Các ban của HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề

08:10, 17/10/2014

Thực hiện chương trình giám sát chuyên đề năm 2014, trong các ngày 9 và 15-10-2014, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do đồng chí Bùi Xuân Đức, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn đã tiến hành giám sát việc cải cách thủ tục hành chính tại Sở Nội vụ và Thành phố Nam Định; Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát công tác quản lý và cung ứng điện trên địa bàn nông thôn tại Điện lực Vụ Bản và Cty Điện lực Nam Định.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) được triển khai thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước. Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành các văn bản, kế hoạch về CCHC; chỉ đạo Sở Tư pháp rà soát, kiểm tra hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành. Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính được sửa đổi, đơn giản hóa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tiếp tục được duy trì. Hiện đã có 17 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 10 huyện, thành phố và 229 xã, phường, thị trấn và các cơ quan: Công an Thành phố Nam Định, Cục Thuế tỉnh, BHXH tỉnh đã thực hiện theo cơ chế “một cửa”; Sở KH và ĐT thực hiện “một cửa liên thông” trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh và cấp mã số thuế. UBND Thành phố Nam Định đã thực hiện mô hình “một cửa hiện đại”. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng cao. Từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thi tuyển và xét tuyển 416 công chức, 3.784 viên chức; cử hàng trăm lượt công chức đi thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, tham gia học các lớp cao cấp chính trị và tổ chức các lớp trung cấp luật, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước và nghiệp vụ chuyên ngành cho hàng nghìn lượt cán bộ, công chức… Việc hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước được tích cực thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 43 đơn vị gồm các sở, ban, ngành, chi cục và UBND cấp huyện đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã có Trang tin điện tử và thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử… Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện CCHC trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn chậm, chưa có bước đột phá. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác CCHC; chưa thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận văn bản điện tử, quản lý văn bản để quản lý và điều hành công việc. Cấp xã chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính đã công bố; việc công khai, minh bạch CCHC, phí, lệ phí chưa đủ về số lượng, chưa đúng các thủ tục hành chính được công bố; nhiều xã chưa công khai các thủ tục hành chính mới… Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa được thực hiện thường xuyên… Để tiếp tục thực hiện CCHC trong thời gian tới Sở Nội vụ kiến nghị với Ban TVTU có văn bản chỉ đạo cấp ủy Đảng các cấp, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh CCHC và cải cách chế độ công vụ.

Tại Thành phố Nam Định, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch CCHC, tập trung cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung củng cố Trung tâm giao dịch hành chính một cửa thành phố. Đến nay Trung tâm giao dịch hành chính một cửa thành phố đang thực hiện 15 thủ tục của 7 phòng, ban gồm: TN và MT, Quản lý đô thị, Tư pháp, Tài chính - kế hoạch, LĐ-TB và XH, Nội vụ, Kinh tế, GD và ĐT với quy trình giải quyết công việc nhanh, gọn, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức và công dân. Tại UBND các phường, xã đều bố trí phòng riêng, thuận tiện trong việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”; thực hiện niêm yết công khai, đầy đủ các quy trình, thủ tục, giá thu phí, lệ phí, thời gian giải quyết theo quy định của thành phố và của tỉnh; bố trí cán bộ có đủ trình độ chuyên môn ở các lĩnh vực để giải quyết công việc phục vụ tổ chức và công dân. Từ năm 2010 đến nay, UBND thành phố đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính như: đưa Trang thông tin điện tử của thành phố vào hoạt động; tổ chức đối thoại trực tuyến hằng quý giữa lãnh đạo UBND và các phòng, ban để trả lời, giải đáp ý kiến của nhân dân. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, UBND thành phố đã thực hiện việc đưa thủ tục hành chính, lịch công tác, giấy mời họp lên mạng để các đơn vị, người dân quan tâm cập nhật, theo dõi thực hiện. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC trên địa bàn thành phố vẫn còn những tồn tại như: Một số nhiệm vụ CCHC đạt kết quả chưa cao;  thời gian giải quyết hồ sơ mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Trung tâm giao dịch hành chính một cửa thành phố còn chậm. Hoạt động theo cơ chế “một cửa” tại UBND một số phường, xã chưa được lãnh đạo UBND quan tâm chỉ đạo; công chức thực hiện nhiệm vụ chưa thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực phụ trách, sự phối hợp giải quyết công việc liên quan giữa các công chức còn hạn chế. Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ CCHC trong thời gian tới, UBND Thành phố Nam Định đề nghị với HĐND, UBND tỉnh nghiên cứu ban hành quy chế thống nhất về quản lý, điều hành bộ phận “một cửa” cấp huyện và cấp xã, quy định rõ cơ chế quản lý, chức trách từng vị trí, cơ chế tiếp nhận, xử lý vướng mắc, cơ chế kiểm tra, đánh giá cán bộ để UBND cấp huyện và cấp xã thống nhất áp dụng thực hiện. Ban hành quy định hỗ trợ kinh phí cho cán bộ làm công tác CCHC và tiếp nhận, trả hồ sơ tại bộ phận “một cửa” các cấp.

