Hiện nay bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đang thu hoạch lúa xuân. Tuy nhiên, ngoài việc sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu trồng nấm và các công việc hữu ích, tại một số địa phương trong tỉnh, việc đốt rơm rạ và phơi thóc trên đường giao thông vẫn diễn ra… Việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng làm biến chất đất, gây chai cứng, khô cằn. Ngoài ra, còn làm tăng nhiệt độ, gây ô nhiễm môi trường không khí do khói, bụi và khí độc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân, phát sinh một số bệnh về đường hô hấp, làm mất ATGT, hư hỏng công trình đường bộ dẫn đến tốn kém kinh phí sửa chữa…
Ảnh minh họa/Internet. |
Để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, ngày 10-6-2014, UBND tỉnh đã có Văn bản số 333/UBND-VP3 yêu cầu các ngành, các địa phương tăng cường tuyên truyền sâu rộng về những tác hại của việc đốt rơm rạ; vận động bà con nông dân không tập kết, đốt rơm rạ và phơi thóc trên các trục đường nhựa. Đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các phòng, ban liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tập kết, đốt rơm rạ và phơi thóc trên mặt đường nhựa; nếu gây hậu quả nghiêm trọng chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, truy tố trước pháp luật. Các sở: NN và PTNT, TN và MT, KH và CN phối hợp với các huyện, thành phố hướng dẫn, phổ biến cho bà con nông dân các giải pháp xử lý rơm rạ như làm phân bón, trồng nấm, làm nguồn nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Các sở, ngành: TN và MT, GTVT, Công an tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để phát hiện, xử lý kịp thời và kiên quyết các trường hợp vi phạm. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên thực hiện nghiêm việc không tập kết, đốt rơm rạ và phơi thóc trên các trục đường nhựa, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới chất lượng công trình giao thông đường bộ và mất ATGT. UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành triển khai thực hiện nghiêm túc và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh./.
Thanh Thúy