Ngày 26-6-2014, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố triển khai các biện pháp xử lý vi phạm công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Trần Lương Bằng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành: NN và PTNT, TN và MT, Xây dựng, GTVT, Tư pháp, TT và TT, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Đài PT-TH tỉnh, Báo Nam Định; Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; các đồng chí Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND phụ trách nông nghiệp; Hạt Quản lý đê điều của các huyện, thành phố và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; đại diện các Cty TNHH một thành viên KTCTTL.
Do hệ thống công trình đê điều, thủy lợi phân bố trên diện rộng, trải dài nên mặc dù đã được tăng cường các biện pháp quản lý song tình trạng vi phạm đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra phức tạp, tập trung ở những khu vực đông dân cư, thị trấn, thị tứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các tuyến đê; làm ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến công tác PCLB. Vi phạm Luật Đê điều diễn ra ở nhiều hình thức, chủ yếu như: làm nhà, lều, quán, lán, xưởng sản xuất; làm bãi chứa vật liệu… trên mái đê, hành lang bảo vệ đê. Từ năm 2007 đến tháng 5-2014, toàn tỉnh đã phát sinh thêm 880 vụ vi phạm Luật Đê điều, đã giải tỏa được 100 vụ, còn tồn đọng 780 vụ. Các huyện có số lượng vi phạm nhiều như: Ý Yên 197 vụ, Trực Ninh 126 vụ, Giao Thủy 109 vụ, Nam Trực 94 vụ… UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố đã ban hành trên 100 văn bản kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo giải tỏa vi phạm theo quy định của pháp luật; kiểm tra, xử phạt 352 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt là 509,42 triệu đồng, trong đó xử lý, phạt tiền 269 phương tiện khai thác, vận chuyển cát sỏi trái phép tổng số tiền là 387 triệu đồng. Tổ chức cưỡng chế 6 hộ gia đình khu vực dốc Vạn Xuân, xã Giao Xuân (Giao Thủy) vi phạm Luật Đất đai và Luật Đê điều. Vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi diễn ra phức tạp và có xu hướng gia tăng, chủ yếu như: làm nhà ở, lều quán tập kết vật liệu, làm bến bãi bốc dỡ hàng hóa trong hành lang bảo vệ công trình; dựng lều, vó, bè ngâm gỗ, tre, luồng, đồ phế thải, rơm, rạ, rau bèo… cản trở việc tiêu thoát nước của công trình, neo đậu tàu, thuyền khu vực cửa cống không đúng quy định… Đến tháng 4-2014 còn tồn đọng 2.213 vụ vi phạm, trong đó 1.477 nhà ở, 736 lều quán; 10.835m2 bè mảng; 21.990m2 bãi chứa vật liệu; 2.131m2 bãi đổ rác, phế thải; 784m2 bãi bốc dỡ hàng hóa, 795 vị trí xả nước sinh hoạt, 29 vị trí xả nước thải công nghiệp và 7.228 trường hợp khác. Vi phạm công trình thủy lợi tập trung tại các huyện: Giao Thủy 598 nhà ở, 88 lều quán; Nam Trực 306 nhà ở, 124 lều quán; Ý Yên 237 nhà ở, 67 lều quán; Xuân Trường 183 nhà ở, 130 lều quán. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng vi phạm các công trình đê điều, thủy lợi trên là do công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi trong nhân dân còn nhiều hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật của người dân không cao; sự phối hợp giữa các cấp chính quyền với cơ quan chuyên môn trong việc xử lý vi phạm còn thiếu chặt chẽ và đồng bộ; tình trạng buông lỏng công tác quản lý còn xảy ra ở nhiều nơi… Để khắc phục tình trạng trên, đảm bảo an toàn và góp phần phát huy hiệu quả của hệ thống công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh ngày 25-6-2014 UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2014. Trong năm 2014 và những năm tiếp theo, các cấp, các ngành có liên quan từ tỉnh đến địa phương cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến từng thôn, xóm và người dân để nâng cao ý thức bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi. Tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng xe trên các tuyến đê, nhất là các tuyến đã được nâng cấp bê tông mặt đê. Tổ chức phát quang mái đê, kiên quyết xử lý việc rào, chắn, đào, bới mái đê để trồng cây, rau màu; trong năm 2014 và những năm tiếp theo giải quyết dứt điểm, triệt để các vi phạm tồn đọng theo lộ trình kế hoạch đã đề ra, kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới mà không được xử lý kịp thời, triệt để.