Tại các buổi làm việc, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị Sở Nội vụ làm rõ một số nội dung có liên quan đến công tác CCHC như: công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; công tác tinh giảm biên chế; việc thực hiện cải cách chế độ công vụ công chức giai đoạn 2013-2015; việc thực hiện chủ trương của tỉnh về tuyển dụng cán bộ công chức tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại xã, phường, thị trấn. Lộ trình thực hiện Đề án “Hệ thống giao dịch hành chính theo cơ chế một cửa tập trung liên thông hiện đại” tại các sở, ngành và các huyện, thành phố. Công tác thanh tra, kiểm tra công tác nội vụ... UBND Thành phố Nam Định làm rõ một số nội dung như: Công tác phối hợp, giúp đỡ từ các sở, ngành chức năng của tỉnh đối với thành phố trong CCHC. Những thủ tục hành chính cần loại bỏ, bổ sung trong quá trình thực hiện. Thực trạng việc ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ CCHC tại Trung tâm giao dịch hành chính “một cửa” thành phố và bộ phận “một cửa” các phường, xã; cơ chế quản lý Trang thông tin điện tử của UBND thành phố... Đồng thời, Đoàn giám sát cũng tiếp thu các nội dung kiến nghị trong công tác CCHC của Sở Nội vụ và UBND Thành phố Nam Định để đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Tại Điện lực huyện Vụ Bản, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tập trung giám sát về công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Đến nay Điện lực Vụ Bản đã tiếp nhận xong 42 nghìn công tơ các loại, 141km đường dây hạ thế, gần 400km dây nhánh rẽ. Sau khi tiếp nhận đều đảm bảo quản lý, vận hành an toàn, hoàn tất mọi hồ sơ, thủ tục, ký hợp đồng mua bán điện, củng cố hệ thống đo đếm, kiểm tra rà soát lưới điện để lập phương án đầu tư, cải tạo, nâng cấp lưới điện, đảm bảo cung ứng điện an toàn ổn định, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Đối với lưới điện trung thế đã được cải tạo nâng cấp, chuyển đổi từ lưới 6kV, 10kV sang vận hành 22kV, xóa bỏ 2 trạm trung gian Gôi và Cộng Hòa. Việc cung ứng điện kịp thời đã đáp ứng tốt tiêu chí về điện nông thôn trong xây dựng NTM. Tại Cty Điện lực Nam Định, đoàn giám sát tập trung làm rõ công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, công tác đầu tư cải tạo lưới điện nông thôn. Sau khi khi tiếp nhận và trong xây dựng NTM, toàn tỉnh đã xây dựng mới 105km đường dây 35kV; xây dựng mới và cải tạo 815km đường dây 22kV. Trước khi tiếp nhận lưới điện hạ áp khu vực nông thôn có 880 trạm biến áp với dung lượng 235 nghìn kVA, đến nay đã xây dựng thêm 618 trạm; thay thế và xây dựng mới 22.600 cột điện; cải tạo nâng cấp 2.990km dây trần bằng dây bọc; xây dựng mới 778km dây bọc, bảo đảm an toàn tiết kiệm trong sử dụng điện, chất lượng điện được nâng cao, tổn thất điện năng trên lưới điện hạ áp nông thôn giảm; công tác quản lý hành lang an toàn lưới điện cao áp và công tác phòng, chống lụt bão được tăng cường, đảm bảo tiêu chí về điện trong xây dựng NTM. Tại các buổi giám sát, Điện lực Vụ Bản và Cty Điện lực Nam Định cũng đã nêu những khó khăn trong việc quản lý lưới điện, công tác giải phóng mặt bằng để thi công, cải tạo nâng cấp lưới điện, các cấp chính quyền, các ngành quan tâm quản lý tốt hành lang lưới điện cao áp, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã đề nghị Điện lực Vụ Bản và Cty Điện lực Nam Định làm rõ một số vấn đề sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn về công tác quy hoạch lưới điện, giá điện, quá trình xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện, tình trạng trộm cắp điện khu vực nông thôn…

Văn Trọng Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com