Vừa qua, tại Thành phố Nam Định, Tổng cục Dân số - KHHGĐ đã tổ chức hội thảo tham vấn chính sách đối với mô hình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng. Tham gia hội thảo có lãnh đạo Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Cục Phòng chống HIV/AIDS, đại diện Cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ và 2 tỉnh Nam Định, Nghệ An.
Sau thời gian thử nghiệm (từ năm 2009 đến nay), mô hình chăm sóc người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng thông qua hệ thống cán bộ dân số - KHHGĐ cơ sở ở 58 xã của 2 tỉnh Nam Định, Nghệ An đã đạt được kết quả tích cực. Các địa bàn triển khai mô hình đã thiết lập được danh sách, quản lý đối tượng nhiễm HIV; thực hiện các hoạt động tư vấn, chăm sóc, tuyên truyền, vận động đối với người nhiễm HIV và thân nhân của họ. Tổng số người nhiễm HIV được chăm sóc tại nhà ở 2 tỉnh là 1.994 người. Tổng số người thân được tư vấn, hỗ trợ tại 2 tỉnh là 2.608 người. Tại tỉnh ta, tính đến tháng 6-2014 có 4.956 người nhiễm HIV, 2.575 bệnh nhân AIDS, 1.289 bệnh nhân AIDS đã tử vong. Nhờ triển khai mô hình tại Thành phố Nam Định và 2 huyện Xuân Trường, Giao Thủy, đến tháng 6-2014, tổng số người nhiễm đã được chăm sóc là 886 người; số người nhiễm đang được chăm sóc là 679 người; số người nhiễm đang điều trị ARV được chăm sóc là 251 người; số người nhiễm chưa điều trị ARV được chăm sóc là 428 người. Số bệnh nhân được chuyển gửi đến các phòng khám, chương trình điều trị methadone là 349 người. Số bệnh nhân được chăm sóc cuối đời là 33 người. Số người thân của thân chủ được chăm sóc là 1.672 người. Số thân chủ được hỗ trợ chương trình tiếp cận cộng đồng và các chương trình hỗ trợ xã hội như học nghề, vay vốn, BHYT, việc làm là 146 người. Mô hình đã góp phần làm giảm số người nhiễm HIV, giảm các tệ nạn xã hội tại địa bàn triển khai.
Tại hội thảo, các ý kiến tham luận đã nêu bật những thuận lợi, khó khăn của việc triển khai mô hình, góp phần tham vấn chính sách cho Ban quản lý mô hình Trung ương về khả năng mở rộng địa bàn, tăng cường nguồn kinh phí hỗ trợ; đặc biệt là sự cần thiết phải tiếp tục lồng ghép hoạt động tư vấn, chăm sóc người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng vào chức trách của cán bộ dân số cơ sở; đồng thời có sự đãi ngộ tốt hơn với đội ngũ này để mô hình đạt được hiệu quả./.
Lam Hồng