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Lương Bằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định qua báo cáo của ngành Nông nghiệp và kết quả giám sát chuyên đề thời gian qua của HĐND tỉnh cho thấy việc xử lý vi phạm công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh là hết sức cấp bách. Đề nghị UBND các huyện, thành phố giao án phận đê điều, các công trình thủy lợi cho các xã, thị trấn quản lý. Khoanh vùng, phân loại vi phạm cũ để xử lý, có kế hoạch, giải pháp, thời gian hoàn thành cụ thể. Kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới, tái vi phạm. Xác định trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp và người đứng đầu trong việc không xử lý vi phạm hoặc để tái phạm, phát sinh vi phạm mới. Đề nghị UBND tỉnh trên cơ sở kết quả xử lý các vi phạm công trình đê điều, thủy lợi của các địa phương để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ công tác năm theo Luật Cán bộ, Công chức.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương các đơn vị, địa phương thực hiện tốt, xử lý nghiêm túc các vi phạm đê điều, công trình thủy lợi. Đồng chí giao cho UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các hạt quản lý đê điều, các Cty KTCTTL xây dựng báo cáo về tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, các công trình thủy lợi trên địa bàn, kế hoạch triển khai Chỉ thị số 14/CT-UBND của UBND tỉnh và triển khai hội nghị kiểm điểm công tác quản lý, xử lý vi phạm về đê điều và công trình thủy lợi, hoàn thành trước ngày 15-7-2014. Khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác để tiến hành kiểm tra, phân loại, lập kế hoạch giải tỏa các trường hợp vi phạm đê điều, các công trình thủy lợi, trước mắt là các trường hợp vi phạm trên mặt đê, mái đê và trong phạm vi 5m từ chân đê trở ra và vi phạm công trình kè, các bãi kinh doanh vật liệu trái phép, các trường hợp cấp phép trái thẩm quyền ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ… xong trong năm 2014. Phối hợp với Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội tích cực tuyên truyền, vận động các hộ vi phạm tự giác giải tỏa các công trình vi phạm. Kiểm tra, rà soát các trường hợp được giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền trong vi phạm bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm tra, rà soát việc chấp hành giấy phép, xử lý thu hồi giấy phép đối với các tổ chức và cá nhân có các hoạt động và xây dựng công trình có vi phạm liên quan đến an toàn của đê điều và công trình thủy lợi, thoát lũ của lòng sông. Kiểm tra, xử lý trách nhiệm của tổ chức, tập thể, cá nhân có sai phạm trong các vi phạm về đê điều và công trình thủy lợi. Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2014 theo phương châm “Kiểm tra, vận động, tự khắc phục, tự giải tỏa”. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra từng vụ việc hoặc kết luận thanh tra chuyên ngành. Hằng tháng tổng hợp, báo cáo tiến độ thực hiện việc xử lý các vi phạm về UBND tỉnh thông qua Sở NN và PTNT. Giao Sở NN và PTNT hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về thẩm quyền và thủ tục cấp phép xây dựng công trình và mở bến bãi sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tại các bãi sông theo đúng Luật Đê điều và Thông tư hướng dẫn của Bộ NN và PTNT. Chi cục QLĐĐ và PCLB, các hạt quản lý đê điều thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của UBND tỉnh. Tiếp thu và hoàn chỉnh Quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định, Sở Tư pháp thẩm định văn bản trước khi trình UBND tỉnh ban hành. Xây dựng kế hoạch cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi, trước mắt tập trung cắm đủ mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình tại những nơi khu vực đông dân cư. Công an tỉnh có văn bản chỉ đạo công an các huyện, thành phố phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt Chỉ thị của UBND tỉnh trong việc xử lý vi phạm công trình đê điều, thủy lợi và ngăn chặn phát sinh vi phạm mới. Thực hiện nghiêm túc việc xử lý các trường hợp cố tình vi phạm, tái vi phạm các công trình đê điều, thủy lợi. Giao Sở Tư pháp hướng dẫn kịp thời cho các địa phương về thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với các vụ việc vi phạm phức tạp. Thanh tra tỉnh khẩn trương hoàn thành kế hoạch thanh tra về công tác PCLB-TKCN; tổ chức kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, báo cáo UBND tỉnh để xử lý các cơ quan, đơn vị, cá nhân không thực hiện kết luận thanh tra./.
Ngọc Ánh