Đồng chí Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT làm việc tại tỉnh ta

08:09, 08/09/2014

Ngày 5-9-2014, đoàn công tác của Bộ NN và PTNT do đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT làm trưởng đoàn làm việc tại tỉnh ta về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2013 và 6 tháng đầu năm 2014; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 2014-2015 và giai đoạn 2016-2020. Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Phạm Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Đoàn Hồng Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Trần Lương Bằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Viết Hưng, Bạch Ngọc Chiến; lãnh đạo các sở: NN và PTNT, KH và ĐT, Tài chính, TN và MT, GTVT, Xây dựng; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh.

Các đồng chí: Cao Đức Phát, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT; Đoàn Hồng Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra Dự án khu neo đậu tàu thuyền cửa Ninh Cơ (Nghĩa Hưng).
Các đồng chí: Cao Đức Phát, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT; Đoàn Hồng Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra Dự án khu neo đậu tàu thuyền cửa Ninh Cơ (Nghĩa Hưng).

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Đoàn Hồng Phong đã báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2013 và 6 tháng đầu năm 2014 của tỉnh. Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015); được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2013 đạt 11,9%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 24,3 triệu đồng/người. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp bình quân đạt 2,8%/năm. Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác tăng từ 75,6 triệu đồng năm 2010 lên 95 triệu đồng năm 2013, dự kiến đạt 100 triệu đồng năm 2014. Tỉnh đã hoàn thành xây dựng và chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu. Tỉnh đang tập trung thực hiện 7 nội dung chủ yếu của Đề án là: hoàn thành quy hoạch phát triển các ngành hàng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa chủ lực, thế mạnh của tỉnh gồm 4 loại cây và 4 loại con; hoàn thành xây dựng hệ thống sản xuất giống các cây trồng, vật nuôi chủ lực; hoàn thành chuyển đổi các HTX nông, diêm nghiệp theo Luật HTX năm 2012; tăng cường liên kết vùng, liên kết tỉnh và mở rộng hợp tác quốc tế (trước hết là Nhật Bản) trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi để sản xuất, chế biến các sản phẩm sạch phục vụ xuất khẩu; tổ chức lại sản xuất trên biển, gắn với bảo vệ biển, đảo. Tính đến năm 2014, tỉnh đã xây dựng được 145 mô hình cánh đồng mẫu lớn với quy mô 7.500ha, trong đó có 8 mô hình điểm về liên kết chuỗi giá trị với quy mô trên 600ha. Triển khai xây dựng đồng bộ các Quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030 ở 3 cấp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân để thúc đẩy Chương trình xây dựng NTM. Đến nay, trong 96 xã xây dựng NTM đã có 17 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí; 72 xã đạt từ 15-19 tiêu chí, 7 xã đạt 13-14 tiêu chí, không còn xã nào đạt dưới 13 tiêu chí, bình quân tăng 9-10 tiêu chí/xã so với năm 2010. Ngành nghề nông thôn từng bước phát triển theo quy hoạch. Tỉnh đã tập trung huy động vốn để xử lý các sự cố hư hỏng về đê điều, công trình thủy lợi. Đến nay, đã kiên cố hóa được 64,7km/91km đê, kè biển và 28/274km đê sông. Hoàn thành xây dựng khu neo đậu tàu cá tránh bão cửa sông Ninh Cơ. Chủ động xây dựng và triển khai các phương án PCLB trong mùa mưa bão. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2011-2013 của tỉnh đạt 21,7%/năm; giá trị xuất khẩu tăng bình quân 14%/năm; giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 đạt 215 triệu USD, dự kiến cả năm 2014 đạt 436 triệu USD. Thu ngân sách từ kinh tế địa phương hằng năm tăng trưởng khá, bình quân tăng 11%/năm; thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2014 đạt 1.247 tỷ đồng, bằng 57,5% dự toán; dự kiến thu ngân sách cả năm 2014 vượt 14% dự toán. Tỉnh tập trung huy động mọi nguồn vốn cho đầu tư phát triển, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung xây dựng Thành phố Nam Định thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển toàn diện. Từ nay đến hết năm 2015, tỉnh tập trung chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội các năm 2014, 2015 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Rà soát, xác định các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm mang tính chiến lược để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Tỉnh xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm là: tạo điều kiện tối đa cho phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách; đẩy mạnh Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020; tập trung xây dựng tỉnh Nam Định nói chung, Thành phố Nam Định nói riêng, từng bước trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng; tiếp tục đẩy mạnh Chương trình xây dựng NTM, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chủ động trong công tác PCLB. Tỉnh đề nghị Bộ NN và PTNT và đồng chí Bộ trưởng quan tâm tạo điều kiện cho tỉnh được tham gia các gói hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như: FAO, WB, Chính phủ Ca-na-đa… để có nguồn lực thực hiện các nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Hỗ trợ Nam Định trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh hợp tác với Học viện Nông nghiệp xây dựng Trung tâm lợn giống chất lượng cao nhằm cải tạo, nâng cao chất lượng đàn lợn của tỉnh và khu vực Nam đồng bằng sông Hồng. Đề nghị Bộ NN và PTNT quan tâm bố trí vốn giai đoạn 2014-2016 để xử lý khẩn cấp tuyến đê, kè tại cửa Ba Lạt (Giao Thủy) dài khoảng 13.332m và cửa Ninh Cơ dài khoảng 2.308m. Xử lý khẩn cấp kè Phượng Tường trên tuyến đê hữu sông Ninh Cơ thuộc huyện Trực Ninh, kè Tương Nam trên tuyến đê hữu sông Hồng huyện Nam Trực, kè Quần Khu trên tuyến đê hữu sông Ninh Cơ huyện Nghĩa Hưng và 9 điểm sạt lở nghiêm trọng, dòng chảy xoáy thẳng vào thân đê de dọa nghiêm trọng đến an toàn của nhân dân trong mùa mưa bão (nhất là tình huống có siêu bão). Cải tạo, nâng cấp đường cứu hộ PCLB tuyến đê biển tỉnh. Cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả sông Đáy huyện Nghĩa Hưng (giai đoạn 1). Tiếp tục bố trí vốn để triển khai thực hiện dự án Nâng cấp hệ thống công trình PCLB đê hữu sông Hồng và kè Nam sông Đào giai đoạn 1.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bộ trưởng Bộ NN và PTNT đánh giá cao những kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2013 mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh đã đạt được. Đồng chí nhất trí với chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đồng chí đồng ý với những định hướng, giải pháp đã nêu trong Đề án, đồng thời nhấn mạnh để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, ngoài việc tiếp tục sản xuất lúa chất lượng, có giá trị cao, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến sản phẩm nông nghiệp và đặc biệt chú trọng xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để hướng tới các thị trường xuất khẩu; khuyến khích phát triển nuôi tôm và nghêu (ngao). Rà soát, điều chỉnh các cơ sở, hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản. Ưu tiên, bố trí thêm nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Về các đề nghị của tỉnh, Bộ trưởng giao cho các cơ quan của Bộ xem xét, đàm phán với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ Nam Định thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; ủng hộ tỉnh hợp tác với Học viện Nông nghiệp xây dựng Trung tâm lợn giống chất lượng cao. Về xúc tiến thu hút đầu tư, trước mắt tỉnh tập trung đón tiếp và làm việc hiệu quả với đoàn công tác của tỉnh I-ba-ra-ki của Nhật Bản. Về xây dựng cơ sở hạ tầng, đối với cửa Ba Lạt, Ninh Cơ, đồng chí yêu cầu Tổng cục Thủy lợi rà soát kỹ, có báo cáo để Bộ báo cáo Chính phủ. Tổng cục Thủy lợi cùng với tỉnh Nam Định kiểm tra ngay 9 điểm sạt lở nghiêm trọng, báo cáo cách xử lý cụ thể để Bộ ưu tiên nguồn vốn và có phương án xử lý khẩn cấp. Các công trình khác như: kè Phượng Tường, kè Tương Nam, kè Quần Khu; cải tạo, nâng cấp đường cứu hộ PCLB; cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả sông Đáy; nâng cấp hệ thống công trình PCLB đê hữu sông Hồng và kè Nam sông Đào, đồng chí thống nhất về chủ trương, tiếp tục phối hợp với tỉnh để làm việc với Bộ KH và ĐT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đầu tư vốn.

Trước đó, Bộ trưởng và đoàn công tác đã đến thăm trang trại nuôi lợn quy mô 700 con nái ngoại và 5.000 con lợn thịt của Cty TNHH Thái Việt tại huyện Giao Thủy; Kiểm tra dọc tuyến đê, kè biển huyện Hải Hậu kết hợp kiểm tra khu nuôi trồng thủy sản; Kiểm tra tuyến đê hữu sông Ninh Cơ đoạn từ phà Thịnh Long tới cống Quần Vinh 2 và Dự án neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa Ninh Cơ huyện Nghĩa Hưng./.

Tin, ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com