 nghìn ha, khoai lang 23 nghìn ha, sắn 111 nghìn ha, lạc 26,8 nghìn ha… Trong vụ đông xuân 2014-2015, toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy 1.134,7 nghìn ha lúa; phấn đấu đạt 860 nghìn ha cây rau màu. Để vụ đông xuân năm 2014 giành thắng lợi, các cơ quan của Bộ NN và PTNT tập trung phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều tiết lịch xả nước kịp thời đảm bảo đủ nước cho vụ đông xuân. Làm tốt công tác dự báo, cảnh báo về diễn biến thời tiết, sâu bệnh và chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời, có hiệu quả. Các địa phương xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai vụ đông xuân theo đúng lịch thời vụ. Tăng cường thông tin tuyên truyền, chỉ đạo các huyện tập huấn kỹ thuật gieo mạ và bảo vệ mạ nếu thời tiết bất thuận xảy ra, kỹ thuật gieo thẳng lúa, sản xuất rau màu… Tổng kết mô hình CĐML, đánh giá hiệu quả, tăng cường xây dựng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm đảm bảo đạt hiệu quả cao. Theo sát lịch xả nước, chuẩn bị các phương án, kế hoạch cấp nước cho các vùng sản xuất lúa đảm bảo thời gian và tiến độ. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Theo dõi sát diễn biến của thời tiết và tình hình hạn hán, sâu bệnh trong vụ đông xuân 2014-2015 để có biện pháp chủ động phòng, chống kịp thời, hiệu quả.
Theo dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2010 của Bộ NN và PTNT, nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam; đảm bảo hài hòa lợi ích của các tác nhân trong chuỗi giá trị; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực; đạt giá trị xuất khẩu bình quân 600 USD/tấn nhóm gạo trắng hạt dài và 800 USD/tấn nhóm gạo thơm, đặc sản; giá trị sản lượng trên 1ha đất trồng lúa bình quân đạt 100-120 triệu đồng; sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với thị trường, giá bán cao; áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, giảm thiểu chi phí, giảm ô nhiễm môi trường; áp dụng cơ giới hóa, giảm thất thoát sau thu hoạch, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đổi mới chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản, trong đó có lúa, gạo...
Hội nghị đã nghe các báo cáo của Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; tham luận của Sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố và một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đại biểu các tỉnh phía Bắc cũng nhất trí cao với Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2010, khẳng định mục tiêu then chốt của Đề án là nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người nông dân, nâng cao khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ NN và PTNT đánh giá vụ hè thu, vụ mùa năm nay của miền Bắc là thắng lợi nhất trong vài năm trở lại đây nhờ sự chỉ đạo quyết liệt trong tổ chức sản xuất phù hợp với tình hình thời tiết. Để lĩnh vực sản xuất lúa, gạo đạt hiệu quả cao hơn nữa, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung vào các giống lúa chất lượng, chỉ sử dụng 3-4 giống chủ lực; giảm chi phí đầu vào; tổ chức lại sản xuất theo mô hình CĐML./.
Ngọc Ánh