Chiều 15-9-2014, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và 26 tỉnh, thành phố về công tác ứng phó với cơn bão số 3 (tên quốc tế là bão Kalmaegi). Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị. Dự hội nghị, tại đầu cầu tỉnh ta có các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh; Bùi Đức Long, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bạch Ngọc Chiến, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy.
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh phát biểu giao nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh. Ảnh: Nguyễn Hương |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 3 (Kalmaegi) đã đi vào Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh khu vực ven biển từ Ninh Bình đến Quảng Ninh. Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, có diễn biến phức tạp, dự báo sẽ gây mưa lớn, gió mạnh dần ở các tỉnh Bắc Bộ từ chiều tối mai (16-9).
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 16-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 109,72 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 260km về phía Đông - Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km một giờ), giật cấp 15, 16.
Vị trí và đường đi của cơn bão số 3. Ảnh: nchmf.gov.vn |
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe ý kiến của các bộ, ngành: NN và PTNT, Quốc phòng, Ngoại giao, Công thương, TT và TT và các địa phương: Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La về công tác triển khai phòng, chống cơn bão số 3 và khó khăn của ngành, địa phương mình.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhận định: Đây là cơn bão lớn và đang có xu hướng mạnh lên với sức gió lên đến cấp 13, cấp 14, dự báo chiều tối 16-9-2014 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển nước ta nên không được chủ quan, coi thường. Đồng thời biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai công tác ứng phó với bão số 3. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương cần thực hiện tốt các công việc sau: Tiếp tục theo dõi sát diễn biến của bão; thường xuyên cập nhật kịp thời thông tin về cơn bão trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân sẵn sàng phòng, chống thiên tai, ứng phó với mưa bão. Tổ chức kêu gọi tàu thuyền và người tại các chòi canh nuôi trồng thuỷ sản vào bờ, di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 17h ngày 16-9-2014. Các địa phương chuẩn bị phương án bảo vệ sản xuất và hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất sau bão. Bộ GTVT chú ý các phương án đảm bảo giao thông, đặc biệt là các khu vực bị chia cắt để có biện pháp ứng cứu. Bố trí biển báo giao thông, người canh gác tại các vị trí giao thông bị ngập tràn. Rà soát lại các phương tiện, vật tư PCLB và bổ sung kịp thời đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”. Các tỉnh miền núi phía Bắc chú ý hiện tượng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, có biện pháp phòng tránh và di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Các địa phương tổ chức chống bão và cử các thành viên trong Ban Chỉ huy PCLB kiểm tra thực tế địa bàn; dừng các cuộc họp không cần thiết; thực hiện chằng chống nhà cửa, công sở, trường học, chặt tỉa cây, kiểm tra, đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước; bơm tiêu nước đệm; khơi thông cống rãnh trong các khu đô thị, thành phố. Thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại các địa bàn trọng điểm. Các bộ, ngành khác theo chức năng và nhiệm vụ được phân công thực hiện tốt nhiệm vụ được giao cũng như công tác phòng, chống bão số 3 ở cơ quan, đơn vị mình.
