Tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật

08:07, 14/07/2014

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có người tử vong do bị chó dại cắn, tuy nhiên mỗi năm cũng có hàng nghìn người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, ảnh hưởng tới sức khỏe, tổn thất về kinh tế. Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng hơn 310 nghìn con chó, nhưng mỗi năm các địa phương mới tổ chức tiêm vắc-xin phòng dại được 60 nghìn con, chỉ đạt dưới 20% tổng đàn. Bên cạnh đó, hiện tượng nuôi chó thả rông, không được quản lý vẫn còn phổ biến; nhận thức của người dân về bệnh dại còn hạn chế, có tư tưởng chủ quan, nhiều người bị chó cắn nhưng không đến các cơ sở y tế để điều trị dự phòng. Do vậy, nguy cơ bệnh dại phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh trong điều kiện hiện nay là rất cao.

Để chủ động ngăn chặn hiệu quả bệnh dại phát sinh, lây lan, giảm thiểu số người bị chó cắn và không để người bị tử vong do bệnh dại, vừa qua Sở NN và PTNT đã có Công văn số 400/SNN-CN gửi UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật. Theo đó, Sở NN và PTNT đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh dại được quy định tại Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 9-1-2007 của Chính phủ; Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4-8-2009 của Bộ NN và PTNT; Quy chế phối hợp trong phòng, chống bệnh dại quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27-5-2013 của liên Bộ Y tế và Bộ NN và PTNT; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 3-1-2014 của liên UBND tỉnh về việc phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2014; đặc biệt Công điện số 03/CĐ-BNN-TY ngày 11-6-2014 của Bộ NN và PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết chó, mèo nghi mắc bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả; hướng dẫn người dân chủ động giám sát, phát hiện và khai báo kịp thời cho chính quyền và cơ quan thú y về các trường hợp chó, mèo hoặc động vật khác nghi mắc bệnh dại để xử lý; người bị chó cắn phải đến ngay cơ sở y tế xử lý vết thương và điều trị dự phòng để ngăn ngừa tử vong do chó dại cắn. Tổ chức rà soát, thống kê số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn; kết quả tiêm phòng bệnh dại và tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin dại cho đàn chó, mèo, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn trong diện tiêm (từ 1 tháng tuổi trở lên). Có biện pháp xử lý đối với các chủ nuôi chó, mèo không thực hiện tiêm phòng vắc-xin dại. Tổ chức quản lý chặt chẽ đàn chó nuôi trên địa bàn, yêu cầu chủ vật nuôi phải khai báo đăng ký với chính quyền cơ sở để quản lý và tiêm phòng vắc-xin dại theo quy định, có sổ theo dõi tiêm phòng; không nuôi chó thả rông, khi đưa chó ra nơi công cộng phải có dây xích, đeo rọ mõm và có người dắt. Tăng cường kiểm soát vận chuyển động vật, nhất là chó, mèo; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn yêu cầu các cơ sở kinh doanh, giết mổ chó, mèo ký cam kết không nhập chó, mèo từ các vùng có lưu hành bệnh dại hoặc chó, mèo nhập lậu. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com