Ngày 23-9-2014, đồng chí Đoàn Hồng Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở LĐ-TB và XH về tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2014. Cùng dự có các đồng chí: Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc. |
9 tháng đầu năm 2014, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ LĐ-TB và XH, Sở LĐ-TB và XH đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ được giao. Đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong Chương trình giải quyết việc làm và dạy nghề như: tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề, cho vay vốn, tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đúng Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật BHYT, các hoạt động về an toàn vệ sinh lao động, dạy nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm; tư vấn và việc làm, học nghề cho hơn 6.100 người; giới thiệu việc làm cho 2.046 người (đạt 204% kế hoạch năm); đào tạo nghề ở 3 cấp trình độ là 23.250 người (đạt 82,6% kế hoạch năm); giải quyết việc làm mới cho khoảng 25.600 lượt người, trong đó xuất khẩu lao động 1.269 người. Đã giải quyết chế độ cho trên 38 nghìn lượt đối tượng người có công; thực hiện chế độ điều dưỡng đối với 13.990 người có công. Tham mưu với UBND tỉnh triển khai rà soát việc thực hiện chế độ chính sách người có công theo Chỉ thị số 23/CT-TTg tại các huyện, thành phố; hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát tại các xã, phường, thị trấn; phối hợp với các ngành chức năng tham mưu với UBND tỉnh triển khai Quyết định 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công. Thực hiện cấp quà của Chủ tịch nước và của tỉnh, của các đơn vị hỗ trợ cho người có công trong dịp Tết Nguyên đán và dịp 27-7-2014 gần 20 tỷ đồng. Thực hiện chi trả trợ cấp cho người có công năm 2014 ước trên 1.000 tỷ đồng. Trong công tác bảo trợ xã hội và giảm nghèo, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo: đã có 5.039 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với số dư gần 123 tỷ đồng; 3.880 hộ cận nghèo được vay 93,7 tỷ đồng; 14.500 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo được vay 76,5 tỷ đồng; 77.431 người nghèo được cấp thẻ BHYT với tổng kinh phí 48 tỷ đồng; 111.648 người cận nghèo được cấp thẻ BHYT với tổng kinh phí 69,3 tỷ đồng; trích Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ 210 hộ nghèo xây mới nhà ở với tổng kinh phí 4,2 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa 20 nhà với kinh phí 20 triệu đồng. Hỗ trợ chi phí học tập cho 27.912 học sinh, sinh viên với tổng kinh phí 13,1 tỷ đồng. Sở LĐ-TB và XH tham mưu với UBND tỉnh và hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện các chế độ chính sách bảo trợ xã hội cho 70 nghìn đối tượng, đúng quy trình thủ tục, chi trả, kịp thời, chính xác… Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống TNXH và các công tác khác cơ bản thực hiện tốt.
Những tháng cuối năm 2014 và năm 2015, Sở LĐ-TB và XH tăng cường hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, cho vay vốn, tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp về Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật BHYT. Tham mưu với UBND tỉnh xây dựng đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Hoàn thành việc rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công theo Chỉ thị số 23/CT-TTg đúng tiến độ. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em và các chương trình công tác khác. Chủ động phối hợp, hướng dẫn các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các biểu hiện sai lệch trong thực hiện chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Tăng cường thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, về lao động tiền lương, đóng nộp BHXH, BHYT cho người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của ngành LĐ-TB và XH tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2014 và nhấn mạnh: Mặc dù ngành đã cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra nhưng vẫn còn một số tồn tại, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong một số lĩnh vực như: Đào tạo nghề chưa sát nhu cầu, chưa gắn với doanh nghiệp và địa chỉ cần lao động. Các đơn vị đào tạo nghề chưa xây dựng được thương hiệu của mình. Trong thực hiện chế độ chính sách đối với người có công và người bị nhiễm chất độc hóa học còn sai sót về thủ tục, trùng lặp đối tượng. Một số cán bộ còn lợi dụng công vụ vào mục đích cá nhân. Công tác tham mưu với tỉnh và phối hợp với các ngành liên quan, xã hội hóa hoạt động của ngành còn hạn chế. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở LĐ-TB và XH chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trên, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đối với lĩnh vực dạy nghề, lao động, giải quyết việc làm, ngành cần rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên ở 38 cơ sở dạy nghề. Xây dựng mô hình dạy nghề gắn với doanh nghiệp, không chạy theo chỉ tiêu mà hướng tới chất lượng, hiệu quả đào tạo. Đẩy nhanh rà soát việc thực hiện chế độ đối tượng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo tinh thần Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ. Làm tốt công tác phối hợp xác nhận đối tượng được phong và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng theo tiêu chuẩn mới, chế độ hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, người có công, đảm bảo chính xác, tránh sai sót. Tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, đặc biệt là những vụ việc đã được đưa ra thông tin đại chúng, cải cách thủ tục hành chính và cán bộ thực thi công vụ. Đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền về chế độ chính sách. Xây dựng kế hoạch tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật chính sách cho đội ngũ cán bộ./.
Tin, ảnh: Minh Tân