Tại tỉnh ta dự kiến bão sẽ đổ bộ vào thời điểm sáng ngày 17-9-2014. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ sáng 16-9-2014 sẽ có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông; vùng ven biển có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 12-13. Lượng mưa phổ biến từ 100-150mm. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 41.400ha lúa mùa đã trỗ; 3.593 ha rau màu chưa thu hoạch; 15.567ha nuôi trồng thủy hải sản. Mức nước hiện tại trong đồng và các bể hút của hệ thống bơm động lực đều cao hơn mực nước khống chế khi có áp thấp nhiệt đới và bão trực tiếp. Có 694 tàu, 1.685 ngư dân đang hoạt động trên biển; 732 chòi canh, 750 người canh coi tại các đầm chòi canh nuôi thủy hải sản. 7 công trình của các dự án đê điều PCLB phải thường trực và có phương án bảo vệ. Số hộ dân ở các nhà tạm, nhà yếu và vùng nguy hiểm của 3 huyện ven biển là 11.403 hộ, 100.260 người; 3.462 căn nhà yếu cần phải di dời. Số hộ di dời theo phương án có siêu bão là 27.286 hộ, gần 30 nghìn khẩu. Để chủ động ứng phó với bão, ngày 15-9-2014, UBND tỉnh đã ban hành Công điện gửi UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành, địa phương, Cty TNHH một thành viên KTCTTL trên địa bàn chủ động triển khai các phương án phòng, chống bão số 3. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kiểm đếm số lượng tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi, kêu gọi tàu thuyền vào bờ, tìm mọi biện pháp thông báo cho các chủ phương tiện về hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, đi ra khỏi khu vực nguy hiểm; giữ liên lạc thường xuyên với chủ phương tiện để kịp thời xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra. Tập trung các phương án bảo vệ lúa, hoa màu, khẩn trương tiêu rút nước đệm, củng cố bờ vùng, kiểm tra máy móc thiết bị, hệ thống lưới điện của các trạm bơm để chủ động chống úng khi mưa lớn. Rà soát phương án phòng, chống bão lũ tại các địa phương; triển khai phương án sơ tán người canh coi tại các chòi canh, đầm nuôi thủy sản, các bãi sông ven biển xong trước 17h ngày 16-9-2014 và chủ động di dời dân từ các nhà yếu sang nhà kiên cố và khách ở các khu du lịch ven biển đến nơi tránh trú an toàn. Kiểm tra, rà soát các công trình đê điều, đặc biệt là các công trình đang thi công. Chủ động phương án đảm bảo an toàn cho người, vật tư, thiết bị tài sản, an toàn công trình theo phương châm “4 tại chỗ”. Duy trì phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh. Đến 17h ngày 15-9-2014, toàn tỉnh đã liên lạc được với 100% chủ tàu thuyền, lều chòi canh vây vạng, nuôi trồng thủy hải sản; neo đậu 1.073/1.611 phương tiện đang đánh bắt ven bờ; 191/347 phương tiện đánh bắt xa bờ. Vật tư dự trữ PCLB và phương tiện vận chuyển ứng cứu được chuẩn bị đầy đủ theo kế hoạch.
Tiếp thu ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh; các sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện tốt các công việc sau: Thực hiện nghiêm tinh thần của các Công điện; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền; hướng dẫn nhân dân bảo vệ sản xuất; chủ động bơm tiêu nước đệm trong vùng nội đồng; nghiêm cấm các phương tiện ra khơi và tổ chức kêu gọi các tàu thuyền vào bờ xong trước 12 giờ ngày 16-9-2014. Hoàn thành gọi người dân tại các vùng nuôi thủy sản vào bờ, tiêu rút nước đệm đảm bảo mức nước khống chế vào trước 16h30 ngày 16-9-2014. Các Cty KTCTTL kiểm tra máy móc, thiết bị chuẩn bị tiêu úng. Tuyên truyền chỉ đạo các xã hướng dẫn bà con chằng chống nhà cửa, bảo vệ sản xuất qua hệ thống đài truyền thanh xã. Các phương tiện thông tin tăng cường thời lượng phát sóng, cập nhật các bản tin khí tượng thủy văn. Đảm bảo cung ứng điện cho PCLB, chống úng. Tổ chức chằng chống nhà cửa, trường học, công sở, quan tâm đến hộ gia đình chính sách… Dừng các cuộc họp không cần thiết, các thành viên BCH xuống địa bàn được phân công. Kiểm tra các bến đò ngang, chú ý các vị trí đường giao thông hay bị ngập úng và có phương án phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt. Ngành Điện đảm bảo an toàn điện trong bão và cung ứng kịp thời, đầy đủ điện cho công tác chống bão, nhất là việc chống úng cho lúa mùa. Sẵn sàng phương án hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất sau bão. Tỉnh thành lập 4 đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại 3 huyện ven biển và huyện Xuân Trường./.
Nguyễn Hương