Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày 22-9-2014, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của tỉnh tổ chức hội nghị thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp 48 ý kiến vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và 34 ý kiến vào Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đối với Luật BHXH (sửa đổi), dự thảo Luật gồm 9 chương, 127 điều quy định chế độ, chính sách BHXH; Quyền và trách nhiệm của người lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, cơ quan BHXH, quỹ BHXH; Thủ tục thực hiện BHXH và quản lý Nhà nước về BHXH. Các đại biểu đánh giá cao ý nghĩa, tính cần thiết của Luật trong đời sống xã hội và tập trung thảo luận vào một số vấn đề như: Tính khả thi của việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là “người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng”; Quyền lợi của người lao động và trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với việc tham gia BHXH; Quy định về cách tính mức hưởng lương hưu hằng tháng; Quy định về chế độ nghỉ thai sản, ốm đau; Các ý kiến cũng cho rằng cần thống nhất đơn vị có chức năng thanh tra việc thu nộp BHXH nhằm tránh tình trạng trùng lặp, chồng chéo khi có nhiều đơn vị cùng tham gia hoạt động thanh, kiểm tra và đưa thêm một số đối tượng như cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn vào diện đóng BHXH bắt buộc, có sự hỗ trợ của Nhà nước…
Đối với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp bao gồm 10 chương, 68 điều, quy định việc đầu tư, quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và giám sát các hoạt động đầu tư, quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Luật nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, tránh lãng phí, thất thoát và phục vụ cho quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nói riêng và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung cũng như đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng trong quản lý kinh tế. Các ý kiến cho rằng việc ban hành Luật phải khắc phục được các hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp trong thời gian qua; đáp ứng các yêu cầu quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước trong việc định hướng, tổ chức lại, nâng cao và phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với công tác quản lý doanh nghiệp./.
Thanh Tuấn